Khi nghiên cứu về những mẫu nến đơn lẻ thì chúng ta đã được biết đến khá nhiều dạng như là Doji, Hammer, Hanging Man, Inverted Hammer…. Trong bài viết này chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu dạng nến đơn đặc biệt nữa đó là nến Marubozu. Hãy cùng Học Price Action tìm hiểu nến Marubozu là gì? cấu tạo cũng như là cách giao dịch với nến Marubozu như thế nào nhé.
Nến Marubozu là gì?
Khi nghe đến cái tên Marubozu chắc chắn nhiều bạn sẽ cảm nhận ngay về màu sắc của Nhật Bản đúng không nào, và đúng là cái tên gọi là được xuất phát từ Nhật Bản, nơi chính là quê hương của biểu đồ nến.
Nến Marubozu theo tiếng Việt có nghĩa là nến trọc. Đây là loại dạng nến được hiểu theo nghĩa đó là một cây nến không có bóng nến ở hai đầu, tức là chúng ta coi bóng nến như hình tượng cái sợi tóc và mỗi đầu nến khi không có bóng nến thì giống như nó bị trọc đầu vậy.
Hình dưới đây sẽ mô phỏng về cấu tạo cũng như là các ví dụ thực tế của mẫu nến Marubozu:
Đầu tiên là mẫu hình nến Marubozu tăng hay còn gọi là Bullish Marubozu
Sau đây là một ví dụ thực tế với mô hình nến Bullish Marubozu:
Tiếp theo là mô hình nến giảm hay còn gọi là Bearish Marubozu:
Sau đây là ví dụ về Bearish Marubozu trong biểu đồ nến thực tế:
Như vậy thì nến Marubozu đơn giản nó có một đầu là giá mở cửa và một đầu là giá đóng cửa mà không có giá cao nhất hay thấp nhất riêng biệt:
- Đối với cây nến tăng giá thì giá thấp nhất cũng chính là giá mở cửa và giá cao nhất cũng chính là giá đóng cửa.
- Đối với cây nến giảm giá thì giá cao nhất cũng chính là giá mở cửa và giá thấp nhất cũng chính là giá đóng cửa.
Nến Marubozu còn có thể gọi là nến cường lực bởi vì nó thể hiện sự lấn chiếm và áp đảo sức mạnh toàn diện của một bên mua hoặc một bên bán.
Các dạng khác của nến Marubozu
Nến Marubozu hoàn hảo và đúng nghĩa lạ dạng nến mà chúng ta đã tìm hiểu ở phần trên nhưng nếu mở rộng ra hơn thì với các cây nến chỉ “trọc” một đầu, có nghĩa là một đầu không có bóng nến và một đầu có bóng nến thì cũng có thể xếp vào những dạng khác của nến Marubozu.
Cụ thể chúng ta sẽ có những biến thể của nến Marubozu như sau:
Opening Bullish Marubozu
Với mẫu nến opening bullish marubozu thì nó sẽ không có bóng nến ở phần dưới của cây nến và giá mở cửa cũng chính là giá thấp nhất (Low price).
Giải nghĩa cây nến này thì sau khi cây nến được bắt từ khi mở cửa nó đã tăng liên tục mà không có một thời điểm nào giá đi xuống dưới mức giá mở cửa cả.
Nó chỉ hình thành bóng nến trên lúc mà cây nến có sự hồi nhẹ về khi đã tăng giá lên mức cao.
Như vậy phe bò (bên mua) vẫn chiếm quyền kiểm soát trong cây nến này dù có một chút áp lực của bên gấu đẩy giá xuống nhưng sức mạnh của bên bán là còn rất yếu.
Sau đây là ví dụ thực tế của mô hình nến opening bullish marubozu:
Trong ví dụ trên chúng ta thấy là trước khi xuất hiện cây nến opening bullish marubozu thì giá đã tăng với vài cây nến xanh liên tiếp. Đẩy giá đến vùng kháng cự tiềm năng.
Đến cây nến opening bullish marubozu thì nó có một chút áp lực bán xuống trước khi kết thúc cây nến thể hiện một phần lực bán xuống nhưng nó gần như không có ý nghĩa gì, bằng chứng là sau đó tiếp tục hình thành một cây nến tăng rất mạnh.
Closing Bullish Marubozu
Closing bullish marubozu là mẫu nến không có bóng nến trên, tức là không có bóng nến ở đầu giá đóng cửa cho nên ta gọi là Closing bullish marubozu.
Khi này thì giá cao nhất cũng chính là giá đóng cửa của cây nến và nó không có giá cao nhất (Hgh Price) riêng biệt.
Giải nghĩa mẫu nến Closing bullish marubozu này đó là sau khi cây nến mở cửa thì nó đã có một khoảng thời gian đầu giá đi xuống dưới mức giá mở cửa. Tức là thời gian đầu nó chịu một sức ép của bên bán xuống.
Tuy nhiên sau đó bên bán đã chịu lép vế hoàn toàn và không thể nào đẩy giá xuống nữa mà lúc này bên phe bò (Mua) đã nhảy vào cuộc và đẩy giá tăng lên một mạnh rất dứt khoát. Bằng chứng là cho đến khi đóng cửa thì giá vẫn liên tục tăng mà không có dấu hiệu hồi giảm.
Nếu xét về tín hiệu tăng thì mẫu nến Closing bullish marubozu này sẽ cho tín hiệu tăng thuyết phục hơn so với cây nến Opening bullish marubozu.
Sau đây là ví dụ thực tế của mô hình nến Closing bullish marubozu:
Ở trên có 3 cây nến thuộc dạng Closing bullish marubozu, dù thể hiện lực mua lên mạnh nhưng sau đó không có nghĩa chắc chắn giá sẽ được tiếp tục đẩy lên cao mà thậm chí ngược lại sau đó còn lại những nến giảm mạnh.
Ví như cây nến Closing bullish marubozu thứ hai trong vòng tròn bên phải thì nó đã bị đẩy lên ngưỡng kháng cự tiềm năng và vì thế mà sau đó nó lập tức hình thành lên một cây nến giảm mạnh và tạo nên mô hình nến Bearish Engulfing.
Opening Bearish Marubozu
Với cây nến Opening Bearish Marubozu thì nó là một cây nến giảm mà không có bóng nến trên, tức là giá mở cửa cũng là giá cao nhất của cây nến.
Giải nghĩa cây nến Opening Bearish Marubozu này có nghĩa là sau khi cây nến bắt đầu ở giá mở cửa thì nó đã giảm giá liên tục, phe Gấu (Bear) chiếm ưu thế hoàn toàn trong thời gian đầu và nó chỉ chịu nhường bên mua một khoảng thời gian ngắn trước khi cây nến này đóng cửa.
Bằng chứng là nó tạo ra một bóng nến dưới. Tuy nhiên thì bấy nhiêu không thể hiện được điều gì nhiều và bên bán vẫn chiếm ưu thế hoàn toàn trong cây nến này.
Sau đây là một ví dụ thực tế về mô hình nến Opening Bearish Marubozu:
Chúng ta sẽ đến với dạng nến Marubozu cuối cùng sau đây.
Closing Bearish Marubozu
Cây nến Closing Bearish Marubozu là một cây nến giảm mạnh và không có bóng nến dưới, tức là giá đóng cửa cũng chính là giá thấp nhất của cây nến này và không có mức giá Low Price riêng biệt.
Cây nến Closing Bearish Marubozu chỉ ra rằng ở thời điểm bắt đầu của cây nến thì bên phe bò có chiếm chút ưu thế với việc đẩy giá lên cao hơn mức giá mở cửa.
Nhưng sau đó thì bên phe gấu đã bắt đầu nhảy vào làm chủ cuộc chơi và chiếm ưu thế hoàn toàn, đẩy giá xuống thấp một cách rất dứt khoát và không có nhiều sự giằng co lên xuống, bằng chứng đó là giá giảm cho đến khi cây nến này đóng cửa.
So với cây nến Opening Bearish Marubozu thì nó có sự lấn át đôi chút của phe bò ở thời điểm cuối của cây nến trong khi dạng Closing Bearish Marubozu thì có sự lấn át của phe bò ở thời điểm đầu của cây nến.
Nếu so sánh giữa hai mẫu nến thì dạng Closing Bearish Marubozu sẽ cho tín hiệu bán mạnh hơn so với mẫu nến Opening Bearish Marubozu.
Sau đây là một ví dụ thực tế về mẫu nến Closing Bearish Marubozu:
Ở hình trên chúng ta có hai cây nến thuộc dạng Closing Bearish Marubozu.
Đánh giá về mẫu nến Marubozu
Chúng ta theo dõi các ví dụ thực tế của cây nến Marubozu ở trên cũng như là xem thêm các biểu đồ nến khác trong phần mềm giao dịch của bạn thì có thể thấy rằng nến Marubozu không thực sự hiệu quả trong việc giao dịch nếu chỉ dựa vào mỗi cây nến Marubozu.
Về cơ bản thì nến Marubozu không phải là một mô hình nến để có thể giao dịch theo Price Action mà nó chỉ đơn thuần là một dạng nến trên biểu đồ giá mà thôi.
Nhưng nến Marubozu lại có một tác dụng khá hay đó là nó đóng vai trò như một ngưỡng hỗ trợ hoặc kháng cự tiềm năng. Tại sao lại như vậy?
Chúng ta đã từng biết đến khoảng Gap rồi đúng không nào. Khoảng Gap nó có vai trò như một ngưỡng kháng cự vì để lại khoảng trống về giá mà ở đó có thể có nhiều vị thế chưa được khớp lệnh. Giá thường sẽ có xu hướng hồi về để test lại khoảng trống Gap.
Với dạng nến Marubozu thì nó không để lại khoảng trồng về Gap nhưng nó là một dạng nến thể hiện sự đột phá về giá một cách không như bình thường.
Tức là theo như thông thường thì thị trường sẽ có sự mua lên bán xuống để cân bằng thị trường, con khi nó tăng hoặc giảm liên tục thì thị trường ở trạng thái mất cân bằng và nó thường sẽ hồi về lại vị trí xuất hiện nến Marubozu để test lại rồi mới đi theo xu hướng sau đó.
Nó cũng giống như khi mà thị trường tăng liên tục thì kiểu gì cũng sẽ có sóng giảm hồi về để cân bằng lại khoảng thời gian tăng mạnh trước đó.
Nến Marubozu đóng vai trò ngưỡng hỗ trợ và kháng cự
Như đã nói ở trên thì một trong những vai trò của nến Marubozu mà bạn có thể khai thác đó là nó có thể trở thành ngưỡng hỗ trợ và kháng cự tiềm năng trong tương lai, từ đó bạn có thể tham khảo và phân tích phục vụ cho việc giao dịch của mình.
Sau đây là một ví dụ cụ thể đối với trường hợp nến Marubozu đóng vai trò ngưỡng hỗ trợ và kháng cự:
Trong ví dụ ở trên thì chúng ta có một cây nến Bullish Marubozu được hình thành và sau đó một vài cây nến thì giá đã hồi về và test lại vùng giá của cây nến này.
Nếu muốn giao dịch thì chúng ta cũng có một mô hình nến đơn rất đẹp ở vùng giá phản ứng với ngưỡng hỗ trợ đó là nến Pin bar hay cụ thể hơn đó là nến Hammer.
Nến Marubozu thường xuất hiện khi phá vỡ ngưỡng hỗ trợ hoặc kháng cự
Nếu bạn để ý kỹ trên các biểu đồ giá thì sẽ thấy rằng với những trường hợp mà giá phá vỡ ngưỡng hỗ trợ và kháng cự thành công thì nó thường hay xuất hiện cây nến Marubozu tại những ngưỡng hỗ trợ và kháng cự bị phá vỡ.
Nến Marubozu phá vỡ ngưỡng hỗ trợ
Sau đây sẽ là một trường hợp ví dụ về việc sự phá vỡ ngưỡng hỗ trợ thành công được tạo ra bởi một cây nến Bearish Marubozu.
Trong trường hợp trên có lẽ giúp chúng ta thấy rõ được việc nến Marubozu phá vỡ ngưỡng hỗ trợ nhất khi mà có đến 3 tình huống diễn ra trường hợp này.
Như vậy trong giao dịch chúng ta có thể áp dụng một kinh nghiệm đó là nếu như tại vùng hỗ trợ mà xuất hiện một cây nến Marubozu phá vỡ thì khả năng sự phá vỡ thành công là rất cao.
Nến Marubozu phá vỡ ngưỡng kháng cự
Chúng ta sẽ đến một ví dụ về nến Bullish Marubozu phá vỡ ngưỡng kháng cự thành công
Ở ví dụ trên chúng ta có một cây nến Marubozu vô cùng lớn và đây không phải là một cây nến do tin tức mà là nến hoàn toàn bình thường.
Sự phá vỡ qua ngưỡng hỗ trợ là vô cùng dứt khoát và không có bất kỳ một sự phản kháng nào đến từ phe bán. Sau khi giá vượt lên thì nó cũng đã hồi về để test lại ngưỡng kháng cự mà nó đã vượt qua bởi cây nến Marubozu trước đó.
Giao dịch với nến Marubozu
Một câu hỏi đặt ra đó là có nên giao dịch với dạng nến Marubozu hay không?
Đối với Học Price Action thì nếu như là một cây nến Marubozu đơn lẻ thì chúng ta không nên giao dịch vì nó rất thiếu những cơ sở chắc chắn để có thể vào lệnh.
Chưa kết nhiều trường hợp các cây nến Marubozu có kích thước rất lớn và nếu như chúng ta giao dịch với những cây nến Marubozu như vậy thì sẽ rất khó khăn trong việc lựa chọn mức Stop loss.
Còn nếu như nến Marubozu xuất hiện như là một thành phần cấu tạo của mô hình nến khác thì đó là một điều tuyệt vời.
Chẳng hạn như cây nến thứ 3 trong mô hình nến Evening star là một cây nến Bearish Marubozu thì đó là một điều rất tuyệt vời và chúng ta có thể vào lệnh trực tiếp ngay sau khi cây nến đóng cửa.
Dưới đây là một ví dụ:
Trong ví dụ trên chúng ta có một mẫu hình nến Evening star rất đẹp với cây nến tín hiệu giảm là một nến Marubozu, chúng ta có thể vào lệnh bán trực tiếp ngay sau khi cây nến này đóng cửa.
Điểm dừng lỗ đặt ở trên cây nến này 1-2 Pip hoặc có thể đặt trên giá cao nhất của toàn bộ mẫu hình nếu như cảm thấy khoảng dừng lỗ với nến tín hiệu còn hẹp.
Sau đó thì chúng ta đã thắng lớn với lệnh này và nếu bạn đặt TP là 5:1 thì vẫn có thể đạt được Target, tuy nhiên chúng ta thường đặt target là 2:1 là đủ rồi mà không nên quá tham lam.
Sau đó chúng ta thấy là giá cũng có hai lần hồi về test lại vùng giá của cây nến Marubozu này như một ngưỡng kháng cự tiềm năng.
Tựu chung lại là nếu như các cây nến tín hiệu trong những mô hình nến mà Học Price Action đã chia sẻ đến bạn đọc là một nến Marubozu thì nó càng tốt và càng làm cho tín hiệu giao dịch thêm mạnh hơn.
Lời kết
Trên đây là bài chia sẻ rất chi tiết của Học Price Action gửi đến các bạn về mẫu nến Marubozu là gì, các biến thể của nến Marubozu cũng như là cách khai thác những giá trị của nến Marubozu mang lại cho công việc giao dịch của chúng ta. Hy vọng rằng các bạn đã có được thêm nhiều kiến thức và thông tin bổ ích.