Price Action

Phân tích chuỗi nến trong giao dịch hành động giá

Phân tích chuỗi nến là một trong những phần khó nhất của phương pháp giao dịch price action. Trong quá trình phát triển, nghiên cứu, những trader thường đúc kết lại thành những mô hình, những thứ tự nến thường xuyên xuất hiện như là một quy luật.

Phân tích chuỗi nến vận dụng khả năng tư duy sáng tạo và nhận thấy là hợp lý của mỗi người và không ai là giống ai cả. Hai người có cách nhìn khác nhau nhưng có thể cả hai đều đúng chứ không phải một người đúng, một người sai.

Dù bạn sử dụng phương pháp nào đi chăng nữa thì thông qua một vài ví dụ tôi đưa ra sẽ giúp các bạn có cái nhìn bao quát về phân tích chuỗi nến, từ đó là cơ sở cho việc vận dụng cách thức phân tích của riêng các bạn.

Khái niệm về phân tích chuỗi nến

Khi các bạn học những mẫu nến cơ bản, tôi lấy ví dụ là Doji chẳng hạn. Theo lý thuyết thì Doji là tín hiệu đảo chiều nhưng có lẽ 100 Doji thì may ra được không quá 10 nến là thực sự dẫn đến đảo chiều. Đó cũng là chuyện hết sức bình thường vì chúng ta không thể tuyệt đối hoá mọi thứ, nhất là trong thị trường tài chính khó nói trước này.

Ý tôi muốn nói ở đây đó là một cây nến bản thân nó cũng có một ý nghĩa nhất định thể hiện thông qua các mức giá mở cửa, đóng cửa, cao nhất, thấp nhất nhưng khó mà cho chúng ta được cái nhìn tổng quan về thị trường. Đó là lý do vì sao chúng ta phải phân tích chuỗi nến.

Hãy tưởng tưởng như khi đánh giá một con người nào đó. Nếu nhìn bề ngoài chúng ta đánh giá anh ta cao to, gương mặt sáng sủa thông minh và có vẻ là người tri thức nhưng như thế là không đủ. Muốn đánh giá đúng thực chất thì nhất thiết phải xem xét vị trí của anh ta trong xã hội và các mối quan hệ của anh ta ra sao.

Phân tích chuỗi thực chất là làm những công việc sau:

  • Tìm hiểu và nghiên cứu những gì đang diễn ra
  • Kỳ vọng điều gì xảy ra trong tương lai
  • Ước lượng khả năng xảy ra cho những kỳ vọng

Sau đây, chúng ta sẽ đi vào các ví dụ phân tích cụ thể. Nhưng trước tiên tôi sẽ nói qua về quy tắc của các ví dụ đó là:

  1. Lấy ngẫu nhiên một phần biểu đồ nào đó
  2. Tập trung vào 25 cây nến liên tiếp bất kỳ.
  3. Dùng các điểm chốt hình thành gần đó để phân tích hoàn cảnh thị trường

Lưu ý về phân tích chuỗi

Phân tích chuỗi không quan trọng phải đúng

Khi tôi sử dụng phân tích chuỗi, đôi khi sau một vài cây nến tiếp theo đã khiến tôi thay đổi hoàn toàn cách nhìn nhận và kỳ vọng những gì sẽ xảy ra của thị trường. Điều đó là hết sức bình thường vì thị trường là thiên biến vạn hoá.

Thứ chúng ta đòi hỏi ở phân tích chuỗi không phải là sự chính xác 100% mà đó là việc làm khiến cho chúng ta bám sát thị trường, cảm nhận thị trường, biến thị trường như những dòng máu lưu thông trong người vậy.

Phân tích chuỗi không phải vào lệnh

Mục đích của phân tích chuỗi là nhận định, đánh giá và theo dõi, bám sát thị trường chứ không phải là tìm cơ hội vào lệnh. Việc vào lệnh là nhiệm vụ của set up giao dịch. Vì vậy mà tôi mới nói rằng, phân tích chuỗi là không bắt buộc phải chính xác.

Mà việc chính xác hoàn toàn cũng không thể vì công việc này là kỳ vọng vào những gì có khả năng xảy ra trong tương lai. Nếu đúng hết thì chúng ta là thánh chứ không là người nữa rồi phải không các bạn.

Những ví dụ dưới dây tôi chỉ sử dụng các điểm chốt gần nhất mà bỏ qua các điểm chốt rất quan trọng ở trước đó nữa. Nếu giải thích cặn kẽ từng yếu tố một thì sẽ rất dài dòng khó hiểu, vì vậy tôi sẽ chỉ sử dụng hai điểm chốt (một đỉnh, một đáy) gần nhất để phục vụ cho việc phân tích.

Trong thực tế, khi các bạn tiến hành phân tích chuỗi thì nó sẽ phức tạp hơn rất nhiều và đòi hỏi tư duy tổng hợp. Bạn cũng phải phân tích kỹ xu hướng thị trường trước đó nữa để củng cố vững chắc thêm cho những nhận định của mình.

Sau đây là các ví dụ, chúng ta cùng bắt đầu nào:

Ví dụ 1

Phân tích

phân tích chuỗi

Hai đường màu đỏ kéo dài bắt đầu từ hai điểm chốt đỉnh và đáy gần nhất trước 25 cây nến được chọn.

  1. Sư tăng giá bắt đầu từ đáy gần nhất gặp phải ngưỡng cản ở đỉnh trước đó khiến cho giá chững lại và ở thế cân bằng tạo nên vùng giằng co.
  2. Trong vùng giằng co ở vị trí 1 nói trên đã tạo ra một sóng giảm nhẹ và một sóng tăng. Sóng tăng lên này cũng một lần nữa không thể vượt qua ngưỡng cản và tạo ra một nến giảm mạnh.
  3. Ngay sau nến giảm mạnh, thị trường lại tiếp tục tạo lên một vùng giằng co với 6 cây nến.
  4. Sau vùng giằng co tiếp tục có một sóng giảm thể hiện sự chiếm ưu thế của bên bán.
  5. Khi giảm đến ngưỡng đáy trước đó thì giá có biểu hiện chững lại với vùng giằng co 3 nến. Trong vùng giằng co, 2 nến đầu có bóng nến trên dài thể hiện sức ép của bên bán những đến cây nến thứ 3 là một nến tăng, bên bán không đủ lực đẩy giá xuống sâu hơn.
  6. Sau vùng giằng co ở vị trí 5 giá đã tăng nhẹ nhưng sau đó tiếp tục giảm trở lại, so với đáy thứ cấp trước đó có thể thấy xung lượng là rất yếu, không đạt tiêu chí nào trong 3 tiêu chí về xung lượng.
  7. Sau đó, giá tăng trở lại với các cây nến tăng lớn dần.

Nhận định

Với các phân tích chuỗi nêu trên, một điều mà ai cũng thấy đó là thị trường đang ở trạng thái cân bằng hay trading range. Nhưng thông qua đây các bạn có cảm nhận rằng bên bán rất khó thắng thị trường.

Vị trí số 1 và số 2 giá không thể phá vỡ đỉnh trước đó do giá đã tăng rất mạnh trước đó, nhiều người sẽ sợ tiếp tục mua ở đây vì lo ngại giá đang ở mức cao. Từ số 2 đến số 5 cho thấy gần như không có một chút dấu hiệu nào của bên mua, tuy vậy bên bán cũng chỉ là cầm chừng và không thể đẩy giá xuống sâu.

Cuối cùng là 3 cây nến liên tiếp với sức mua tăng dần là điểm duy nhất thể hiện lực mua rõ ràng trong 25 cây nến được chọn.

Về mặt kỳ vọng thì trong hoàn cảnh này tôi vẫn mong sự tăng giá, điều này là rất khả thi hơn giảm giá. Tuy nhiên, tôi chưa hy vọng giá sẽ tăng mạnh ngay sau 3 cây nến tăng cuối cùng này mà có thể tiếp tục giằng co thêm 2, 3 sóng lên xuống nữa.

Về giao dịch, nếu có cơ hội và thị trường hình thành một set up mua đẹp thì chắc chắn tôi sẽ vào lệnh.

Kết quả

phân tích chuỗi

Như vậy, kết quả là thị trường tạo tiếp một sóng giảm về vùng đáy trước, ở đây giá tạo ra một vùng sức ép rồi tăng giá rất mạnh sau đó.

Ví dụ 2

Phân tích

phân thích hệ thống các nến

Đường đứt đoạn màu đỏ thể hiện ngưỡng đáy gần nhất trước 25 cây nến

  1. Trước 25 cây nến thì thị trường đã giảm rồi chững lại. Ở cây nến thứ 3 và 4 trong 25 cây nến được chọn là hai cây nến giảm mạnh, dễ dàng thoát ra vùng giằng co cũng như đáy trước đó.
  2. Có thể thấy sau khi thoát khỏi ngưỡng hỗ trợ kháng cự thì giá trường hồi về test ngưỡng đó, trong tình huống này là cây nến Doji bia mộ sau hai cây nến giảm mạnh.
  3. Cây nến Doji và hai nến sau đó tạo thành vùng giằng co. Cây nến đầu tiên trong vùng giằng co thể hiện sức ép bán trong khi cây nến thứ hai thể hiện sức ép mua.
  4. Sau vùng giằng co giá đã tạo một khoảng nhảy Gap khủng xuống dưới, cho thấy một sức ép bán rất mạnh.
  5. Cây nến tạo Gap cũng thể hiện một lực bán mạnh khi mà có thân giảm cùng với một bóng nến trên rất dài, đó là điều các bạn sẽ thấy nhiều khi mà sau mỗi khoảng nhảy gap thì giá thường có xu hướng hồi về lấp khoảng trống đó lại. Khi gap được tạo ra thì đó cũng là một trong những ngưỡng hỗ trợ và kháng cự quan trọng cần chú ý đến.
  6. Đây là vị trí chứng minh điều tôi nói ở trên khi mà giá tăng đến vùng nhảy gap thì đảo chiều rồi tiếp tục giảm sâu.
  7. Các cây nến giảm mạnh thể hiện bên bán chiếm ưu thế.
  8. Sau một số cây nến giảm thị trường đã có dấu hiệu chững lại với việc hình thành vùng giằng co.
  9. Bên mua trở lại nhưng có các cây nến tăng yếu dần.

Nhận định

Với những phân tích ở trên ta thấy có vẻ lực mua chỉ trở lại trong những cây nến tăng ở cuối, tuy nhiên lực mua này là yếu dần. Tôi vẫn sẽ kỳ vọng về ngưỡng kháng cự mà khoảng Gap tạo ra, ngưỡng này cũng có một đỉnh đã phản ứng và xác nhận lực cản. Giá có thể sẽ tạo thêm một vài sóng lên xuống để tăng về ngưỡng kháng cự này.

Về giao dịch, tôi vẫn đợi một cơ hội bán với set up đẹp.

Kết quả

một ví dụ

Như vậy, kết quả là giá tăng một mạch lên ngưỡng kháng cự của khoảng Gap chứ không tạo thêm sóng giảm nào như nhận định. Sóng tăng rồi đảo chiều ở chính ngưỡng kháng cự mà khoảng Gap tạo ra.

Tuy nhận định là khá chính xác nhưng trong trường hợp này lại không cho ta một set up đẹp để vào lệnh bán.

Lời kết

Kỹ năng phân tích chuỗi không phải là những kiến thức cụ thể và chuẩn hoá mà nó đòi tư duy và sự linh hoạt của từng người. Tôi chỉ có thể làm một số ví dụ định hướng và cơ bản để các bạn hiểu và có cái nhìn bao quát về nó.

Kỹ năng phân tích chuỗi của các bạn sẽ phát triển theo thời gian, thông qua những lần phân tích và sau đó kết quả là câu trả lời, từ đó bạn thấy mình cần điều chỉnh tư duy như nào cho phù hợp với mỗi tình huống đó.

Những ví dụ trên các bạn có thể thấy tôi diễn giải và trình bày khá kỹ nhưng thực ra nó không hề tốn nhiều thời gian. Các bạn chỉ cần hình thành thói quen và luyện tập một thời gian là có thể nhìn lướt qua biểu đồ để đánh giá và nhận định. Đừng quá căng thẳng hay khó khăn gì về vấn đề này.

Trong bài viết các bạn sẽ thấy một số kỹ năng phân tích và kiến thức có lẽ là mới và khó hiểu với nhiều người. Các bạn hãy tìm hiểu thêm tại các bài viết khác.

2 thoughts on “Phân tích chuỗi nến trong giao dịch hành động giá

  1. quynh viết:

    phần này nếu học cuốn 1 của anh phân tích xung lượng được thì đánh giá sức mạnh các phe khá hay, ra quyết định giao dịch khá tốt ạ 😉

  2. Hương viết:

    những bài giảng của anh hay thật em vào cuốn sách nâng cao của anh đọc mà sao vào không đươc a, muốn đoc sách của anh thì làm sao ạ. anh có kênh yutube hay là có fabook không ạ cho em xin với

Comments are closed.