Trong số các mô hình nến cơ bản thì một trong những mẫu mà chúng ta hay gặp nhất có thể nói đến mô hình nến Harami hay còn gọi là mẫu hình “Mẹ bồng con“. Mẫu hình này cũng có dạng giao dịch theo hướng tăng đó là Bullish Harami và theo hướng giảm giá đó là Bearish Harami. Vậy cụ thể về cấu tạo của Bullish Harami là gì? và Bearish Harami là gì? cũng như cách giao dịch ra sao chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này.
Mô hình Harami là gì?
Mô hình nến Harami hay mẹ bồng con là một mô hình nến cho tín hiệu đảo chiều xu hướng và nó sẽ xuất hiện ở đỉnh hoặc đáy của một con sóng.
Tuy nhiên tín hiệu đảo chiều tạo ra bởi mô hình Harami này sẽ yếu hơn nhiều so với tín hiệu được tạo ra bởi mẫu hình đảo chiều khác như là bao trùm giảm (Bearish Engulfing), bao trùm tăng (Bullish Engulfing), mây đen bao phủ (Dark Cloud Cover), mô hình nến xuyên (Piercing Pattern), tăng dần, giảm dần….
Cấu tạo chung của mô hình nến Harami đó là bao gồm hai cây nến trong đó cây nến trước sẽ là cây nến có thân lớn và cây nến sau sẽ là cây nến có thân nhỏ.
Cụ thể chúng ta sẽ tìm hiểu cấu tạo riêng biệt của mẫu hình Bullish Harami và Bearish Harami.
Bullish Harami là gì?
Sau đây sẽ là hình ảnh mô phỏng về mẫu hình nến Bullish Harami:
Cấu tạo của mô hình nến Bullish Harami sẽ cụ thể như sau:
- Cây nến đầu tiên phải là một cây nến giảm có thân nến lớn.
- Cây nến thứ hai là một cây nến co thân phải nằm trong vùng giá của thân nến thứ nhất và nhỏ hơn 1/2 thân nến thứ nhất.
Thân nến thứ hai ở đây có thể là nến tăng, nến giảm hay thậm chí là nến Doji, nhưng mẫu hình chuẩn và đáng tin cậy nhất vẫn là mô hình có nến thứ hai là nến tăng.
Chúng ta có thể sử dụng cây nến tăng làm nến tín hiệu để vào lệnh nếu như nó có độ lớn phù hợp. Còn đối với các mẫu hình còn lại thì chúng ta sẽ cần có một cây nến tăng làm tín hiệu xác nhận để có thể vào lệnh được.
Với thị trường Forex thì chúng ta sẽ thường gặp mô hình dạng thứ 2 hơn vì nó sẽ có giá đóng cửa của cây nến trước bằng với giá mở cửa của cây nến thứ hai.
Còn đối với dạng thứ 1, thứ 3 và thứ 4 thì nó sẽ có một khoảng nhảy Gap của giá mở cửa cây nến thứ hai so với giá đóng cửa của cây nến thứ nhất sẽ hiếm gặp trong thị trường Forex mà có nhiều trong thị trường chứng khoán (cổ phiếu).
Bearish Harami là gì?
Cấu tạo của mô hình nến Bearish Harami sẽ cụ thể như sau:
- Cây nến đầu tiên phải là một cây nến tăng có thân nến lớn.
- Cây nến thứ hai là một cây nến co thân phải nằm trong vùng giá của thân nến thứ nhất và nhỏ hơn 1/2 thân nến thứ nhất.
Thân nến thứ ha của mô hình Bearish Harami ở đây có thể là nến tăng, nến giảm hay thậm chí là nến Doji, nhưng mẫu hình chuẩn và đáng tin cậy nhất vẫn là mô hình có nến thứ hai là nến giảm.
Với các mô hình mà nến thứ hai không phải là nến giảm thì chúng ta cần phải có thêm một cây nến giảm để làm tín hiệu xác nhận thì mới có thể giao dịch được. Trong khi với cây nến thứ hai là nến giảm thì chúng ta có thể xem xét đây là cây nến tín hiệu để vào lệnh luôn mà không cần chờ đợi thêm nữa.
Tâm lý đằng sau mẫu hình Harami
Cây nến lớn đầu tiền thể hiện cho sự tiếp diễn của xu hướng trước đó.
Chẳng hạn với mô hình Bullish Harami thì cây nến đầu tiên sẽ là cây nến giảm mạnh để thể hiện rằng xu hướng giảm hay phe bán vẫn đang làm chủ cuộc chơi. Đối với mô hình Bearish Harami thì nến đầu tiên là nến tăng mạnh thể hiện cho phe mua vẫn đang chiếm ưu thể và kiểm soát thị trường.
Tuy nhiên đến cây nến thứ hai là một cây nến có thân nhỏ và đồng thời nằm trong vùng giá của thân cây nến đầu tiên có nghĩa rằng xu hướng trước đó đã suy yếu.
Cụ thể đối với mô hình Bullish Harami thì cây nến thứ hai không thể đóng cửa được trên mức giá đóng cửa của cây nến đầu tiền, chứng tỏ nó không còn nhiều động lực để tăng giá.
Nếu cây nến thứ hai là một nến giảm thì có nghĩa là phe bán đã chiếm phần nào ưu thế, còn nếu có là nến tăng thì cũng chứng tỏ rằng xu hướng tăng giá đã suy giảm đáng kể.
Đối với mô hình Bearish Harami thì cây nến thứ hai không thể nào đóng cửa dưới mức giá đóng cửa của cây nến thứ nhất. Vì thế mà nó cho thấy xu hướng giảm giá đã chững lại và thậm chí có thể để phe mua chiếm ưu thế nếu như cây nến thứ hai là một nến tăng.
Thường thì đối với mô hình nến Harami chúng ta nên chờ cây nến tiếp theo để xác nhận tín hiệu thì khả năng giao dịch có lợi nhuận sẽ cao hơn.
Chẳng hạn đối với mô hình Bullish Harami thì chúng ta nến chờ một cây nến tăng có độ lớn tương đối và đáng tin cậy để vào lệnh, thường thì cây nến harami có là nến tăng thì cũng rất nhỏ cho nên sẽ khó vào lệnh vì khoảng dùng lỗ quá hẹp cũng như tín hiệu không thực sự mạnh.
Với mô hình Bearish Harami thì chúng ta sẽ chờ cho xuất hiện một cây nến tín hiệu giảm có độ lớn đáng tin cậy để có thể vào lệnh với một khoảng dừng lỗ lý tưởng.
Sự khác nhau giữa mô hình Harami và Inside Bar
Chắc chắn sẽ có nhiều bạn thắc mắc rằng mẫu hình nến Harami này khác gì so với mô hình nến inside bar?
Câu trả lời chính là ở dạng số 2 trong các hình mô phỏng ở trên, Ví dụ đó cho thấy sự khác nhau giữa Harami và Inside Bar.
Cụ thể đó là mô hình nến Harami chỉ cần có thân nến trong vùng giá thân nến trước cùng với yêu cầu là thân cây nến thứ hai phải bé hơn 1/2 thân cây nến thứ nhất. Còn lại các bóng nến của cây nến thứ hai có thể vượt ra ngoài vùng giá của cây nến thứ nhất.
Trong khi đối với mô hình nến Iniside bar thì toàn bộ cây nến phải nằm trong vùng giá của cây nến đầu tiên, thân nến sau không nhất thiết phải nằm trong vùng giá của thân cây nến trước. Kèm theo đó cũng không có yêu cầu về độ lớn của thân cây nến thứ hai so với thân cây nến thứ nhất.
Ví dụ về giao dịch với mô hình Harami
Sau đây là các ví dụ thực tế giao dịch với mô hình nến Harami
Giao dịch với Bullish Harami
Để giao dịch với mô hình nến Bullish Harami thì chúng ta thực hiện theo nguyên tắc như sau:
- Vào lệnh chờ mua trên giá cao nhất của cây nến thứ hai nếu nó là nến tăng và có độ lớn phù hợp để đặt Stop loss. Nếu như bóng nến trên của cây nến này quá ngắn hoặc không có thì chúng ta có thể vào một lệnh trực tiếp sau khi cây nến kết thúc và xác nhận là một nến tăng.
- Nếu nến thứ hai là nến giảm thì chờ cây nến tín hiệu tiếp theo là tăng để vào lệnh.
- Điểm dừng lỗ có thể đặt dưới cây nến tín hiệu hoặc là dưới giá thấp nhất của toàn mẫu hình.
- Điểm chốt lời nên là một tỷ lệ rõ ràng như là 2:1, 3:1 ….
Đốí với thị trường Forex hoặc là Crypto thì mô hình Bullish Harami thường có cây nến thứ hai là nến tăng chứ khó có thể xuất hiện trường hợp nến thứ hai là nến giảm bởi vì nó rất ít khoảng nhảy Gap xảy ra và giá mở cửa nến sau bằng giá đóng cửa nến trước.
Sau đây là một ví dụ thực tế giao dịch với mô hình nến Bullish Harami
Trong ví dụ giao dịch với mô hình Harami ở trên thì chúng ta thấy xuất hiện mô hình Bullish Harami ở ngưỡng hỗ trợ và kháng cự quan trọng mà trước đó nó đã bị phá vỡ và giờ giá quay về test lại ngưỡng này.
Cây nến thứ hai trong mẫu hình cũng là một nến tăng đồng thời với bóng nến trên khá dài. Trong trường hợp này chúng ta có thể đặt lệnh chờ mua ở trên cây nến thứ hai này vì nếu như giá chạm đến và khớp lệnh thì cũng có nghĩa là lực mua tương đối mạnh và khó có thể hình thành một cây nến giảm được nếu đã chạm đến mức giá đó.
Còn nếu như muốn an toàn hơn thì chúng ta chờ kết thúc cây nến tiếp theo sau cây nến thứ hai. Trong trường hợp trên thì cây nến này cũng rất đẹp và lý tưởng để vào một lệnh trực tiếp sau khi cây nến kết thúc.
Điểm dừng lỗ chúng ta đặt dưới cây nến thứ hai của mô hình Bullish Harami này.
Giao dịch với Bearish Harami
Để giao dịch với mô hình Bearish Harami rất đơn giản chúng ta thực hiện ngược lại với mẫu hình Bullish Harami ở trên như sau:
- Vào lệnh chờ bán dưới cây nến thứ hai nếu nó là nến giảm và có độ lớn phù hợp để đặt Stop loss. Nếu như bóng nến dưới của cây nến này quá ngắn hoặc không có thì có thể vào một lệnh Sell trực tiếp sau khi cây nến này kết thúc.
- Nếu nến thứ hai là nến tăng thì chờ cây nến tín hiệu tiếp theo là giảm để có thể vào lệnh.
- Điểm dừng lỗ có thể đặt trên cây nến tín hiệu hoặc là trên giá cao nhất của toàn bộ mẫu hình Bearish Harami.
- Điểm chốt lời nên là một tỷ lệ rõ ràng như là 2:1, 3:1 ….
Sau đây sẽ là một ví dụ cụ thể về trường hợp giao dịch với mô hình nến Bearish Harami trong thực tế:
Với ví dụ trên chúng ta thấy rằng có xuất hiện một mẫu hình nến Bearish Harami ở ngưỡng kháng cự của hai đỉnh trước đó nên chúng ta có thể xem xét vào lệnh với mẫu hình này.
Ở đây cây nến đầu tiên là một cây nến tăng rất lớn, có thể thấy rằng cây nến thứ hai dù rất nhỏ so với cây nến đầu tiên nhưng cũng là một nến tương đối đẹp để vào lệnh.
Ta thực hiện một lệnh Sell stop dưới giá thấp nhất của cây nến này và Stop loss đặt ở trên cây nến tín hiệu này.
Điểm đáng chú ý của mẫu hình nến Harami
Các bạn hãy để ý kỹ hai ví dụ trên cũng như là nhiều vị trí xuất hiện mẫu hình Harami trên biểu đồ của các sản phẩm tài chính thì có một điều rất hay đó là gì các bạn biết không?
Đó chính là ngoài việc trước mô hình Harami thì phải có xu hướng giá thuận với cây nến đầu tiên trong mô hình thì có khá nhiều mô hình Harami được giao dịch thành công thì trước đó có xuất hiện vùng giá sideway.
Hai ví dụ trên các bạn có thể thấy điều đó và nó làm cho chúng ta liên tưởng đến một mô hình rất hay, đó chính là mẫu hình Phá vỡ vùng giằng co thất bại.
Có thể nói trong nhiều trường hợp thì mô hình nến Harami là một thành phần cấu tạo của mô hình phá vỡ giằng co thất bại. Chính vì vậy mà các mô hình nến trong chương trình Price Action chuyên sâu là rất mạnh và hiệu quả cao trong việc giao dịch.
Lời kết
Trên đây là bài chia sẻ chi tiết của Học Price Action gửi đến bạn đọc về mô hình nến rất quen thuộc và gặp nhiều trên biểu đồ giá đó là Harami, cụ thể hơn là hai mô hình Bullish Harami và Bearish Harami.
Đây là mô hình theo Hành động giá tương đối hiệu quả cho nên chúng ta hãy chú ý nhận diện và nắm bắt để không bỏ lỡ cơ hội giao dịch nhé.