Bài học trước chúng ta đã tìm hiểu sơ qua về kế hoạch giao dịch là gì và vai trò quan trọng của nó. Trong bài viết này chúng ta sẽ đi sâu vào việc tạo sao một trader cần phải lập kế hoạch giao dịch nếu như muốn chiến thắng trong thị trường.
Khi bạn có một kế hoạch giao dịch cụ thể và rõ ràng thì bạn sẽ có được rất nhiều lợi thế, cụ thể như sau:
Đơn giản và hệ thống hoá công việc giao dịch
Khi có một bản kế hoạch giao dịch thì nó giống như bạn đã có sẵn một con đường để đi từ điểm A đến điểm B.
Đôi khi mới đầu đi bạn phải tìm đường, sau đó mới biết đường và vài lần sau nữa thì sẽ cố nhớ đường đi. Nhưng khi mà bạn đã đi quá quen rồi thì lần sau bạn có thể đi theo kiểu phản xạ như một thói quen, thậm chí vừa đi bạn vừa nghĩ ngợi về một chuyện gì đó mà không còn cần phải quá tập trung để nhớ đường nữa mà vẫn đến đường điểm B.
Mọi thứ khi đó quá đơn giản với bạn. Nhưng mọi chuyện sẽ khác hoàn toàn khi bạn không có con đường đó.
Hãy tưởng tượng bây giờ bạn giao dịch mà không có một bản kế hoạch cụ thể thì chẳng khác nào bạn đang đi trong một khu rừng rậm không rõ phương hướng.
Lúc đó bạn phải dùng la bàn để định hình được hướng đi. thậm chí như vậy bạn vẫn chưa chắc đã đến đúng được điểm B nếu như không có kiến thức và kinh nghiệm đi đường rừng.
Thậm chí sau này bạn đã đi được vài lần thì bạn cũng khó hình thành thói quen được mà vẫn phải lưu tâm chú ý rất nhiều nếu không muốn bị đi lạc đường.
Vậy thì bạn sẽ chọn cái nào? Chắc chắn là đi trên một con đường phẳng lặng và rộng thênh thang rồi đúng không.
Khó khăn trong thời gian ban đầu
Đương nhiên nếu muốn đi được con đường rộng thênh thang thì đầu tiên bạn phải bỏ nhiều công sức để có thể làm ra con đường đó, nó chỉ nặng nề trong bước đầu khi mà đang hình thành lên con đường đó mà thôi.
Giống như bạn đang bắt đầu hình thành lên một kế hoạch giao dịch thì chắc chắn là phải sửa đổi và cập nhật nó rất nhiều để hoàn thiện kế hoạch giao dịch mỗi ngày. Nhưng khi mà nó đã vận hành trơn tru rồi thì ta sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều và lúc đó thực sự có thể giao dịch như theo một công thức vậy.
Và rồi bạn sẽ không phải căng mắt lên nhìn chart mỗi khi giao dịch nữa và cũng không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố cảm xúc làm bạn thiếu tỉnh táo khi giao dịch.
Không ai giúp bạn thành công được ngoài bản thân bạn
Như đã nói trong bài trước đó là kế hoạch giao dịch nó như bí kíp của riêng bản thân chúng ta mà không ai có thể sao chép được dù bạn có chỉ họ đi chăng nữa. Họ có thể sao chép kế hoạch giao dịch của bạn nhưng họ không thể sao chép những trải nghiệm và kinh nghiệm của bạn.
Nếu như cứ có bản kế hoạch giao dịch mà chiến thắng thị trường thì nó đơn giản quá. Hệ thống giao dịch nào đó có thể người này sử dụng thì thành công nhưng người khác khi áp dụng lại không thể có hiệu quả.
Trong giao dịch các bạn không nên nghe theo một cách tuyệt đối về tin hiệu được đưa ra từ ai đó, hay là dựa theo sự phỏng đoán, cảm tính của bản thân, điều đó là không nên và nó chẳng khác gì đánh bạc cả.
Khi bạn nghe theo tin hiệu giao dịch của một ai đó, sở dĩ nói bạn không nên nghe theo không phải vì nói họ không phải người giao dịch giỏi mà ngược lại có thể họ giao dịch tốt nhưng vấn đề nó lại rất phức tạp.
Vì không ai là có thể dám chắc thắng 100% khi vào lệnh cả, ai cũng sẽ có một số hoặc thậm chí nhiều lệnh thua hơn là thắng nhưng vẫn có thể có lợi nhuận.
Vấn đề ở đây là giao dịch nó không chỉ đơn giản là vào lệnh, nó còn quản lý lệnh sau đó cũng như là quản lý vốn và tâm lý khi ta đối mặt với một lệnh thua.
Khi ta nghe theo tín hiệu giao dịch của ai đó thì thứ nhất là chưa chắc họ sẽ thắng và thứ hai đó là chúng ta không có kỹ năng quản lý lệnh sau đó và còn rất nhiều vấn đề nhỏ nhặt khác.
Có kế hoạch giao dịch không đảm bảo cho bạn sẽ thắng
Ở đây ý nói đến thời kỳ đầu khi mà chúng ta mới lập kế hoạch giao dịch thì nó giống như một con đường đang hoàn thiện. Chúng ta cần phải thử nghiệm và có những sai số cần phải được điều chỉnh để kế hoạch giao dịch có thể hoàn thiện hơn.
Bạn phải hiểu điều đó để tránh việc khi bạn có môt kế hoạch giao dịch được lập ra tương đối kỹ càng mà vẫn chưa đảm bảo cho bạn có lợi nhuận đều đặn. Thành ra bạn có thể nghi ngờ về bản kế hoạch đó và có thể chẳng còn quan tâm đến nó và quay về giao dịch một cách cảm tính.
Luôn giao dịch theo kế hoạch giao dịch và luôn hoàn thiện bản kế hoạch giao dịch từng ngày đó là nhiệm vụ mà bạn nên bám sát và kiên trì với điều đó thì sớm muộn gì bạn cũng sẽ có lợi nhuận một cách đều đặn.
Hầu hết người mới tham gia vào thị trường tài chính là không có bất cứ một kế hoạch giao dịch nào và chắc chắn không ai có thể có lợi nhuận và nếu có thì cũng không bền vững.
Nếu như bạn lập được một kế hoạch giao dịch cụ thể thì có nghĩa là bạn đã thuộc về nhóm số ít người giành chiến thắng trong thị trường này rồi.
Kế hoạch giao dịch chính là kỷ luật
Kế hoạch giao dịch giúp bạn được ép vào trong một khuôn khổ của sự kỷ luật như là trong quân đội vậy. Mà kỷ luật mới chính là chìa khoá giành chiến thắng của bạn trong thị trường ngoại hối nói riêng và thị trường tài chính nói chung.
Sự thiếu kỷ luật trong môi trường đầu tư tài chính này thì bạn chẳng khác gì một con bạc cả, mà đã đánh bạc thì chẳng bao giờ có thể bền lâu.
Giả sử bạn có kế hoạch giao dịch quy định rằng mình không được giao dịch trước và sau khi tin tức quan trọng được công bố là 1 tiếng đồng hồ.
Thế nhưng nhiều lần bạn quan sát thấy là giá thường biến động mạnh về một hướng nào đó rồi sau đó hồi trở về gần với mức giá trước khi có tin tức đưa ra.
Vậy nên khi tin tức ra và giá tăng mạnh lên cả trăm Pips chẳng hạn, lúc đó bạn nổi lòng tham và phá vỡ quy tắc, bạn đặt một lệnh bán để hy vọng rằng giá sau đó sẽ giảm hồi về.
Có thể lần đó bạn thắng đậm, bạn hào hứng với chiến tích của mình và nghĩ như mình đã tìm được một kho báu vậy.
Và hãy tự hỏi rằng nếu bạn trong trường hợp đó bạn có dừng lại không? Bạn có quay về kỷ luật giao dịch mà mình đã đề ra ban đầu hay không?
Chắc chắn đến 99% nếu không muốn nói là 100% không bao giờ dừng lại, họ sẽ tiếp tục giao dịch với các tin tức quan trọng khác theo kiểu như thế.
Mà khi giao dịch kiểu này thì không có một điểm dừng lỗ khoa học và hầu hết là không có stop loss vì chúng ta sợ giá chưa hồi lại mà còn tiếp tục tăng hoặc giảm thì sẽ bị hit stop loss mất.
Mà thị trường thì không lúc nào giống lúc nào, lần ra tin tức này có thể nó tăng hay giảm mạnh rồi hồi về nhưng có lúc thì giá giật mạnh lên xuống kèm theo đó là trượt giá (Slippage) và giãn spread ra rất lớn. Tồi tệ nhất đó là giá tăng mạnh hay giảm mạnh rồi tiếp diễn như thế mà không hề hồi về.
Như vậy bạn có thể thắng 9 lần đầu tiên nhưng lần thứ 10 có thể khiến bạn bốc hơi hết những gì bạn làm được ở 9 lần trước.
Vì vậy mà kế hoạch giao dịch luôn đóng vai trò quan trọng và quan trọng hơn nữa đó là bạn phải tuân thủ chặt chẽ những gì đã đề ra.
Nếu so sánh với hình tượng thỏ và rùa trong câu chuyện cổ tích mà ai cũng từng nghe hồi nhỏ thì với giao dịch tài chính, bạn là rùa sẽ tốt hơn là vội vàng hấp thấp như thỏ. Hãy là người giao dịch chậm mà chắc.
Như vậy ở đây kỷ luật cũng có nghĩa là sự kiên định, kiên định theo một chiến lược cụ thể đã đề ra và kiên định cải tiến nó chứ không phải mới thấy nó không hiệu quả mà bạn không tìm hiểu xem mình phân tích chưa chuẩn chỗ nào đã mải đi tìm những hệ thống giao dịch khác và rồi ta lại phải lập lại kế hoạch giao dịch mới.
Điều đó là không hề có ích chút nào cả mà quan trọng ở đây là chúng ta tìm ra được cái đúng cho chính mình và nó là thứ phù hợp duy nhất với bản thân các bạn.
Kế hoạch giao dịch tránh cạm bẫy tâm lý
Học Price Action đã đề cập đến việc kế hoạch giao dịch giúp bạn tránh được những ảnh hưởng tâm lý tiêu cực xảy ra trong đời sống.
Nhưng phần này chúng ta nói đến khía cạnh tâm lý khác trong giao dịch đó là tâm lý khi bạn thắng và tâm lý khi bạn thua.
Chắc chắn các bạn sẽ thấy kỳ lạ nếu như nói rằng với những người yếu tâm lý thì lệnh thắng cũng có thể bạn thua về sau và lệnh thua thì đương nhiên càng làm bạn thua về sau nữa.
Tâm lý khi bạn có lệnh thắng
Đôi khi bạn thăng liên tiếp vài lệnh thì có thể bạn quên đi giới hạn về số lệnh có thể mở cùng một lúc mà lao đầu vào giao dịch một cách điên cuồng.
Giống như đánh trận mà thắng thì dễ mắc bệnh kiêu binh mà kiêu binh thì tất bại.
Lúc đó bạn sẽ quên đi kỷ luật và nguyên tắc giao dịch của mình, sau đó dễ mắc vào cạm bẫy giao dịch theo cảm tính để rồi chắc bạn sẽ hiểu được kết quả về sau sẽ thế nào rồi đó.
Tâm lý khi bạn bị thua lệnh
Khi bạn thua giống như tâm lý của một con bạc thì thua sẽ muốn phục thù và gỡ lại số tiền đã mất. Mà lúc đó chính là lúc mà chúng ta thiếu tỉnh táo nhất.
Và bạn khi đã muốn phục thù thì chẳng bao giờ bạn có thể tuân thủ được kế hoạch giao dịch hay kỷ luật gì nữa cả. Bạn như bị chìm vào trong vũng lầy không thể thoát ra được cho đến khi tài khoản không còn đủ để bạn có thể vào lệnh nữa thì mới chịu dừng lại.
Do đó mà khi bạn xây dựng kế hoạch giao dịch thì cần có những thiết chế để nhắc nhở bản thân phải ứng xử với các tình huống thắng thua trong giao dịch như thế nào để chúng ta luôn giữ được cái đầu lạnh một cách kiên định.
Lời kết
Trên đây là những lý do cực kỳ quan trọng lý giải vì sao chúng ta cần phải lập kế hoạch giao dịch một cách chi tiết nếu như bạn muốn có lợi nhuận bền vững trên thị trường tài chính nói chung và Forex nói riêng.
Chúc các bạn có được một kế hoạch giao dịch hoàn hảo cho riêng bản thân mình và nó sẽ như tấm bản đồ thành công của bạn trên thị trường.