Trong phân tích kỹ thuật thì có lẽ phân tích sóng là điều không bao giờ có thể thiếu được, có rất nhiều phương pháp và trường phái phân tích sóng khác nhau nhưng nổi tiếng nhất trong đó là sóng Elliott. Vậy sóng Elliott là gì? cách phân tích và sử dụng sóng Elliott vào giao dịch như thế nào chúng ta hãy cùng Học Price Action tìm hiểu trong bài viết này.
Sóng Elliott là gì?
Sóng Elliott được phát minh ra vào những năm 1920-1930 của thế kỷ trước bởi một kế toán được coi là thiên tài điên rồ có tên Ralph Nelson Elliott.
Ông đã dành thời gian dài để nghien cứu khối dữ liệu chứng khoán trong lịch sử dài đến tận 75 năm, trải qua quá trình nghiên cứu ông đã phát hiện ra những con sóng lên xuống trong thị trường chứng khoán mà người ta vẫn nghĩ là hỗn loạn và không có quy luật thì nó lại không hoàn toàn như vậy.
Các con sóng trong thi trường chứng khoán dường như vẫn đi theo một quy luật tự nhiên nào đó và dần dần ông đã quy chuẩn lại thành lý thuyết sóng Elliott.
Sau khi đã nghiên cứu một cách hoàn chỉnh về các con sóng và kiểm nghiệm thực tế nhiều để tự tin với kết quả nghiên cứu của mình thì ông đã công bố dự án nghiên cứu của mình ra công chúng khi mà ông đã 66 tuổi thông qua cuốn sách “Nguyên lý sóng” (The Wave Principle).
Ông cho rằng thị trường biến động được quyết định bởi phần nhiều là tâm lý đám đông, các yếu tố kinh tế cơ bản có thể ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế và đặc biệt là thị trường tài chính nhưng biến động như nào vẫn là ở tâm lý đám đông quyết định và điều này nó thường diễn ra theo quy luật có thể lặp đi lặp lại giống nhau.
Dựa vào nguyên lý sóng Elliott mà chúng ta có thể có những cơ sở để dự đoán về sự đảo chiều của xu hướng.
Cấu tạo của sóng Elliott
Elliott đã đưa ra lý thuyết về một xu hướng thị trường hay đúng hơn là cấu trục của hệ thống sóng sẽ theo quy luật 5-3. Cụ thể đó là:
- 5 sóng đầu tiên sẽ được gọi là sóng xung hay tên nguyên bản của nó là (impulse waves).
- 3 sóng sau sẽ được gọi là các sóng điều chỉnh hay chuẩn tên tiếng Anh là (corrective waves)
Về cơ bản thì cấu trúc một con sóng Elliott sẽ có hình dạng như sau:
Hình trên mô phỏng một con sóng cơ bản theo lý thuyết sóng Elliott trong đó:
- Sóng xung sẽ là các con sóng số 1, 2, 3, 4, 5
- Sóng điều chỉnh sẽ là các con sóng a, b, c
Các quy tắc về cấu tạo sóng Elliott
Quy tắc thiết lập lên các sóng để thoả điều kiện hình thành lên sóng Elliott đó là:
- Sóng 3 sẽ luôn là sóng lớn nhất trong tất cả các con sóng
- Sóng 2 không thể đi xuống thấp hơn điểm bắt đầu của con sóng 1
- Sóng 4 không có khoảng giá trùng với sóng 1, tức là không đi vào vùng giá của sóng 1.
Diễn giải cụ thể về các sóng lần lượt như sau:
Các con sóng trong impulse waves
Sóng 1
Đây là thời điểm mà sau một quá trình thị trường đã giảm sâu rồi và một số người bắt đầu cho rằng đó là thời điểm tốt để bắt đầu mua vào vì giá đã xuống quá thấp.
Trong khi đó thì bên bán dường như cũng đã mệt mỏi sau một chặng đường dài giảm giá và không còn nhiều động lực để đẩy giá đi xuống thấp hơn nữa.
Đó là hai lý do để hình thành lên bước đẩy sóng đầu tiên làm cho thị trường tăng giá trong bước sóng 1.
Sóng 2
Đây là một bước sóng giảm nhẹ, giống như một bước nghỉ giữa chặng đường sau một thời gian đầu giá đã tăng tương đối xa.
Ở thời điểm này thường là sẽ có một số người chốt lời và hình thành lên lệnh bán trong khi lượng người mua nhảy vào vẫn chưa tăng lên quá mạnh để có thể lấn át được bên bán cho nên giá đã giảm một bước nhẹ.
Tuy nhiên sóng giảm này cũng rất ngắn và không thể nào đâm thủng ngưỡng đáy trước khi bắt đầu sóng 1 được bởi vì lúc này thị trường không thực sự có một lực lượng bán hùng hậu để đẩy thị trường đi xuống.
Sóng 3
Con sóng 3 tiếp tục là con sóng tăng khi mà sau một nhịp điều chỉnh giảm do làn sóng chốt lời thì bắt đầu có thêm một làn sóng nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường đẩy giá tăng lên thêm một nhịp nữa.
Thông thường trong các con sóng thì sóng 3 sẽ là sóng có độ lớn nhất vì đây là thời điểm mà nhiều người đã để ý thấy một xu hướng tăng hiện rõ, con sóng đầu chỉ là một mồi lửa hay là một tín hiệu xác nhận xu hướng tăng mà nhiều người đang chờ đợi để thăm dò thị trường.
Đến khi con sóng 3 là lúc mà nhiều người bắt đầu nhảy vào thị trường nhất và khiến cho giá tăng mạnh.
Sóng 4
Sau con sóng 3 tăng mạnh thì theo tâm lý của đám đông sẽ lại có một bộ phận tương đối lớn là chốt lời. Chính điều này dẫn đến một con sóng giảm điều chỉnh nhỏ được diễn ra.
Sóng 5
Cuối cùng là sóng 5 với một sóng tăng và thường thì sóng 5 không thể lớn hơn sóng 3 hoặc thông thường còn nhỏ hơn sóng 1.
Một con sóng trong thị trường nó giống như một cuộc chạy nước rút 100m vậy. Khi xuất phát bạn cần sự tăng tốc từ đứng yên đến nhanh dần. Đoạn giữa đường sẽ là thời điểm bạn có vận tốc nhanh nhất, sau đó càng về cuối thì sức bị xuống và tốc độ dần chậm lại.
Ở vị trí con sóng số 5 này thường là nhiều người đầu tư không có kinh nghiệm sẽ lao vào thị trường vì cảm thấy thị trường trước đó tăng rất mạnh và lao theo đám đông vì sợ bỏ lỡ cơ hội lần nữa. Chủ yếu là do lòng tham bị chi phối
Trong khi đó thì nhiều người khác đã bắt đầu chốt lời thật sự và bên bán sẽ dần chiếm ưu thế để bước vào các con sóng của corrective waves.
Corrective waves
Ở các con sóng của impulse waves thì các con sóng tăng lớn chiếm ưu thế nhưng nó cũng có trong đó các con sóng nhỏ điều chỉnh.
Nhưng thị trường chắc chắn không thể tăng mãi và sẽ đễn một lúc nó có con sóng giảm lớn để bù lại con sóng tăng lớn impulse waves trước đó.
Các con sóng sẽ luôn xen kẽ nhau và ta gọi là sóng trong sóng. Trong sóng tăng có sóng giảm, trong sóng giảm có sóng tăng.
Ở đây chúng ta sẽ không giải thích cụ thể từng con sóng a, b, c trong nhịp điều chỉnh mà sẽ tập trung vào dạng sóng điều đỉnh này.
Theo lý thuyết sóng mà Elliott đưa ra thì nó có đến 21 dạng sóng điều chỉnh nhưng có thể gói gọn lại trong 3 dạng chính như sau:
1. Mô hình sóng Zig Zacs
Đây là kiểu mô hình thường gặp nhất, mô hình sóng zig-zag sẽ thể hiện được rõ sự giảm điều chỉnh của thị trường.
2. Mô hình sóng là cờ
Đây là mô hình sóng mà giá sẽ có xu hướng đi ngang hơn là một nhịp giảm điều chỉnh rõ rệt như mô hình sóng zig-zag. Nó cũng giống như là mô hình giá lá cờ chúng ta đã học trong bài mô hình giá (Price Pattern hay chart pattern).
3. Mô hình tam giác
Đây là mô hình mà các sóng sẽ tạo thành mô hình tam giác mà ta đã từng học khi nó có các sóng dao động hẹp dần với các đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước và đáy sau thấp hơn đáy trước.
Sóng trong sóng – hình tượng xoắn ốc
Các bạn có bao giờ xem bóng đá trực tiếp mà gặp tình huống camera quay vào màn hình trực tiếp lớn tại sân vận động hay không, chắc là rất nhiều người gặp và có chú ý về điều này.
Đó là nó cứ trong màn hình lại có màn hình đến vô tận, có lẽ vũ trụ cũng là một mô hình như vậy. Quay về với các sóng thị trường thì nó cũng không khác gì hình tượng này.
Chúng ta hãy hình dung đơn cử như ở biểu đồ D1 thì thời gian 1 ngày chỉ biểu thị bằng 1 cây nến, nhưng nếu ta mở xuống các khung thời gian ngắn hơn thì nó lại bao gồm rất nhiều sóng trong đó chứ không chỉ là một cây nến.
Chẳng hạn sẽ có 24 cây nến H1, trong các sóng hình thành nên biểu đồ H1 lại có các sòng nhỏ hơn ở khung M30, M15, M5….
Lời kết
Trên đây là những lý thuyết cơ bản nhất về sóng Elliott mà Học Price Action muốn giới thiệu đến với các bạn. Ngoài ra thì sóng Elliott còn khá nhiều lý thuyết nâng cáo và các mô hình sóng mở rộng dựa trên cấu trúc sóng cơ bản ở trên.
Trong các bài viết khác Học Price Action sẽ đề cập thêm về kiến thức sóng Elliott chuyên sâu còn về cơ bản thì chúng ta chỉ cần nắm những kiến thức như trên.
Thực tế nhiều người giao dịch lâu năm có nhiều kinh nghiệm vẫn không biết sóng Elliott là gì, đương nhiên họ đã từng đọc qua nhưng không áp dụng vào chiến lược giao dịch của mình nên không còn nhớ nữa nhưng vẫn có thể giao dịch thành công.