Kiến thức

Mô hình nến Evening Star là gì? Cách giao dịch với mô hình nến sao hôm

giao dịch với mô hình nến Evening star

Trong giao dịch với price action thì chúng ta có thể gặp khá nhiều mô hình nến ngôi sao và một trong số đó là mẫu hình nến Evening Star hay còn gọi là sao hôm. Vậy thì mô hình nến Evening Star là gì và cách giao dịch với mô hình sao hôm như thế nào chúng ta hãy cùng Học Price Action tìm hiểu trong bài viết này.

Evening Star là gì?

Evening Star có nghĩa là ngôi sao đi vào bóng tối hay còn gọi là sao hôm, đây là một mô hình nến đảo chiều từ xu hướng tăng thành xu hướng giảm quen thuộc, có nghĩa là vị trí nó xuất hiện sẽ là ở đỉnh của một con sóng.

Đây là mô hình 3 nến nên sẽ có yêu cầu về cấu trúc chặt chẽ hơn so với các mẫu hình 1 nến và 2 nến, ngược lại thì nó cũng ít xuất hiện hơn và tín hiệu giao dịch mà nó gửi đến các bạn cũng sẽ có tính chính xác hơn so với các mẫu hình khác.

Sau đây là hình ảnh mô phỏng về mô hình nến sao hôm này:

mẫu hình 3 nến evening star

  • Cây nến đầu tiên trong mẫu hình bắt buộc phải là cây nến tăng giá.
  • Nến thứ hai phải là một cây nến nhỏ, nó có thể là nến tăng hoặc giảm hoặc là Doji. Nến thứ hai là một nến nhỏ mà chúng ta thường gọi tên dạng nến này là Spinning Top.
  • Cây nến thứ ba phải là một cây nến giảm mạnh trong đó giá đóng cửa của cây nến này phải nằm trong vùng giá của thân cây nến đầu tiên.

Lý thuyết nguyên bản còn có những yêu cầu chặt chẽ hơn đối với mô hình nến Evenning Star này đó là cây nến thứ hai phải có khoảng nhảy Gap lên so với cây nến thứ nhất. Sau đó cây nến thứ ba lại tiếp tục có giá mở cửa nhảy Gap xuống dưới  thân nến thứ hai.

Tuy nhiên để đảm bảo được điều kiện hoàn hảo và khắt khe như vậy là rất khó, thường thì nó chỉ có ở trong biểu đồ của thị trường chứng khoán chứ không bao giờ có trong thị trường Forex cho nên chúng ta không yêu cầu bắt buộc những yếu tố đó.

Đối với cây nến thứ ba thì yêu cầu chặt chẽ hơn đó là giá đóng cửa phải dưới 1/2 thân cây nến thứ nhất, và đối với thị trường Forex thì điều kiện này nên là bắt buộc phải có bởi vì nó không có nhiều khoảng Gap về giá như là trong thị trường cổ phiếu.

Ngoài ra còn một yếu tố nữa về khối lượng giao dịch đó là mô hình Evening Star lý tưởng nhất khi khối lượng của cây nến thứ ba tăng vượt trội so với hai cây nến thứ nhất và thứ hai.

Tâm lý đằng sau mẫu hình nến Evening star

Việc giải nghĩa tâm lý đằng sau mẫu hình nến Evening star là rất đơn giản.

Cây nến đầu tiên đại diện cho xu hướng tăng trước đó vẫn còn tiếp diễn cho đến cây nến này và nó là một nến tăng mạnh.

Đến cây nến thứ hai thì đây chính là ngôi sao trên bầu trời đánh dấu sự chuyển giao từ ngày sang đêm, nó là một cây nến nhỏ và cho thấy sự cân bằng giữa bên bán và bên mua hoặc là không có nhiều người mua vào để đẩy giá lên nữa và lúc này cũng chưa có lực bán tham gia để đẩy giá xuống.

Cho đến cây nến thứ ba đó là một cây nến giảm mạnh đại diện cho sự chiếm ưu thế của bên bán, tức phe gấu đã đẩy thị trường giảm điểm, như một sự đánh dấu cho việc bắt đầu một thị trường giảm.

Cây nến thứ ba này vừa là nến trong cấu tạo của mô hình sao hôm vừa là nến tín hiệu để chúng ta có thể vào lệnh giao dịch tại đây.

Cách giao dịch với mẫu hình nến Evening Star

Để giao dịch với mẫu hình nến sao hôm thì chúng ta nhớ các quy tắc như sau:

  • Vào lệnh Sell stop dưới giá thấp nhất của cây nến thứ ba 1-2 Pips hoặc có thể vào lệnh trực tiếp nếu như bóng nến dưới của nến thứ ba không có hoặc rất nhỏ.
  • Điểm dừng lỗ đặt ở trên cây nến tín hiệu 1-2 Pip hoặc nếu trường hợp nến tín hiệu nhỏ thì chúng ta có thể đặt stop loss trên mức giá cao nhất của mẫu hình, mức giá cao nhất có thể hình thành ở giá cao nhất của cây nến thứ nhất hoặc là cây nến thứ hai.
  • Điểm chốt lời tuỳ theo mục tiêu lợi nhuận cũng như phương pháp đặt TP của mỗi người nhưng thường thì chúng ta nên đặt cố định tỷ lệ Reward:Risk như 2:1 chẳng hạn.

Sau đây là một ví dụ về giao dịch với mẫu hình nến Evening star

giao dịch với mô hình nến Evening star

Ở trên mẫu hình Evening star có nến thứ hai là nến Doji, cây nến thứ ba là một cây nến giảm rất đẹp khi mà giá đóng cửa của nó xuống thấp hơn cây nến đầu tiên thể hiện được bên giảm chiếm ưu thế tuyệt đối.

Chúng ta tiến hành đặt lệnh Sell stop dưới cây nến tín hiệu và Stop loss ở trên cây nến tín hiệu.

Tuy nhiên trong quá trình giao dịch với mô hình nến Evening star thì chúng ta nên giao dịch thuận xu hướng, tức là lúc đó mô hình Evening star sẽ xuất hiện ở đỉnh của một con sóng hồi tăng trong xu hướng giảm.

Nếu như chúng ta giao dịch mẫu hình Evening star khi thị trường đang trong xu hướng tăng thì sẽ gặp rất nhiều tín hiệu giả. Dưới đây là một ví dụ cụ thể:

các tín hiệu giả với mô hình nến Evening star ngược xu hướng

Chúng ta thấy ở xu hướng tăng như trên có đến 3 vị trí xuất hiện mô hình nến Evening star nhưng tất cả đều khớp lệnh xong thì giá chỉ giảm nhẹ rồi bật tăng trở lại khiến chúng ta bị dính Stop loss.

Lời kết

Trên đây là những kiến thức liên quan đến mô hình nến Evening star hay còn gọi là sao hôm. Đây là mô hình nến tương đối ít gặp trên biểu đồ giá nhưng nếu nó xuất hiện cùng với hoàn cảnh thị trường thích hợp thì giao dịch rất hiệu quả. Hy vọng đây sẽ là mẫu hình nến mà bạn yêu thích.