Trong các mô hình giá chúng ta được học thì có rất nhiều mô hình mang tính chất hình học, chẳng hạn như là mô hình tam giác. Trong bài viết này chúng ta sẽ tiếp tục đến với một mô hình giá phổ biến nữa liên quan đến hình học đó là mô hình chữ nhật hay còn gọi là Rectangle Pattern. Mời bạn cùng tìm hiểu về đặc điểm cấu tạo cũng như cách giao dịch với mô hình giá Rectangle này nhé.
Mô hình chữ nhật là gì?
Mô hình chữ nhật là một mô hình mà trong đó nó bao gồm hai đường song song, một đường ở trên là ngưỡng kháng cự và một đường ở dưới là ngưỡng hỗ trợ.
Về cơ bản mô hình chữ nhật Rectangle giống như một kênh giá ở mức nhỏ vì giữa hai đường song song sẽ có những con sóng lên xuống mà trong đó mỗi đường sẽ có ít nhất 2 lần được giá chạm đến.
Mô hình giá chữ nhật được chia làm hai dạng đó là mô hình chữ nhật ở đỉnh (Rectangle Top) nếu như xu hướng giá trước khi hình thành mô hình chữ nhật là tăng. dạng thứ hai là mô hình chữ nhật ở đáy (Rectangle Bottom) nếu như xu hướng giá trước chữ nhật là giảm.
Ở giữa hai đường kháng cự và hỗ trợ của mô hình giá chữ nhật có thể có những đỉnh hoặc đáy phá vỡ giả lên xuống các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự và các đường song song không cần phải tuyệt đối chính xác đi qua các đỉnh hoặc đáy mà chỉ cần ở mức tương đối.
Ngoài ra ở giữa hai đường song song này cũng sẽ có những con sóng “non”, tức là nó không thực sự chạm đến ngưỡng hỗ trợ hoặc kháng cự thì đã đảo chiều.
Sau đây là hình ảnh mô phỏng về mô hình chữ nhật:
Ở trên là các mô hình chữ nhật theo hướng giá tiếp diễn, tức là giá trước và sau khi hình thành mô hình chữ nhật là cùng xu hướng.
Thông thường thì khi nhắc đến mô hình chữ nhật người ta sẽ nghĩ đến là một mô hình tiếp diễn như trên, nhưng trong thực tế thì vẫn có nhiều trường hợp mô hình chữ nhật là tín hiệu đảo chiều. Vì vậy chúng ta nên có cái nhìn toàn diện và đề phòng mọi trường hợp có thể xảy ra.
Ở trên là mô hình Retangle trong trường hợp có sự đảo chiều của giá.
Lưu ý: Mô hình chữ nhật không nhất thiết là nằm ngang như ở trên mà nó có thể có độ dốc nhất định
Ví dụ về các mô hình giá chữ nhật
Sau đây sẽ là các ví dụ cụ thể trong biểu đồ giá thực tế của các mô hình chữ nhật mà chúng ta đã nêu ở trên:
Mô hình giá chữ nhật tiếp diễn tăng
Hình trên là một ví dụ về trường hợp mô hình chữ nhật tiếp diễn trong một xu hướng tăng giá.
Mô hình giá chữ nhật tiếp diễn giảm
Trong trường hợp ở trên thì mô hình giá chữ nhật có phương hơi dốc lên trên chữ không nằm ngang, và như đã nói thì nó vẫn là một mô hình chữ nhật hợp lệ.
Rectangle Top pattern đảo chiều
Với ví dụ trường hợp này thì sau một con sóng tăng thì thị trường đi vào vùng giá trading range với mô hình giá chữ nhật và kết quả là sau đó nó đảo chiều thành xu hướng giảm.
Rectangle Bottom pattern đảo chiều
Trường hợp này sau một con sóng giảm giá mạnh liên tục gần như không có con sóng hồi đáng kể thì thị trường bước vào vùng trading range và sau đó nó hình thành một xu hướng tăng giá mạnh.
Phân biệt mô hình chữ nhật với mô hình lá cờ
Sẽ có nhiều người thắc mắc rằng có nhiều nơi chia sẻ kiến thức về mô hình lá cờ và mô hình chữ nhật mà họ không biết rằng hai mô hình này có sự khác nhau ở đâu.
Vậy thì Học Price Action sẽ làm rõ cho các bạn biết được sự khác nhau chính giữa hai dạng mô hình này đó là nằm ở đặc điểm về nến và sóng nằm trong hai đường song song.
Mô hình chữ nhật (Retangle pattern) | Mô hình lá cờ (Flag pattern) |
![]() |
![]() |
Mô hình giá chữ nhật thì nó sẽ có các con sóng nhỏ dao động lên xuống giữa hai đường hỗ trợ và kháng cự. Hay có thể nói là độ rộng giữa hai đường trên và dưới là lớn hơn | Mô hình lá cờ thì khoảng cách giữa hai đường song song là hẹp hơn và phần lớn nó là các cây nến đi ngang, lên xuống liên tục xen kẽ nhau mà không tạo ra các con sóng rõ rệt |
Phần giá phía trước của mô hình chữ nhật là những con sóng tăng hoặc giảm bình thường và ở quy mô lớn | Phần giá phía trước lá cờ có nghĩa là cột cờ sẽ là một vài cây nến tăng hoặc giảm mạnh liên tục đúng theo hình tượng cái cột cờ |
Mô hình giá chữ nhật thì trong bất kỳ tình huống nào nó cũng có thể là một hình chữ nhật nằm ngang hoặc dốc lên hay dốc xuống một chút | Với mô hình lá cờ thì phần là cờ phải có độ dốc ngược hướng so với cột cờ. Ví dụ cột cờ tăng thì lá cờ phải có độ dốc xuống để thể hiện là một con sóng hồi |
Mô hình Retangle pattern có thể là mô hình tiếp diễn hoặc đảo chiều | Mô hình lá cờ là một mô hình tiếp diễn |
Phân biệt mô hình chữ nhật so với kênh giá (Channel)
Có thể nói mô hình chữ nhật như là một phiên bản nhỏ thu hẹp của một kênh giá. Còn nếu nói đến Channel thì nó sẽ ở một quy mô bao quát hơn, nó có thể là những con sóng lớn và trong đó Kênh giá thể hiện được một xu hướng thị trường chứ không phải là một dấu hiệu chứng lại của giá như đối với mô hình giá chữ nhật.
Khi đã nhắc đến kênh giá thì không ai nghĩ về một khoảng giá nhỏ như đối với mô hình chữ nhật cả, theo dõi hình ảnh ví dụ về kênh giá dưới đây và so với các hình ảnh về mô hình chữ nhật ở trên các bạn sẽ thấy điều đó.
Có thể thấy Channel nó như là một trạng thái của thị trường ở khía cạnh rộng lớn chứ không như mô hình chữ nhật nó chỉ đơn giản là một điểm trong biểu đồ giá, một tình huống tạo nên thị trường chung mà thôi.
Giao dịch với mô hình chữ nhật như thế nào?
Tương tự như nhiều ô hình giá khác thì chúng ta sẽ có hai dạng để giao dịch đối với các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự của mô hình chữ nhật. Cụ thể đó là:
- Giao dịch với sự phá vỡ ngưỡng hỗ trợ (cạnh dưới) và kháng cự (cạnh trên) của Rectangle Pattern
- Giao dịch với sự hồi về các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự vừa bị phá vỡ.
Giao dịch phá vỡ
Trong các mô hình giá trước đó chúng ta đã được học thì nếu như bạn đã theo dõi sẽ biết rằng cách giao dịch với sự phá vỡ sẽ có hai dạng là:
- Giao dịch phá vỡ bị động
- Giao dịch phá vỡ chủ động
Học Price Action xin chia sẻ thêm góc nhìn về mô hình chứ nhật đó là nó có điểm khác biệt lớn so với những mô hình khác ở chỗ là chúng ta khó có thể biết được điểm kết thúc của nó ở đâu.
Chẳng hạn với mô hình tam giác chúng ta có thể nắm được điểm kết thúc khi giá càng ngày càng thu hẹp lại nhưng với mô hình chữ nhật thì không thể có điều đó.
Cũng chính vì vậy mà giao dịch với sự phá vỡ của mô hình chữ nhật là tương đối khó khăn hơn so với các mô hình khác.
Giao dịch phá vỡ bị động
Giao dịch phá vỡ bị động có nghĩa là chúng ta sẽ đặt một lệnh chờ mua hoặc chờ bán tương ứng tại ngưỡng kháng cự hoặc hỗ trợ.
Đối với mô hình chữ nhật này thì Học Price Action khuyên bạn không nên sử dụng cách giao dịch với sự phá vỡ kiểu này vì chúng ta cũng biết rằng đây được coi là mô hình giá thể hiện thị trường trong trạng thái không xu hướng.
Nó cũng có thể là mô hình tiếp diễn và cũng có thể là mô hình đảo chiều, vì vậy nếu giao dịch kiểu mò mẫm và bị động như phong cách này thì chắc chắn bạn sẽ dính vô cùng nhiều những chiếc bẫy phá vỡ giả.
Giao dịch phá vỡ chủ động
Đây là cách giao dịch mà chúng ta sẽ chờ xuất hiện một cây nến phá vỡ rõ ràng về hướng nào đó của mô hình chữ nhật rồi mới tiến hành giao dịch.
Nếu bạn giao dịch với sự phá vỡ thì nên áp dụng cách này thay vì là cách bị động đầy rủi ro.
Cây nến phá vỡ rõ ràng đối với ngưỡng kháng cự phải là cây nến tăng mạnh và không có bóng nến trên dài, đồng thời giá đóng cửa phải ở mức tương đối xa ở trên so với ngưỡng kháng cự.
Cây nến phá vỡ rõ ràng đối với ngưỡng hỗ trợ cần phải là một cây nến giảm mạnh và không có bóng nến dưới dài, ngoài ra giá đóng cửa cũng phải ở mức tương đối xa ở dưới so với ngưỡng hỗ trợ.
Lúc này cây nến phá vỡ đóng vai trò là nến tín hiệu để chúng ta vào lệnh cũng như là có điểm dừng lỗ khoa học để quản lý vốn.
Giao dịch với cú hồi
Cách giao dịch này là an toàn nhất trong tất cả các phương pháp nhưng chúng ta sẽ phải chờ thời gian lâu hơn mà thôi.
Hầu hết các trường hợp thì khi phá vỡ thành công ngưỡng kháng cự và hỗ trợ thì giá đều quay về test lại ngưỡng kháng cự và hỗ trợ đó, khi mà giá quay đầu đảo chiều thì sẽ để lại những mô hình nến đẹp để chúng ta có thể vào lệnh.
Ví dụ thực tế về giao dịch với mô hình chữ nhật với các dạng vào lệnh
Hình dưới đây sẽ thể hiện cho bạn về những kiểu vào lệnh mà chúng ta đã đề cập ở bên trên:
Trong ví dụ này thì chúng ta giao dịch theo cả hai trường hợp đều có thể thắng, các bạn nên lưu ý đây là một ví dụ điển hình còn trong thực tế hầu hết là phức tạp hơn nhiều và cần sự tỉnh táo trong quyết định vào lệnh.
Cách giao dịch phá vỡ bị động
Vì trước đó đã có hai điểm đáy tạo thành cạnh dưới của chữ nhật rồi nên chúng ta có thể bắt đầu đặt một lệnh chờ bán dưới ngưỡng hỗ trợ này khi mà ta thấy giá bắt đầu giảm tử đỉnh gần nhất.
Sau đó giá đã phá vỡ ngưỡng hỗ trợ rất đẹp mà không có bất kỳ dấu hiệu nào của ngưỡng cản.
Đối với cách giao dịch này thì một vấn đề quan trọng cần phải chú ý đó là về điểm dừng lỗ. Thường thì ban đầu khi lệnh chưa khớp chúng ta có thể chưa cần đặt stop loss sớm. Nếu có đặt thì hãy đặt ở đỉnh hoặc đáy cơ bản gần nhất hoặc là một khoảng với số Pip cố định nào đó nhằm đề phòng bất trắc.
Sau đó khi lệnh được khớp rồi thì chúng ta mới điều chỉnh stop loss theo diễn biến thực tế. Chẳng hạn với ví dụ trên thì chúng ta sẽ dời stop loss về cây nến phá vỡ rõ ràng và cũng là cây nến đã khớp lệnh sell stop.
Cách giao dịch phá vỡ chủ động
Với cách giao dịch phá vỡ chủ động thì chúng ta cũng được đáp ứng như mong muốn với một cây nến giảm mạnh qua ngưỡng hỗ trợ, giá đóng cửa ở mức tương đối xa so vỡi ngưỡng support.
Cây nến giảm mạnh này cũng gần như là cây nến Marubozu khi có bóng nến trên và dưới rất nhỏ. Vì thế đây được coi là một sự phá vỡ rõ ràng.
Chúng ta tiến hành vào một lệnh bán trực tiếp sau khi cây nến này kết thúc thay vì đặt lệnh chờ bán Sell stop vì bóng nến dưới của nến này rất nhỏ. Điểm dừng lỗ chúng ta đặt ở trên cây nến.
Giao dịch với cú hồi về
Trong trường hợp trên thì việc giao dịch với cú hồi là không thể đẹp hơn khi mà nó hình thành cây nến pin bả ngay ở ngưỡng kháng cự thể hiện rất rõ sức cản của nó.
Chúng ta sẽ đặt một lệnh chờ bán ở dưới cây nến Pin bar hay cụ thể là Shooting star này. Điểm dừng lỗ đặt ở trên cây nến. Sau đó thì giá đã giảm rất đẹp và nhanh chóng đạt được mức take profit là 2:1 thậm chí có thể gấp nhiều lần hơn thế nữa.
Lời kết
Trên đây là kiến thức chi tiết về mô hình chữ nhật Rectangle mà Học Price Action gửi đến các bạn. Mô hình giá này là rất dễ quan sát và phát hiện cũng như dễ dàng giao dịch và vì thế các bạn hãy chú ý để có thêm những cơ hội giao dịch tuyệt vời nhé.