Cho người mới

Tại sao lãi suất lại quan trọng với người giao dịch Forex?

Mối quan hệ giữa lãi suất với nền kinh tế

Nếu như bạn hỏi rằng yếu tố nào ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ nhất đến thị trường ngoại hối thì câu trả lời chắc chắn phải là lãi suất (interest rates), vậy lãi suất là gì và tại sao lãi suất lại quan trọng với thị trường Forex chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này.

Lãi suất là gì?

Chắc có lẽ nhiều người không cần phải nghiên cứu về kinh tế cũng từng nghe về lãi suất. Nó là một tỷ lệ % mà bạn phải chi trả để vay một khoản tiền. Giống như chúng ta đi thuê mặt bằng kinh doanh thì trả phí thuê mặt bằng và có thể nói một cách hình tượng sang thị trường tiền tệ đó là chúng ta đi thuê tiền và khi thuê phải trả một khoản phí thuê.

Nếu như bạn thuê một cái gì đó mà chi phí phải trả cao thì chứng tỏ là giá trị của nó càng lớn, còn thứ mà ít người cần thì giá trị của nó thấp và khi ta thuê những thứ đó cũng sẽ phải trả một chi phí thấp hơn.

Tiền tệ cũng vậy, nếu lãi suất càng cao thì chứng cho đồng tiền càng có giá trị và người ta phải bỏ ra số tiền lớn hơn để vay mượn một khoản tiền nào đó.

Các ngân hàng trung ương lớn ảnh hưởng đến thị trường Forex

Sau đây sẽ là tên và ký hiệu viết tắt của các ngân hàng Trung ương những quốc gia kinh tế hàng đầu có ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường Forex.

QUỐC GIA NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG
United States Federal Reserve System (FED)
Australia Reserve Bank of Australia (RBA)
Canada Bank of Canada (BOC)
Liên minh châu Âu European Central Bank (ECB)
Japan Bank of Japan (BOJ)
New Zealand Reserve Bank of New Zealand (RBNZ)
Switzerland Swiss National Bank (SNB)
United Kingdom Bank of England (BOE)

Các tin tức kinh tế quan trọng cũng thường là liên quan đến những công bố chính sách của các ngân hàng này khi chúng ta giao dịch Forex.

Sự ảnh hưởng của lãi suất đến nền kinh tế

Trong khi nếu lãi suất giảm thị có nghĩa rằng giá trị đồng tiền xuống thấp và chi phí vay tiền cũng sẽ thấp hơn, lúc này những ai cần vay tiền sẽ thoải mái và dễ tiếp cận được nguồn vốn vay hơn.

Nếu lãi suất quá cao thì nó lại làm cản trở người đi vay vì họ sẽ phải trả chi phí lãi vay cao mà khả năng kinh doanh kiếm lợi nhuận không chắc sẽ đủ để trả lãi vay.

Lãi suất là do Ngân hàng trung ương hoặc chính phủ một nước nào đó quy định và nó là công cụ rất quan trọng để điều tiết nền kinh tế. Lãi suất ngân hàng ảnh hưởng đến gần như toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp.

Ở chiều ngược lại thì gần như sự thay đổi của lãi suất cũng do mục tiêu cuối cùng là ổn định giá cả thị trường và tỷ lệ lạm phát trong tầm kiểm soát.

Đó là lý do mà để kiểm soát lạm phát thì các chính phủ sẽ phải theo dõi tới các chỉ số quan trọng liên quan đến tiêu dùng đó là chỉ số giá tiêu dùng CPI (Consumer Price Index) và chỉ số tiêu dùng cá nhân PCE (Personal consumption expenditures).

Sư phát triển kinh tế sẽ luôn đi đôi với lạm phát nhưng ngược lại lạm phát quá cao sẽ lại hại đến nền kinh tế. Nó hại như nào thì có lẽ hầu hết chúng ta đang hứng chịu khi mà sau đại dịch Covid 19 tại Việt Nam cũng như là sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và cuộc chiến Nga – Ukraina đã khiến xăng tăng mạnh và vật giá cũng leo thang.

Sự tương quan về lãi suất với phát triển kinh tế và lạm phát có thể được biểu thị thông qua biểu đồ như sau:

tuong quan tang igam ty le lai suat voi phat trien kinh te va lam phat

Ảnh hưởng của lãi suất với thị trường Forex

Lãi suất ảnh hưởng rất lớn đến thị trường tiền tệ vì nó là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến dòng tiền ra vào của mỗi quốc gia và từ đó ảnh hưởng đến tỷ giá của các đồng tiền với những ngoại tế khác.

Ngay vả việc đổ tiền vào đầu tư ở một quốc gia nào đó cũng có phần quyết định bởi chính sách lãi suất và tiền tệ của quốc gia đó.

Chẳng hạn một quốc gia mà bạn gửi số tiền bạn có với lãi suất là 2% với một quốc gia có lãi suất tiền gửi là 3% thì bạn sẽ chọn quốc gia nào, chắc chắn phải là 3% rồi.

Khi lãi suất cho vay của một quốc gia càng cao thì chứng tỏ rằng đồng tiền đó càng có giá trị trong khi những đồng tiền có lãi suất thấp thì nó sẽ suy yếu hơn so với đồng tiền khác.

Nhưng vấn đề ở đây lại không phải cứ cố gắng để đồng tiền quốc gia mình mạnh hơn là một điều tốt vì nó ảnh hưởng đến lãi suất và lãi suất thì lại ảnh hưởng đến các yếu tố khác như ta đã nói ở trên.

Vì vậy mà các ngân hàng trung ương sẽ luôn phải cân đối giữa các yếu tố khi đưa ra chính sách tiền tệ cho nền kinh tế.

Lãi suất kỳ vọng (Interest Rate Expectations)

Thị trường luôn thay đổi mỗi ngày và đi kèm theo đó là các sự kiện kinh tế chính trị xã hội, vì vậy tỷ lệ lãi suất cũng phải thường xuyên cập nhật và thay đổi để điều tiết nền kinh tế, dĩ nhiên là nó không thể thay đổi liên tục như giá bó rau cân thịt ngoài chợ mà nó sẽ có kỳ hạn để ra thông báo lãi suất điều chỉnh.

Thông thường những người giao dịch trong thị trường tài chính nói chung và thị trường Forex nói riêng không mấy quan tâm đến lãi suất hiện tại bởi vì nó đã được công bố và thị trường cũng đã có sự điều chỉnh phù hợp với lãi suất đó.

Người ta sẽ chú ý hơn đến mức lãi suất sắp tới hay còn gọi là lãi suất kỳ vọng sẽ như thế nào.

Thực sự mà nói thì lãi suất nó có chu kỳ của nó, sẽ có một chu kỳ tăng lãi suất và đến một chu kỳ giảm lãi suất để điều tiết.

Nó giống như chúng ta đạp xe đạp, ban đầu xe đang chạy chập thì chúng ta sẽ phải dồn sức đạp để cho xe tăng tốc, khi nó tăng đến tốc độ quá nhanh rồi thì chúng ta sẽ ngừng đạp để cho xe tự chạy, lúc đó vận tốc của xe sẽ chậm lại và rồi chúng ta lại tiếp tục đạp để tăng tốc nó lên. Như vậy mới duy trì được sự di chuyển của xe.

Nếu ví chiếc xe đạp ở đây chính là nền kinh tế thì người đạp xe chính là lãi suất để có thể vận hành nền kinh tế.

Chính từ tính chu kỳ của lãi suất như vậy mà người ta có thể có cơ sở để dự báo về biến động lãi suất sắp tới, đa phần người ta đự báo gần chính xác nhưng đôi khi cũng có thể ngược lại hoàn toàn đó là thay vì tăng thì lại giảm. Vậy nên chúng ta cũng cần phải cẩn thận.

Ví dụ với lãi suất của đồng USD, đồng tiền lớn nhất thế giới sẽ được theo dõi lãi suất kỳ vọng thông qua một đồ thị có tên là “FED dot plot”

Fed dot plot - Tại sao lãi suất lại quan trọng

Fed Dot Plot sẽ được đưa ra sau mỗi cuộc họp của FED và sự dự đoán của 16 thành viên thuộc Uỷ ban Thị trường Liên bang (Federal Open Market Committee).

Sự chênh lệch lãi suất

Các nhà giao dịch ngoại hối sẽ so sánh tỷ lệ lãi suất giữa hai đồng tiền trong một cặp tiền tệ để xem là đồng tiền nào mạnh hơn đồng tiền nào, qua đó cũng là cơ sở để dự đoán về hướng đi tiếp theo của tỷ giá cặp tiền.

Và sự khác nhau giữa lãi suất các cặp tiền tệ chính là sự chênh lệch lãi suất, dựa vào biểu đồ thể hiện sự chênh lệch tỷ lệ lãi suất mà chúng ta có thể nhanh chóng đánh giá trực quan về một cặp tiền tệ nào đó.

chenh lech lai suat giua dong EUR va USD

Như hình trên là biểu đồ thể hiện sự chênh lệch tỷ lệ lãi suất giữa hai đồng tiền mạnh nhất thế giới là USD và EUR. Có thể thấy tổng quan chung thì các tỷ lệ lãi suất tăng giảm khá tương đồng, còn về ngắn hạn thì sẽ có sự biến động và chênh lệch lớn nhỏ khác nhau.

Nếu như hai đồng tiền có sự trái ngược về tỷ lệ lãi suất, chẳng hạn một đồng có lãi suất tăng còn một đồng kia giảm thì lúc đó tỷ giá cặp tiền tệ sẽ có biến động rất mạnh.

Lãi suất danh nghĩa và lãi suất thực tế

Tại sao chúng ta hay thường nghe nói về tiền gửi tiết kiệm ngân hàng có nghĩa là bạn đang mất tiền?

Nó đơn giản là tỷ lệ lạm phát cao hơn tỷ lệ lãi suất gửi tiết kiệm. Chẳng hạn bạn gửi tiết kiệm với lãi suất là 5%/năm nhưng trong năm đó lạm phát lại lên đến 7% chẳng hạn, như vậy có nghĩa là cả tiền gốc và lãi bạn nhận được sau một năm đã bị mất giá trị đi 2%.

Nhưng bây giờ giả sử bạn không gửi ngân hàng mà bạn góp vốn vào đầu tư kinh doanh một cái gì đó mà cuối năm bạn nhận về 10% so với số vốn ban đầu, trong khi lạm phát của đồng tiền là 7%.

Như vậy lúc đó lãu suất thực tế chúng ta nhận được là 3%. Tức là:

Lãi suất thực tế = Lãi suất danh nghĩa – Tỷ lệ lạm phát

Lời kết

Trên đây là những kiến thức cơ bản liên quan đến tỷ lệ lãi suất cũng như là sự ảnh hưởng của lãi suất đối với nền kinh tế và thị trường tiền tệ là như thế nào.

Lãi suất luôn là một trong những thứ quan tâm hàng đầu của người giao dịch Forex khi theo dõi các tin tức kinh tế cơ bản, do đó bạn hãy đặc biệt chú ý đến những tin tức quan trọng này nhé.