Kiến thức

Mô hình tam giác – Triangle Pattern – đặc điểm và cách giao dịch

giao dịch với sự phá vỡ của mô hình tam giác

Nếu bạn hỏi mô hình giá nào là phổ biến nhất thì sẽ rất thiếu sót nếu không có cái tên mô hình tam giác hay còn gọi là Triangle Pattern. Trong bài học này mời các bạn cùng Học Price Action tìm hiểu về mô hình giá tam giác xem nó có cấu tạo và đặc điểm như thế nào cũng như là cách giao dịch ra làm sao nhé.

Mô hình tam giác – Triangle Pattern là gì?

Mô hình tam giác là một mô hình giá được hình thành sau một xu hướng giá tăng mạnh hoặc giảm mạnh và mô hình giá tam giác chính là một điểm dừng và chững lại của xu hướng đó.

Mô hình giá tam giác có thể là mô hình tiếp diễn hoặc là mô hình đảo chiều cho nên khi giao dịch chúng ta cần quan sát cách mà nó phá vỡ mô hình này như thế nào rồi mới quyết định vào lệnh.

Đặc điểm chung của mô hình tam giác này đó là nó có độ biến động giá giảm dần từ trái sang phải để biểu thị sự yếu dần đi của xu hướng mạnh trước đó.

Triangle Pattern sẽ có hai cạnh được tạo thành trong đó cạnh dưới là ngưỡng hỗ trợ và cạnh trên là ngưỡng kháng cự giống như cái gọng kìm ép giá thu hẹp lại vậy.

Mô hình tam giác được phân chia thành 3 dạng đó là:

  • Mô hình tam giác cân
  • Mô hình tam giác tăng
  • Mô hình tam giác giảm

Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu cụ thể từng loại mô hình tam giác này nhé.

Mô hình tam giác cân

Mô hình tam giác cân

Với mô hình giá tam giác cân này thì có mô hình tam giác cân tăng nếu như trước khi hình thành tam giác là một xu hướng thị trường tăng, còn mô hình giá tam giác cân giảm nếu như trước tam giác là một xu hướng giảm giá.

Sau khi kết thúc mô hình tam giác thì giá sẽ tăng hoặc là giảm, tức là mô hình giá tam giác này có thể là tiếp diễn hoặc là đảo chiều.

Tuy nhiên theo thống kê thì khả năng mô hình tam giác cho sự tiếp diễn về xu hướng sẽ chiếm tỷ lệ cao hơn so với mô hình đảo chiều.

Sau đây là ví dụ về một mô hình tam giác cân tăng và tiếp diễn xu hướng tăng:

mo-hinh-tam-giac-can-tang-tiep-dien

Ở hình trên thì giá đang tăng mạnh với một số cây nến tăng liên tiếp thì đã có sự dao động hẹp dần của giá để hình thành lên mô hình tam giác cân, sau đó giá phá vỡ đi lên hình thành lên mô hình giá tam giác cân tiếp diễn của một con sóng tăng.

Phân biệt mô hình tam giác cân và Mô hình Pennant (cờ hiệu)

Ví dụ về tam giác cân ngay bên trên cũng có thể coi là mô hình Pennant hay còn gọi là cờ hiệu. Vậy thì chúng ta phân biệt hai dạng mô hình giá này như thế nào.

Mô hình Pennant thực chất cũng chính là mô hình tam giác cân nhưng trong hoàn cảnh là một mô hình tiếp diễn còn ở đây mô hình tam giác là khái niệm rộng hơn bao quát cả mô hình cờ hiệu và có thể là mô hình đảo chiều hoặc là tiếp diễn.

Phần biểu đồ giá trong mô hình tam giác thường là có các con sóng rõ ràng tăng giảm chạm đến 2 cạnh của tam giác còn mô hình cờ Pennant thì thường là không có các con sóng rõ ràng mà chủ yếu là những cây nến dày đặc chồng lấn nhau.

Mô hình Pennant hay còn gọi là cờ hiệu thì nó cần đúng theo hình tượng chiếc cờ đó là ngoài phần tam giác thì còn có cột cờ nữa.

Cột cờ sẽ được tạo thành từ chuỗi một vài cây nến tăng mạnh hoặc giảm mạnh liên tiếp, còn đối với mô hình tam giác thì chúng ta không yêu cầu điều này, có thể có hoặc là không.

Ngoài ra cũng có một số trang chia sẻ mô hình cờ pennant không bắt buộc phải là tam giác cân mà nó là tam giác thông thường cũng được, vì vậy mà các bạn hãy nên linh hoạt và cũng không cần phải quá cứng nhắc về các khái niệm làm gì.

Dưới đây chúng ta sẽ đến với một ví dụ về mô hình tam giác cân đảo chiều từ xu hướng tăng thành xu hướng giảm:

mo-hinih-tam-giac-can-dao-chieu-tu-tang-thanh-giam

Trong vị dụ trên thì chúng ta thấy được hai bộ mặt trái ngược nhau của thị trường trước và sau mô hình tam giác. Trong khi trước khi hình thành tam giác thì thị trường có những cây nến tăng giá rất mạnh nhưng rồi độ biến động của các con sóng và cả những cây nến cứ hẹp dần đi.

Rồi sau đó giá phá vỡ xuống cạnh dưới của tam giác, khi phá vỡ thì nó thể hiện một chút sự giằng co với những cây nến pin bar trái ngược nhau, nhưng sau đó là cây nến giảm rất lớn do tin tức được đưa ra và chính thức phá vỡ tam giác xuống phía dưới.

Sau đây sẽ là một ví dụ về mô hình tam giác cân tiếp diễn trong một xu hướng giảm giá:

mo-hinh-tam-giac-can-tiep-dien-giam

Mô hình tam giác cân tiếp diễn trong xu hướng giảm ở trên cũng có thể coi như là mô hình kim cương bởi trước đó giá cũng đã có sự dao động nhỏ lại sau một vài cây nến giảm mạnh.

Sau khi hình thành mô hình giá tam giác cân thì giá đã thể hiện sự phá vỡ tam giác xuống phía dưới một cách rất rõ rệt bằng 4 cây nến giảm mạnh liên tiếp.

Tiếp theo chúng ta đến với ví dụ cuối cùng về tam giác cân đó là trong trường hợp đảo chiều từ xu hướng giảm thành xu  hướng tăng.

mo-hinh-tam-giac-can-dao-chieu-giam-thanh-tang

Trong ví dụ trên thì sau một con sóng giảm thì giá bắt đầu có độ biên động yếu và hẹp dần theo phương ngang tạo lên mô hình tam giác cân và sau đó giá phá vỡ đi lên trên với một cây nến tăng rất mạnh.

Có thể nói rằng tín hiệu phá vớ tam giác này là cực kỳ rõ ràng và nổi bật mà chúng ta có thể dễ dàng phát hiện ngay lập tức khi nhìn vào biểu đồ giá.

Tiếp theo chúng ta sẽ đến với mô hình tam giác tăng.

Mô hình tam giác tăng

mô hình tam giác tăng

Với mô hình tam giác tăng thì nó sẽ có cạnh dưới (đường hỗ trợ) dốc lên và cạnh trên (đường kháng cự) có hướng nằm ngang.

Mô hình tam giác tăng cũng phân ra hai trường hợp là nó xuất hiện sau xu hướng tăng hoặc là sau xu hướng giảm giá.

Sau mô hình tam giác tăng cũng không quy định là giá phải theo hướng nào mà nó đều có thể là tăng giá hoặc là giảm giá.

Thông thường người ta chỉ xem xét mô hình tam giác tăng với xu hướng tăng giá nhưng qua thực tế nhận thấy nó cũng rất thường gặp ngay cả trong xu hướng thị trường giảm giá nên Học Price Action xin chia sẻ thêm đầy đủ để các bạn có cái nhìn tổng quan.

Sau đây chúng ta sẽ đến với các ví dụ thực tế về mô hình giá tam giác tăng này.

Đầu tiên là mô hình tam giác tăng tiếp diễn của một xu hướng tăng:

mo-hinh-tam-giac-tang-tiep-dien-xu-huong-tang

Với mô hình tam giác tăng trong xu hướng tăng giá và sau đó giá phá vỡ đi lên là trường hợp phổ biến nhất mà chúng ta hay gặp đối với mô hình tam giác tăng.

Ở đây cạnh trên sẽ có tính kháng cự hỗ trợ mạnh hơn so với cạnh dưới do nó nằm theo phương ngang và có tính cản mạnh hơn nhờ một mức giá rõ ràng còn cạnh dưới là một đường dốc lên cho nên sẽ không mạnh trong việc tham khảo về ngưỡng kháng cự hỗ trợ.

Rất nhiều trường hợp giá phá vỡ đi lên và hồi về test lại cạnh trên của tam giác này.

Sau đây là ví dụ về trường hợp mô hình giá tam giác tăng đảo chiều từ xu hướng tăng thành xu hướng giảm.

mo-hinh-tam-giac-tang-dao-chieu-giam

Sau khi phá vỡ thành công cạnh dưới của tam giác thì nó lập tức có một cây nến Pin bar hồi vế test lại điểm phá vỡ rồi sau đó giá mới giảm mạnh.

Tiếp theo là một ví dụ về mô hình giá tam giác tăng trong một xu hướng giảm tiếp diễn:

mo-hinh-tam-giac-tang-tiep-dien-xu-huong-giam

Trong hình trên ta thấy sau một dãy các cây nến giảm mạnh liên tiếp thì giá đã ở mức quá thấp và nó đã hình thành mô hình giá tam giác tăng với vai trò như là một con sóng hồi và tích luỹ trước khi có thể giảm tiếp.

Cuối cùng chúng ta đến với một ví dụ về mô hình giá tam giác tăng trong trường hợp mà thị trường đảo chiều từ xu hướng giảm thành xu hướng tăng:

mo hinh tam gia tang trong xu huong giam va dao chieu

Sau đây chúng ta sẽ đến với dạng mô hình tam giác cuối cùng đó là mô hình tam giác giảm

Mô hình tam giác giảm

mô hình tam giác giảm

Với mô hình giá tam giác giảm thì nó sẽ có cạnh trên là một cạnh có độ dốc xuống dưới và cạnh dưới là một cạnh có phương nằm ngang.

Giá sau khi hình thành mô hình tam giác giảm cũng có thể tăng hoặc giảm nhưng tỷ lệ giá tiếp diễn xu hướng trước đó là cao hơn so với việc đảo chiều.

Về độ mạnh của ngưỡng kháng cự và hỗ trợ thì cạnh dưới sẽ cho ngưỡng kháng cự hỗ trợ mạnh hơn so với cạnh trên vì cạnh dưới là một mức giá cụ thể và tập trung trong khi cạnh trên có độ dốc và trải dài trong một vùng giá rộng nên sẽ có tính cản yếu hơn.

Sau đây là các ví dụ về những trường hợp của tam giác giảm.

Đầu tiên đó là mô hình tam giác giảm trong một xu hướng tăng tiếp diễn

mo-hinh-tam-giac-giam-tiep-dien-xu-huong-tang

Chúng ta thấy rằng những cây nến trong tam giác đa phần có bóng nến dưới dài cho thấy lực cản của cạnh dưới trong tam giác khi mà giá cố gắng phá vỡ xuống dưới.

Với nhiều nỗ lực không thành công thì sau đó bên mua đã chiếm sức mạnh hoàn toàn và giá được đẩy tăng lên cao phá vỡ cạnh trên của tam giác giảm.

Tiếp theo là ví dụ trong trường hợp mô hình tam giác giảm trong sự đảo chiều xu hướng từ tăng thành giảm:

mo-hinh-tam-giac-giam-dao-chieu-xu-huong-tang-thanh-giam

Sau khi mà giá tăng vượt lên trên ngưỡng đỉnh cao nhất của xu hướng tăng trước đó thì lập tức giá chững lại hình thành lên mô hình giá tam giác giảm và cuối cùng nó đã phá vỡ xuống cạnh dưới của tam giác.

Tiếp theo là trường hợp mô hình tam giác giảm trong một xu hướng giảm tiếp diễn và đây là trường hợp mà chúng ta sẽ gặp nhiều trong thực tế hơn cả:

mo hinh tam giac giam tiep dien

Mô hình tam giác trong trường hợp này hình thành với thời gian tương đối dài với nhiều con sóng lên xuống và hẹp dần. Sau đó xuất hiện hai cây nến có bóng nến trên dài thể hiện sức ép bán xuống và sau đó quả nhiên là giá đã phá vỡ cạnh dưới của của tam giác để đi xuống.

Cuói cùng chúng ta đến với một ví dụ về trường hợp mô hình giá tam giác giảm xuất hiện ở vị trí đảo chiều từ xu hướng giảm thành xu hướng tăng giá.

mo-hinh-tam-giac-giam-dao-chieu-tu-giam-thanh-tang

Ở trên giá đã phá vỡ cạnh trên của tam giác giảm để hình thành một xu hướng tăng giá rất mạnh với hàng loạt các cây nến tăng rất lớn. Trong thực tế thì chúng ta sẽ ít gặp trường hợp này hơn so với trường hợp mô hình tam giác tiếp diễn xu hướng.

Cách giao dịch với mô hình tam giác

Với mô hình tam giác thì chúng ta sẽ có khá nhiều cách để giao dịch và nó cũng dựa trên cơ sở đó là sự phá vỡ cũng như là cú hồi về ở các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự quan trọng. Cụ thể sẽ có những cách giao dịch như sau:

Giao dịch với sự phá vỡ tam giác

giao dịch với sự phá vỡ của mô hình tam giác

Hình mà mô hình tam giác đã thành hình và đặc biệt là càng về bên phải thì giá càng co hẹp lại, cho nên khi xuất hiện một cây nến phá vỡ thì chúng ta sẽ rất dễ dàng nhận biết được và có thể giao dịch với cây nến phá vỡ mô hình tam giác đó.

Sau đây là một ví dụ về cách giao dịch phá vỡ mô hình tam giác này:

giao-dich-voi-su-pha-vo-mo-hinh-tam-giac

Chúng ta sử dụng lại một ví dụ mà đã nêu ra ở trên và chúng ta thấy cây ở trường hợp này ta có mô hình tam giác cân và xuất hiện một cây nến phá vỡ xuống dưới mô hình tam giác một cách rất rõ ràng.

Đó là một cây nến giảm mạnh chứ không phải là các cây nến giằng co như là Pin bar vì thế chúng ta có thể đặt lệnh chờ bán dưới cây nến phá vỡ này và điểm dừng lỗ ở trên cây nến.

Kết quả sau đó lệnh đã thắng ít nhất là tỷ lệ 3:1 chỉ với 3 cây nến giảm rất mạnh.

Đối với những trường hợp mà nó có sự giằng co khi phá vỡ, tức là sự phá vỡ không rõ ràng hoặc là cây nến phá vỡ quá lớn thì chúng ta nên chờ đợi và sử dụng các cách giao dịch sẽ đề cập ở phần bên dưới.

Giao dịch với sự hồi về kháng cự hỗ trợ

Đối với mô hình tam giác thì nó có rất nhiều ngưỡng hỗ trợ và kháng cự khác nhau, cụ thể đó là:

  • Ngưỡng hỗ trợ kháng cự của đỉnh cao nhất và đáy thấp nhất ở cạnh đáy của tam giác.
  • Ngưỡng hỗ trợ (kháng cự) của cạnh dưới tam giác
  • Ngưỡng kháng cự (hỗ trợ) của cạnh trên tam giác

Dựa vào những ngưỡng hỗ trợ kháng cự ở trên thì chúng ta có thể giao dịch với những cú hồi về khi các ngưỡng này bị phá vỡ. Cụ thể với các mô hình tam giác như sau:

Giao dịch với cú hồi của tam giác cân

giao dịch với sự hồi về của mô hình tam giác cân

Đỉnh trên của cạnh đáy tam giác là một ngưỡng kháng cự và khi giá phá vỡ lên trên thì thường là nó sẽ hồi về test lại ngưỡng giá này.

Ngược lại với đáy thấp nhất của cạnh đáy như một ngưỡng hỗ trợ quan trọng và khi giá phá vỡ xuống dưới thì giá cũng sẽ có xu hướng hồi về.

Tuy nhiên chúng ta cũng lưu ý rằng do nguyên một cạnh trên là ngưỡng kháng cự và nguyên một cạnh dưới là ngưỡng hỗ trợ và dọc theo các cạnh này có nhiều đỉnh đáy cho nên một số trường hợp nó sẽ hồi về sâu hơn thay vì chỉ về các ngưỡng đỉnh và đáy của cạnh đáy như mô phỏng ở trên.

Giao dịch với cú hồi của tam giác tăng

giao dịch với sự hồi về của tam giác tăng

Trong trường hợp tam giác tăng thì cạnh trên cũng đã trùng với đỉnh của cạnh đáy cho nên nó cũng là ngưỡng kháng cự mạnh và nếu giá phá vỡ được ngưỡng này đi lên thì chúng ta hãy chờ cho giá hồi về test lại ngưỡng này để tìm kiếm cơ hội giao dịch.

Với đáy thấp nhất của cạnh đáy thì nó cũng tương tự như mô hình tam giác cân ở trên, chúng ta chờ giá phá vỡ đáy rồi hồi về và tìm kiếm cơ hội giao dịch.

Giao dịch với cú hồi của tam giác giảm

giao-dich-voi-cu-hoi-tam-giac-giam

Đối với mô hình tam giác giảm thì chúng ta có cạnh dưới cũng là cạnh trùng với ngưỡng hỗ trợ kháng cự của đáy thấp nhất cho nên chúng ta chờ giá phá vỡ xuống dưới và hồi về ngưỡng này để tìm cơ hội giao dịch.

Còn đối với đỉnh trên thì sau khi giá phá vỡ ngưỡng kháng cự này chúng ta chờ cho giá hồi về để tìm cơ hội giao dịch.

Sau đây sẽ là một ví dụ về cách giao dịch với cú hồi về của mô hình tam giác này:

giao-dich-voi-cu-hoi-ve-mo-hinh-tam-giac

Ở trên là một ví dụ với việc giao dịch theo cú hồi về của tam giác tăng. Sau khi giá phá vỡ lên cạnh trên của tam giác thì sau đó nó liền hồi về test lại ngưỡng kháng cự hỗ trợ này và tạo nên một cây nến tín hiệu đẹp đó là nến Pin bar.

Chúng ta có thể đặt một lệnh chờ mua ở trên cây nến này và điểm dừng lỗ ở dưới cây nến. Sau đó lệnh đã được khớp nhưng giá chưa tăng hẳn mà vẫn còn một con sóng hồi nhẹ về test lại ngưỡng 50% của cây nến Pin bar. May mắn là chưa chạm đến điểm dừng lỗ và lệnh này chúng ta đã thắng.

Lời kết

Trên đây Học Price Action đã trình bày một cách chi tiết về mô hình giá tam giác trong đó cụ thể là ba dạng mô hình giá với tam giác cân, tam giác tăng và tam giác giảm.

Đây là một trong những mô hình giá xuất hiện nhiều nhất trong thực tế, vì thế bạn hãy tận dụng triệt để nó để mang lại những cơ hội giao dịch tốt nhất nhé.