Kiến thức

Mô hình 3 đỉnh là gì? Tìm hiểu về mô hình giá Triple Top

mô hình 3 đỉnh

Chúng ta đã biết được một số mô hình giá như là hai đỉnh hoặc hai đáy rất thường gặp trong thực tế, trong bài viết này chúng ta tiếp tục đến với một mô hình giá quen thuộc nữa đó là mô hình 3 đỉnh hay còn gọi là Triple Top. Vậy thì mô hình giá này có cấu trúc như thế nào và cách giao dịch ra làm sao chúng ta hãy cùng Học Price Action tìm hiểu trong bài viết này.

Mô hình 3 đỉnh là gì?

Mô hình ba đỉnh là một mô hình giá xuất hiện ở cuối xu hướng tăng giá và là điểm khởi đầu một xu hướng giảm giá. Có nghĩa rằng mô hình ba đỉnh là một tín hiệu cho chúng ta biết về khả năng chuyển giao giữa xu hướng tăng thành xu hướng giảm.

Sau đây là mô phỏng về mô hình giá ba đỉnh Triple Top Price Pettern:

mô hình 3 đỉnh

Về yêu cầu đối với cấu tạo của mô hình ba đỉnh này cũng không có gì quá phức tạp. Nó nên đảm bảo các điều kiện cơ bản như sau:

  • Ba đỉnh A, B, C nên có mức giá ngang bằng nhau, các bạn nhớ là nên ở mức tương đối chứ không phải là tuyệt đối ba đỉnh phải có mức giá bằng nhau.
  • Hai đáy 1 và 2 cũng là hai đáy có mức giá tương đối ngang nhau và không cần phải tuyệt đối bằng nhau. Về cơ bản là làm sao khi quan sát hai đáy số 1 và số 2 này chúng ta thấy rõ được ngưỡng hỗ trợ và kháng cự mà nó tạo ra.

Đường hỗ trợ xác nhận sự hình thành của mô hình 3 đỉnh

Cũng như các mô hình hai đỉnh và hai đáy thì mô hình ba đỉnh cũng cần có một điểm xác nhận chính thức hình thành lên mô hình 3 đỉnh.

Ở đây sự xác nhận chính là khi mà giá phá vỡ đường hỗ trợ (Đường cổ – Neckline) của hai đáy 1 và 2 để đi xuống dưới. Khi này thì khả năng hình thành một xu hướng giảm đã có cơ sở chắc chắn hơn.

đường hỗ trợ của mô hình 3 đỉnh

Tâm lý đằng sau mẫu hình giá 3 đỉnh – Triple Top

Về tâm lý đám đông thể hiện đằng sau mô hình giá ba đỉnh này có thể giải nghĩa như sau:

Sự hình thành của đỉnh A vẫn là một đỉnh mới thông thường mà nó hình thành trong xu hướng tăng trước đó, sau đó là đến con sóng giảm điều chỉnh đến đáy số 1 cũng vẫn là một sự biến động giá rất bình thường.

Sau đó đến đỉnh B chúng ta đã có chuyện để phải xem xét khi mà nó không thể vượt lên trên đỉnh A một cách rõ ràng để hình thành lên đỉnh mới cao hơn nhằm tiếp tục xu hướng tăng giá của hiện tại.

Sau đó giá tiếp tục hồi về đáy thứ 2, lúc này chúng ta thấy rằng xu hướng tăng đã mất đi sức mạnh của nó và cho thấy tự suy yếu khi dường như nó đã hình thành một kênh giá đi ngang hay còn gọi là trading range.

Khi đến điểm số 2 thì chúng ta có thể trông chờ một mô hình 2 đỉnh được hình thành nếu như giá xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ xuống phía dưới, nhưng nó đã không diễn ra và ngưỡng hỗ trợ này rất mạnh làm cho giá tiếp tục quay đầu tăng giá.

Khi này thì vùng Trading Range hay kênh giá đi ngang đã hiện hình rõ ràng. Chúng ta có một tín hiệu chắc chắn hơn về sự chững lại của xu hướng tăng giá. Tuy nhiên vẫn chưa chắc chắn nó sẽ hình thành một xu hướng giảm mà có thể đó chỉ là một sự củng cố cho một sự bứt phá đi lên.

Nhưng đến đỉnh C thì nó vẫn không thể phá vỡ được ngưỡng kháng cự của hai đỉnh A và B. Điều này cho thấy đám đông không cho rằng giá có thể tăng cao hơn nữa và không nhiều người sẵn sàng mua lên ở vị trí đỉnh C này.

Như vậy với việc liên tục hình thành lên các đỉnh và đáy trong một vùng kênh giá đi ngang chứng tỏ có sự giằng co và do dự của hai bên mua và bán.

Sau đó với 2 lần nỗ lực tăng giá để hình thành đỉnh mới không thành công thì dường như đám đông đã không còn niềm tin rằng giá sẽ có thể tăng nữa và bắt đầu số lượng tham gia vào bên bán gia tăng.

Lực bán mạnh xuống của số đông đã phá vỡ ngưỡng hỗ trợ của hai đáy 1 và 2 làm cho mô hình giá 3 đỉnh chính thức được hình thành và khả năng cao xu hướng giảm giá đã được hình thành.

Cách giao dịch với mô hình giá ba đỉnh

Việc giao dịch với mô hình ba đỉnh cũng tương tự như mô hình 2 đỉnh mà chúng ta đã học ở bài viết trước đó là giao dịch Breakout và giao dịch với cù hồi vế test ngưỡng hỗ trợ kháng cự.

Cách giao dịch phá vỡ Neckline của mô hình Triple Top

Đối với phương pháp giao dịch Breakout này thì chúng ta cũng chia làm 2 cách khác nhau đó là:

  • Giao dịch phá vỡ bị động
  • Giao dịch phá vỡ chủ động

Cụ thể với từng cách giao dịch ra sao chúng ta cùng Học Price Action tìm hiểu chi tiết ngay bên dưới đây:

Giao dịch phá vỡ bị động với mô hình 3 đỉnh

Với cách giao dịch này chúng ta sẽ tận dụng đặc điểm về sự phá vỡ của giá xuống dưới đường cổ neckline sau khi mà giá đã hình thành đỉnh C mà không thể hình thành lên đỉnh mới cao hơn so với hai đỉnh trước thì chúng ta dự đoán khả năng sẽ hình thành mô hình 3 đỉnh.

giao dịch phá vỡ đường hỗ trợ

Chúng ta sẽ đặt một lệnh chờ bán ở dưới ngưỡng đường hỗ trợ neckline để chờ cú phá vỡ giá đi xuống.

Đây là cách giao dịch đi tắt đón đầu khi mà mô hình 3 đỉnh mới chỉ ở mức khả năng hình thành chứ chưa chính thức được hình thành cho nên nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Cụ thể một số rủi ro mà chúng ta sẽ phải đối mặt nếu giao dịch kiểu này:

  • Đôi khi giá có thể vẫn tiếp tục vùng Trading Range chứ không phá vỡ xuống dưới đường hỗ trợ thì chúng ta sẽ đối mặt với sự thua lỗ.
  • Vấn đề đặt dừng lỗ: Theo cách thông thường thì chúng ta sẽ đặt điểm dừng lỗ ở trên đỉnh C, nhưng nó sẽ cho khoản dừng lỗ quá lớn và tốt nhất ta chỉ sử dụng nó là một điểm dừng lỗ tạm thời để khi mà lệnh Sell Stop được khớp lệnh thì chúng ta mới dịch chuyển điểm stop loss đến ngưỡng mới phù hợp hơn như là đặt trên đỉnh cơ bản gần nhất hoặc là dời về ở trên cây nến phá vỡ đường hỗ trợ một cách rõ ràng.
    Ngoài ra bạn có thể đặt dừng lỗ ở một khoảng Pip nhất định nào đó chẳng hạn như là 20 Pip, 30 Pip…. tuy nhiên đây là cách đặt mang tính hên xui không có cơ sở nên cũng chỉ coi là biện pháp tạm thời khi mà lệnh chưa được khớp.
  • Một vấn đề rất quan trọng nữa đó là khác với mô hình 2 đỉnh nó chỉ có 1 đáy thì việc xác định đường neckline là vô cùng đơn giản, nhưng ở mô hình 3 đỉnh thì mọi chuyện đã phức tạp hơn nhiều khi mà hai đáy có thể không ngang bằng nhau khiến cho việc đặt lệnh sell stop ở ngưỡng nào là một dấu hỏi lớn với người giao dịch.
    Tốt nhất là chúng ta nên sử dụng đáy thấp hơn để đặt lệnh chờ bán.

Sau đây là một ví dụ thực tế về giao dịch với sự phá vỡ ngưỡng hỗ trợ của hai đáy 1 và 2:

giao dịch với sự phá vỡ đường hỗ trợ

Trường hợp trên chúng ta đặt một lệnh Sell Stop ở ngang với đường hỗ trợ và giá đã phá vỡ ngưỡng này một cách rất dứt khoát mà không có sự giằng co nào đáng kể ngoài một cây nến pin bar có đuôi nến dưới lớn thể hiện ngưỡng cản.

Học Price Action không khuyến khích các bạn sử dụng cách vào lệnh này vì trong thực tế có rất nhiều tình huống phá vỡ giả diễn ra và sau đó nó hình thành một kênh giá đi ngang chứ không phải là mô hình 3 đỉnh như chúng ta nghĩ.

Thậm chí có hình thành mô hình 3 đỉnh thì ở điểm phá vỡ vẫn rất thường xảy ra một vài lần phá vỡ giả rồi sau đó mới có cú phá vỡ thành công thật sự.

Vì vậy mà chúng ta gọi đây là cách giao dịch bị động. Nếu như muốn giao dịch với sự phá vỡ thì bạn nên sử dụng cách chủ động được chia sẻ bên dưới đây.

Giao dịch phá vỡ chủ động với mô hình 3 đỉnh

Đây là cách giao dịch mà thay vì chúng ta đặt lệnh chờ bán một cách mò mẫm khi mà chưa biết có sự phá vỡ hay chưa thì chúng ta sẽ chờ đợi cho giá hình thành một cây nến phá vỡ rõ ràng đường neckline rồi mới vào lệnh.

Với cách này chúng ta chấp nhận vào lệnh chậm hơn hơn và ở mức giá thấp hơn nhưng đổi lại đó là sự chắc chắn và an toàn, mà điều này luôn phải đặt lên hàng đầu trong giao dịch và đầu tư tài chính.

Giải thích sâu hơn về sự phá vỡ gọi là “rõ ràng” đó là trước tiên phải là một cú phá vỡ thành công. Vậy thì thế nào là một sự phá vỡ thành công?

Thường thì để xác nhận một sự phá vỡ thành công sẽ có 3 trường phái khác nhau theo mức độ từ thấp đến cao, từ dễ đến khó như sau:

  • Hình thành một cây nến có giá đóng cửa ở dưới đường Neckline.
  • Hình thành một cây nến mà thân của nó nằm hoàn toàn dưới đường Neckline
  • Hình thành cây nến mà toàn bộ nằm dưới đường Neckliine.

Thế nhưng yếu tố “rõ ràng” có phải là điều kiện cao nhất là có cây nến nằm hoàn toàn dưới đường Neckline thì mới coi là rõ ràng hay không?

Không hẳn là như vậy và ở đây sự rõ ràng đều có thể có ở tất cả các tiêu chí trên. Nếu chỉ có cây nến có giá đóng cửa dưới đường neckline thôi nhưng đó là cây nến giảm mạnh, giá đóng cửa ở mức xa so với đường neckline và không có bóng nến dưới lớn thì có thể coi đó là sự phá vỡ rõ ràng.

Chúng ta cũng lưu ý một điều đó là trong thị trường tài chính thì không có gì chắc chắn 100% cả, cho nên ở đây chúng ta nói sự phá vỡ rõ ràng là về mặt hình thức và khả năng phá vỡ thành công rồi sau đó giảm giá sâu xuống dưới là cao chứ không có nghĩa rằng chắc chắn xảy ra điều đó.

Sau đây sẽ là một ví dụ cụ thể về cách giao dịch phá vỡ chủ động với mô hình giá 3 đỉnh này:

giao-dich-pha-vo-chu-dong-mo-hinh-3-dinh

Ở vị trí các cây nến số 1, 2 và 3 Học Price Action muốn thể hiện cho các bạn về sự phá đường Neckline trong mô hình 3 đỉnh là rất thường xuyên xảy ra sự phá vỡ giả. Trong những tình huống này nếu như bặn giao dịch theo cách bị động thì vẫn còn may mắn khi mà giá không tăng lên cao.

Cây nến số 3 cũng là một cây nến giảm và có giá đóng cửa dưới đường Neckline những không thể coi cây nến này là sự phá vỡ rõ ràng được. Hoặc sau đó là cây nến Doji có thân nằm hoàn toàn dưới đường Neckline nhưng chắc chắn cũng không thể coi đó là sự phá vỡ rõ ràng.

Chỉ đến cây nến số 4 thì mọi chuyện mới có sự khác biệt và đây là một cây nến được coi là phá vỡ rõ ràng vì nó là cây nến giảm mạnh, có giá đóng cửa dưới và tương đối xa so với đường Neckline.

Các bạn chú ý về từ “xa so với đường neckline” thì cũng không thể chuẩn hoá được nhưng không nên xa quá, và cũng không được gần quá, nếu xa quá thì có nghĩa là cây nến phá vỡ là rất lớn, khi đó ta cũng khó vào lệnh, nếu gần quá thì dễ là một sự phá vỡ giả.

Chúng ta sẽ vào một lệnh chờ bán ở dưới cây nến số 4 và đặt stop loss ở trên cây nến này.

Cách giao dịch phá vỡ này đúng với cái tên gọi đó là chủ động, và chúng ta đã chủ động được tình hình và làm chủ được lệnh giao dịch một cách rất tốt chứ không phó mặc vào sự may rủi như là cách giao dịch bị động.

Cách giao dịch cú hồi test đường hỗ trợ (thành kháng cự)

Đây là lối giao dịch theo Price Action mà khuyến khích các bạn nên sử dụng để vừa đảm bảo an toàn về quản lý vốn vì có mức dừng lỗ và điểm vào lệnh tốt cũng như là cho tỷ lệ thắng lệnh cao hơn hẳn so với cách giao dịch thứ nhất.

giao dịch với sự hồi về đường hỗ trợ

Với cách giao dịch này thì bên canh việc có sự chắc chắn và an toàn thì đổi lại chúng ta cần có sự kiên nhẫn để chờ thời cơ chín muồi và có tín hiệu đẹp để vào lệnh, nếu giá có hồi vế test lại ngưỡng đường hỗ trợ nhưng mà không có được một điểm vào lệnh đẹp thì cũng khó có thể giao dịch.

Sau đây là một ví dụ về cách giao dịch thứ hai với mô hình 3 đỉnh này:

giao dịch với sự hồi về test ngưỡng kháng cự

Với ví dụ trên thì sau khi phá vỡ được đường hỗ trợ thành công thì giá đã hồi về không lâu sau đó đồng thời hình thành lên một mô hình nến rất đẹp đó là mô hình giảm dần.

Cây nến tín hiệu giảm cũng là vô cùng đẹp và chúng ta vào một lệnh bán trực tiếp vì bóng nến dưới của cây nến tín hiệu này rất nhỏ.

Điểm dừng lỗ chúng ta đặt ở trên cây nến tín hiệu và ta có được khoảng dừng lỗ có thể nói là đẹp lý tưởng. Chúng ta hoàn toàn có thể thắng được tỷ lệ là 3:1, tuy nhiên thông thường chúng ta nên target 2:1 là đủ rồi.

Với trường hợp ví dụ về cách giao dịch phá vỡ chủ động ở trên chúng ta cũng thấy được một cú hồi về đường hỗ trợ kháng cự neckline rất đẹp.

giao-dich-voi-cu-hoi-ve--mo-hinh-3-dinh

Sau cây nến phá vỡ rõ ràng và chúng ta đặt Sell stop thì sau đó lệnh đã được khớp nhưng chưa đạt được Take profit thì giá đã quay đầu hồi về.

Kết quả là hình thành một mô hình nến rất đẹp đó là mô hình nến Dark Cloud Cover hay còn gọi hình tượng là mây đen bao phủ. Chúng ta tiến hành vào lệnh với cây nến tín hiệu giảm, đặt dừng lỗ ở trên cây nến này và kết quả sau đó thật là tuyệt vời phải không.

Lời kết

Trên đây là chia sẻ chi tiết về mô hình giá 3 đỉnh mà Học Price Action muốn gửi đến các bạn. Đây là mô hình cũng thường gặp trên biểu đồ giá và giao dịch khá hiệu quả, Các bạn hãy chú ý quan sát và tận dụng thêm những cơ hội giao dịch tốt với mô hình giá này nhé.