Kiến thức

Mô hình nến shooting star là gì? Cấu tạo và cách giao dịch với nến sao băng

Mô hình nến Shooting Star

Một trong những mô hình nến đơn rất phổ biến mà các bạn thường gặp trong biểu đồ thực tế đó là mô hình nến Shooting Star hay còn gọi là mô hình nến sao băng. Đây cũng là một mô hình nến dạng Pin Bar và chỉ khác ở hoàn cảnh xuất hiện của nó. Vậy cụ thể về mô hình nến sao băng này như thế nào và cách giao dịch ra sao các bạn hãy cùng Học Price Action tìm hiểu trong bài viết này nhé.

Mô hình nến Shooting star – Sao băng là gì?

Nến Shooting Star là một cây nến thuộc họ Pin Bar và là mô hình nến đảo chiều với phần đuôi nến trên dài và thân nhỏ nằm ở phần dưới của cây nến gần với giá thấp nhất hoặc có thể không có bóng nến dưới.

Nhưng không phải cây nến nào có đặc điểm như vậy cũng là nến Shooting Star mà nó phải xuất hiện ở đỉnh của một con sóng, tức là điểm đảo chiều từ xu hướng tăng thành xu hướng giảm.

Sau đây là hình ảnh mô phỏng về nến Shooting Star:

Mô hình nến Shooting Star

Sau đây là hình ảnh về nến Shooting Star trong biểu đồ giá thực tế:

Ví dụ về cây nến sao băng

Cấu tạo của nến Shooting Star

Để cụ thể hoá về hình dạng và cấu tạo của nến Shooting Star thành quy tắc thì một cây nến Shooting Star cần đáp ứng được những yêu cầu sau đây:

  • Thân nến không quan trong là tăng hay giảm.
  • Bóng nến trên có kích thước ít nhất là gấp 2 lần thân nến.
  • Bóng nến dưới có thể có hoặc không, nếu có thì không được lớn hơn phần thân nến

Một số yếu tố làm tăng độ tin cậy của tín hiệu mà cây nến Shooting Star mang lại đó là:

  • Sẽ tốt hơn nếu như thân cây nến Shooting Star có khoảng nhảy Gap lên trên so với thân cây nến trước, điều này thì không thường gặp trong những thị trường 24/24 như là Forex hay Crypto mà thường gặp trong thị trường cổ phiếu hơn.
    nến sao băng nhảy Gap so với nến trước đó

  • 3 cây nến trước cây nến Shooting Star nên là nến tăng để thể hiện sự rõ ràng về xu hướng tăng giá trước cây nến Shooting Star và khi này cây nến sao băng sẽ có giá trị hơn trong việc thể hiện sự chững lại của thị trường và khả năng đảo chiều cao.
  • Thân nến của Shooting Star phải nhỏ hơn 30% trung bình thân của 20 cây nến trước đó, điều này chúng ta chỉ ước lượng chứ không thể nào ngồi đo và tính toán.
  • Khối lượng giao dịch của nến Shooting Star tăng cao hơn so với các nến trước đó cũng là một điểm củng cố thêm sức mạnh cho mô hình nến này.

Phân biệt nến Shooting Star và nến Inverted Hammer

Nếu đã nghiên cứu qua thì bạn sẽ thấy rằng hai dạng nến Shooting Star và Inverted Hammer có cấu tạo rất giống nhau, đều là những cây nến có bóng nến trên dài, thân nến nhỏ và bóng nến dưới rất nhỏ.

Vậy thì sự khác nhau ở đâu mà chúng có tên gọi khác nhau như vậy. Mấu chốt đó chính là hoàn cảnh xuất hiện của hai dạng nến này là khác nhau:

Cụ thể như hình mô phỏng dưới đây sẽ giúp các bạn thấy rõ được điều đó:

khác nhau giữa mô hình nến Shooting Star và mô hình nến Inverted Hammer

Sau đây là ví dụ trong thực tế để các bạn thấy rõ được sự khác biệt:

Nến Shooting Star Nến Inverted Hammer
Ví dụ về cây nến sao băng Nến Inverted Hammer

Tâm lý đằng sau mẫu hình Shooting Star

Trước khi diễn ra cây nến Shooting Star thì phe gấu (bên mua) chiếm ưu thế và đẩy giá lên mức cao.

Đến lượt cây nến Shooting Star thì ban đầu nó vẫn chịu sự kiểm soát của bên mua khi mà giá được tiếp tục đà đẩy lên cao của xu hướng tăng trước đó, đám đông vẫn hăm hở mua lên vì đang theo xu hướng tăng giá mạnh.

Nhưng rồi nhiều người khi vào lệnh từ sớm đã có lợi nhuận và thấy rằng thị trường đã tăng giá quá cao nên nảy sinh ý đỉnh chốt lời, một số khác cũng nghĩ như vậy và nhảy vào thị trường bán xuống, kết quả là trước khi kết thúc cấy nến giá đã bị ép xuống và hình thành lên bóng nến trên dài.

Cây nến Shooting Star hình thành như là một tín hiệu chối bỏ lực mua lên và bắt đầu có sự chiếm ưu thế của phe gấu.

Cách giao dịch với mô hình nến Shooting Star

Khi một cây nến Shooting Star xuất hiện thì chúng ta có thể sử dụng những cách vào lệnh như sau:

Cách 1

Chờ cho xuất hiện cây nến giảm để xác nhận sự chiếm ưu thế của phe gấu và tăng khả năng hình thành xu hướng giảm giá sắp tới. Khi này thường là nó sẽ tạo thành mô hình nến Evening star và chúng ta giao dịch bằng cách đặt lệnh chờ bán dưới cây nến giảm này.

Stop loss chúng ta đặt ở trên cây nến tín hiệu giảm giả.

Sau đây là một ví dụ thực tế về cách giao dịch này

giao-dich-voi-nen-giam-sau-nen-shooting-star

Sau khi thị trường hình thành cây nến Shooting Star rất đẹp thì cây nến giảm sau đó cũng đẹp không kém và gần như là một cây nến Marubozu.

Trường hợp này bóng nến dưới không có cho nến chúng ta có thể vào lệnh bán trực tiếp ngay sau khi cây nến này đóng cửa mà không cần phải đặt một lệnh Sell Stop. Điểm dừng lỗ chúng ta đặt ở trên cây nến này thay vì là ở trên đỉnh của cây nến shooting star thì khoảng stop loss sẽ quá rộng.

Cách 2

Đặt một lệnh chờ bán (Sell Stop) ở dưới cây nến Shooting Star để chờ giá phá vỡ đáy của cây nến Shooting Star giảm xuống dưới. Khi giá phá vỡ xuống dưới thì cũng có khả năng cao hình thành cây nến giảm sau đó và xa hơn là một xu hướng giảm.

Stop loss đặt ở trên đỉnh của cây nến Shooting Star.

Sau đây là một ví dụ giao dịch thực tế theo cách này

Ví dụ về cây nến sao băng

Chúng ta sử dụng lại ví dụ về nến Shooting star ở phần đầu, với trường hợp này chúng ta sẽ đặt một lệnh Sell Stop ở dưới cây nến Shooting star. Ngay sau đó nó đã được khớp lệnh. Điểm dừng lỗ chúng ta đặt ở trên đỉnh cây nến Shooting star.

Cách 3

Nếu như cây nến Shooting Star là một nến có thân giảm và bóng nến dưới rất nhỏ hoặc không có bóng nến dưới thì có nghĩa là giá đóng cửa của cây nến Shooting Star gần như là giá thấp nhất của cây nến và khi này chúng ta có thể vào lệnh bán trực tiếp ngay sau khi cây nến Shooting Star kết thúc mà không cần phải đặt lệnh chờ.

Stop loss đặt ở trên đỉnh của cây nến Shooting Star.

Cách 4

Cây nến Shooting Star cũng là một dạng nến Pin Bar cho nên chúng ta có thể đặt một lệnh Sell Limit ở 50% cây nến Shooting Star để chờ giá hồi về test lại ngưỡng này và sau đó đảo chiều giảm xuống.

Stop loss đặt ở trên đỉnh của cây nến Shooting Star.

Sau đây là một ví dụ

giao-dich-voi-lenh-sell-limit

Ở ví dụ trên chúng ta thấy có hai vị trí xuất hiện nến Shooting Star và những trường hợp này đều có thể đặt một lệnh Sell Limit ở 50% cây nến Shooting Star. Sau khi hình thành cây nến Shooting Star thì giá đã hồi về ngưỡng 50% này và khớp lệnh, đây là điểm đặc trưng của các cây nến Pin Bar.

Đánh giá các cách vào lệnh với nến Shooting Star thì cách đặt lệnh chờ bán dưới cây nến giảm xác nhận sau cây nến Shooting Star là cách an toàn nhất và cách đặt lệnh Sell Limit là cách mạo hiểm nhất.

Với cách đặt lệnh Sell Limit thì bạn có thể sẽ gặp nhiều trường hợp khớp lệnh rồi giá vẫn không đảo chiều mà còn hồi về sâu hơn, thậm chí vượt lên trên cả đỉnh của cây nến Shooting Star làm chạm đến mức stop loss khiến lệnh bị thua lỗ.

Những lưu ý khi giao dịch với nến Shooting Star

Sau đây sẽ là một số lưu ý đối với giao dịch nến Shooting Star sao cho hiệu quả hơn:

  • Nến Shooting Star xuất hiện ở các ngưỡng kháng cự thì sẽ hiệu quả hơn nhiều trong việc giao dịch. Các ngưỡng kháng cự có thể là đỉnh đáy trước đó, ngưỡng Fibonacci, ngưỡng Pivot Point, Trendline, các ngưỡng kháng cự động như là đường MA, mây Ichimoku
    Nến shooting star ở ngưỡng kháng cự của Fibonacci
  • Cây nến thân giảm sẽ có độ mạnh hơn so với cây nến Shooting Star có thân tăng vì cây nến Shooting Star đại diện cho phe bán xuống. Nếu nến Shooting Star thì chúng ta chỉ nên sử dụng một cách vào lệnh đó là đặt lệnh chờ bán Sell Stop dưới cây nến Shooting Star.
  • Chúng ta có thể tham khảo thêm về khối lượng giao dịch ở vị trí cây nến Shooting Star nếu như nó có khối lượng tăng mạnh hơn so với những cây nến trước đó thì càng chứng tỏ được độ tin cậy của tín hiệu mà nến Shooting Star.
    Bởi vì nó đã tăng lên rồi lại giảm xuống thì quãng được đi của nó dài hơn so với những cây nến chỉ tăng đơn thuần trước đó và đồng nghĩa số lượng giao dịch phải tăng cao hơn.
  • Giao dịch với cây nến Shooting Star tốt nhất là khi mà nó xảy ra sau con sóng điều chỉnh tăng của một xu hướng giảm, có nghĩa là chúng ta giao dịch với nến Shooting Star là giao dịch thuận xu hướng. Như vậy sẽ nâng cao khả năng thắng hơn so với giao dịch với nến Shooting Star trong xu hướng tăng giá.
  • Sử dụng thêm các công cụ chỉ báo dao động như là RSI, MACD, Stochastic… sẽ hỗ trợ thêm các tín hiệu quá mua cũng như là tín hiệu phân kỳ hội tụ để giúp cho việc giao dịch với nến Shooting Star được chính xác hơn.

giao-dich-shooting-star-voi-chi-bao

Ví dụ ở trên đó là một tình huống nến Shooting star xuất hiện tại vị trí mà chỉ báo RSI chu kỳ 6 ở vào vùng quá mua rất sâu, nó báo hiệu khả năng giá sẽ giảm trong thời gian tới.

Còn đối với tình huống ở bên phải đó là một cây nến Shooting Star tại ví trí mà xuất hiện sự phân kỳ giữa RSI với biểu đồ giá khi mà thị trường tạo một đỉnh mới cao hơn đỉnh trước và xuất hiện cây nến Shooting Star trong khi đó RSI lại cho đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước.

Cây nến Shooting Star thứ hai cũng hình thành ở ngang với ngưỡng đỉnh của cây nến Shooting Star thứ nhất và đó cũng là ngưỡng kháng cự tiềm năng. Do đó cây nến Shooting Star thứ hai là rất mạnh và không có lý do gì chúng ta lại có thể bỏ lỡ cơ hội này cả.

Với những cây nến Shooting Star có sự hỗ trợ thêm của tín hiệu chỉ báo như thế sẽ gia tăng độ tin cậy và khả năng thắng lệnh hơn rất nhiều.

Lời kết

Trên đây chúng ta đã được tìm hiểu chi tiết về mô hình nến Shooting Star là gì cũng như là cách giao dịch sao cho hiệu quả với mô hình nến sao băng này.

Đây có thể nói là mẫu nến xuất hiện rất nhiều trên biểu đồ giá và có thể đem đến cho bạn nhiều cơ hội giao dịch. Nhưng nó cũng có ở những vị trí không thực sự dẫn đến việc đảo chiều xu hướng cho nên bạn cần phải kết hợp thêm các yếu tố bổ trợ để làm gia tăng khả năng thành công cho lệnh giao dịch đó.