Kiến thức

Mô hình 2 đỉnh là gì? Tìm hiểu mô hình giá Double Top

mô hình 2 đỉnh

Trong bài viết trước chúng ta đã được tìm hiểu về mô hình giá 2 đáy là gì rồi và trong bài này chúng ta sẽ tìm hiểu một mô hình ngược lại đó là mô hình 2 đỉnh hay còn gọi là Double Top. Vậy mô hình giá hai đỉnh là gì, nó có cấu tạo như thế nào và giao dịch với mô hình Double Top ra sao chúng ta hãy cùng Học Price Action tìm hiểu trong bài viết này nhé.

Mô hình 2 đỉnh là gì? (Double Top)

Mô hình hai đỉnh tiếng Anh ta gọi là mô hình giá Double Top. Đây là mô hình giá cho chúng ta tín hiệu về sự chuyển giao xu hướng từ tăng giá thành xu hướng giảm giá. Có nghĩa rằng mô hình hai đỉnh là điểm kết thúc của xu hướng tăng và là điểm khởi đầu của xu hướng giảm giá.

Sau đây là hình ảnh mô phỏng về mô hình giá hai đỉnh này:

mô hình 2 đỉnh

Nhìn tổng thể chúng ta có thể thấy mô hình hai đỉnh rất giống chữ “M”. Sau đây sẽ là một số thông tin chi tiết thêm về mô hình giá hai đỉnh Double Top này:

Quy chuẩn liên quan đến 2 đỉnh

Đối với mô hình 2 đỉnh này không nhất thiết hai đỉnh phải có mức giá ngang bằng nhau vì gần như nó rất khó xảy ra trong thực tế, để thoả mãn yêu cầu về mô hình này thì chúng ta chỉ cần cảm thấy hai đỉnh là gần ngang ngang nhau.

Có một số tài liệu thì nêu ra nguyên tắc đó là mức đỉnh sau không chênh quá 6% về mức giá so với đỉnh thứ nhất, tức là ví dụ đỉnh đầu tiên là 100 thì đỉnh thứ hai nó có thể ở mức từ 94 cho đến 106.

Tuy nhiên chênh nhau nếu tới 6% thì có vẻ vẫn quá chênh lệch giữa hai đỉnh, chưa kể nó còn có sự khác biệt giữa các khung thời gian nữa cho nên rất khó lấy % mức giá này làm quy chuẩn.

Tốt nhất là chúng ta nên cảm nhận nó ngang bằng nhau và không có nhiều sự chênh lệch thì đó là mô hình giá đẹp nhất.

Quy tắc về đáy giữa

Giữa hai đỉnh thì sẽ có một đáy ở chính giữa. Đường kẻ ngang qua mức đáy giữa này sẽ gọi là đường cổ (Neckliine) và nó đóng vai trò là ngưỡng hỗ trợ cho tín hiệu xác nhận sự hình thành của mô hình hai đỉnh khi giá phá vỡ xuống phía dưới.

mô hình hai đỉnh

Theo quy tắc chuẩn của mô hình cũng nêu rằng phần giá thấp nhất của đáy giữa này cũng phải thấp hơn không quá 10% so với trung bình mức giả của hai đình.

Chẳng hạn hai đỉnh có mức giá lần lượt là 98 và 102 thì trung bình sẽ bằng 100, như vậy phần đáy giữa thấp nhất không được thấp hơn 90.

Tuy nhiên cũng như phần chênh nhau giữa hai đỉnh thì việc so sánh tương quan với % mức giá này cũng không thực sự phù hợp với các khung thời gian khác nhau. Sẽ rất khó để có thể quy chuẩn về sự tương quan về mức giá mà chủ yếu là chúng ta nhìn nhận mô hình một cách tương đối.

Với phần đáy giữa này chúng ta cũng nên lưu ý nó không thể nào giảm quá sâu được vì như thế nó sẽ mất cân đối mô hình và thực chất lúc đó không còn được coi là mô hình hai đỉnh nữa.

Sau đây là một ví dụ về đáy giữa giảm quá sâu làm mất đi sự cân đối của mô hình giá hai đỉnh này:

phần đáy giữa giảm quá sâu

Ở trên chúng ta thấy rằng phần đáy giữa đã thực sự giảm quá sâu so với tương quan của xu hướng tăng giá trước đó, dù sau đó giá hồi về và tạo ra một đỉnh mới với độ cao tương đường đỉnh trước nhưng do phần đáy giữa quá sâu nên chúng ta cũng không xem xét mô hình hai đỉnh ở đây nữa.

Quy tắc về số nến giữa hai đỉnh

Kiến thức chuẩn của mô hình 2 đỉnh nêu ra rằng đối với khung thời gian ngày thì thời gian hình thành hai đỉnh là khoảng từ 2 đến 6 tuần.

Điều đó có nghĩa rằng số nến giữa hai đỉnh này sẽ rơi vào khoảng từ 10 cho đến 30 nến. Quy tắc này là rất hợp lý bởi vì nếu như hai đỉnh quá gần nhau hoặc quá xa nhau thì khi đó mô hình Double Top gần như không còn hiệu quả nữa.

Ví dụ về hai đỉnh quá gần nhau và được tạo thành bởi chỉ số ít cây nến:

hai đỉnh quá gần nhau

Chúng ta thấy ở giữa hai đỉnh trong hình trên chỉ gồm có 6 cây nến (bao gôm cả hai cây nên ở đỉnh) như vậy thì chúng ta nhìn tổng quan nó giống như là 1 đỉnh hơn là phân biệt rõ hai đỉnh.

Vì vậy trong trường hợp này chúng ta không nên xem xét giao dịch với mô hình 2 đỉnh. Dù rằng trong trường hợp này giá sau khi phá vỡ đường đáy giữa thì nó cũng đã hồi về test lại nhưng đó là trường hợp cá biệt.

Hoặc nếu giữa hai đỉnh mà có quá nhiều cây nến thì mô hình 2 đỉnh này cũng không thực sự còn hiệu nghiệm, sau đây là một ví dụ:

những mô hình có hai đỉnh không thoả điều kiện

Với trường hợp ở trên dù chúng ta thấy rằng có hai đỉnh ở mức giá tương đương nhau nhưng vì nó cách nhau quá xa và ở giữa hai đỉnh này có rất nhiều nến và cả các con sóng lên xuống rất nhiều.

Vì thế mà nó giống một vùng kênh giá đi ngang hơn là một mô hình hai đỉnh.

Tâm lý đám đông đằng sau mô hình hai đỉnh

Đằng sau mô hình giá hai đỉnh này nó nói cho chúng ta điều gì về tâm lý đám đông những người tham gia vào trong thị trường?

Việc giải nghĩa về tâm lý đằng sau mẫu hình giá này là rất đơn giản.

Với phần đỉnh thứ nhất thì nó vẫn như một đỉnh mới thông thường mà được hình thành trong xu hướng tăng giá, đó là đỉnh sau cao hơn đỉnh trước và có thể là cả đáy sau cao hơn đáy trước.

Sau khii hình thành đỉnh này là một con sóng điều chỉnh cũng rất bình thường như là con sóng giảm điều chỉnh trong xu hướng tăng.

Mọi thứ vẫn diễn ra rất bình thường cho đến khi giá bắt đầu quay về xu hướng tăng nhưng nó dường như không thể tạo ra một đỉnh mới thực sự cao hơn so với đỉnh trước đó. Tức là giá không có sự phá vỡ một cách rõ ràng lên trên ngưỡng kháng cự được tạo ra bởi đỉnh đầu tiên.

Sau đó nó quay đầu giảm và lúc này chúng ta có thể suy đoán về một mô hình hai đỉnh sắp được hình thành.

Nó chỉ chính thức được xác nhận hình thành lên mô hình hai đỉnh khi mà giá vượt xuống dưới ngưỡng hỗ trợ của đường cổ (Neckline).

Khi này có nghĩa là giá đã chính thức sẽ tạo ra một đáy sau thấp hơn đáy trước và chúng ta có cơ sở cho rằng một xu hướng giảm giá sắp thới đã được hình thành.

Bạn hãy nhớ đó là “có cơ sở” thôi nhé, bởi vì không gì là không thể xảy ra và sau khi giá phá vỡ đường cổ thì vẫn có thể sau đó nó quay trở về xu hướng tăng mà không hề hình thành xu hướng giảm như mô hình hai đỉnh chỉ dẫn cho chúng ta.

Đó là lý do mà chúng ta luôn cần phải quản lý vốn chặt chẽ và giao dịch có mức đặt dừng lỗ rõ ràng.

Cách giao dịch với mô hình hai đỉnh (Double Top)

Chúng ta sẽ có hai cách giao dịch với mô hình giá 2 đỉnh như sau:

Giao dịch với sự phá vỡ đường cổ (Neckline) – Breakout

Như chúng ta đã biết ở trên đó là đường cổ đóng vai trò là ngưỡng hỗ trợ và khi mà giá phá vỡ được đường cổ này để đi xuống thì mô hình hai đỉnh chính thức được hình thành.

Vì vậy mà chúng ta tận dụng đặc điểm này để thưc hiện một lệnh bán xuống. Sẽ có hai cách giao dịch với sự phá vỡ mà Học Price Action muốn chia sẻ đến các bạn đó là:

  • Giao dịch phá vỡ một cách bị động
  • Giao dịch phá vỡ một cách chủ động

Chúng ta sẽ tìm hiểu cụ thể cách giao dịch với từng dạng trên là như thế nào ngay sau đây.

Giao dịch phá vỡ mô hình giá hai đỉnh một cách bị động

Cách vào lệnh này đó là chúng ta khi thấy bắt đầu có khả năng hình thành 2 đỉnh và cũng đã có một đáy làm cơ sở cho đường neckline thì chúng ta sẽ đặt một lệnh chờ bán ở ngay dưới ngưỡng đường neckline này.

Gọi là cách giao dịch bị động là bởi vì chúng ta chưa chắc chắn về sự hình thành của mô hình hai đỉnh nhưng chúng ta đi trước và đặt lệnh chờ bán sẵn ở dưới.

Chúng ta sẽ bị động vì có thể không làm chủ được việc nó phá vỡ như thế nào, liệu có thành công hay không hay là có hình thành mô hình hai đỉnh hay không…

giao dịch phá vỡ đường cổ của mô hình double top

Sau đây là một ví dụ thực tế về cách giao dịch phá vỡ theo phương pháp này:

giao dịch với sự phá vỡ của mô hình hai đỉnh

Trong ví dụ trên thì giá đã phá vỡ xuống dưới đường Neckline với một cây nến giảm rất lớn, sau đó giá giảm một mạch xuống dưới mà không có dấu hiệu giằng co nào ở đây, và sau đó cũng không có một con sóng hồi về và chúng ta rất nhanh chóng có thể đạt được lợi nhuận kỳ vọng.

Tuy nhiên Học Price Action thường không khuyến khích các bạn giao dịch theo phong cách này vì nó khá là mạo hiểm, hầu hết chúng ta sẽ gặp phải những trường hợp phá vỡ giả (False Breakout).

Nó có thể xảy ra sự giằng co sideway tại ngưỡng đường neckline và thậm chí còn đảo chiều tăng với sự phản ứng của ngưỡng hỗ trợ.

Sau đây là một ví dụ như thế:

giao-dich-voi-pha-vo-khong thanh-cong

Trong ví dụ trên thì dù giá phá vỡ đường Neckline với một cây nến giảm rất mạnh và nếu như ai mà giao dịch với phá vỡ bằng một lệnh Sell Stop thì khi kết thúc cây nến này sẽ cảm thấy rất sung sướng vì khả năng thắng là rất cao.

Tuy nhiên đời không như là mơ và ngay sau đó giá lại hồi về và rơi vào trạng thái sideway.

Ngoài ra còn một hạn chế rất lớn nếu giao dịch theo cách này đó là vấn đề về stop loss. Thường thì chúng ta sẽ đặt stop loss theo hai cách:

  • Đặt stop loss bằng một khoảng Pip nào đó dựa theo mức chịu rủi ro của bạn và khối lượng giao dịch. Cách này thì chúng ta đặt stop loss một cách mò mẫm chứ không dựa trên cây nến tín hiệu nên không có được điểm dừng lỗ tối ưu nhất.
  • Đặt stop loss trên đỉnh gần nhất, cách này thì thường là cho khoảng dừng lỗ rất lớn.

Dù vậy nếu bạn giao dịch theo cách này thì nên dùng cách đặt stop loss thứ hai đó là đặt dừng lỗ trên đỉnh gần nhất và đó chỉ là mức dừng lỗ tạm thời để phòng tránh những sự kiện bất ngờ mà thôi.

Sau khi lệnh chờ bán được khớp thì chúng ta sẽ di chuyển stop loss về đỉnh cơ bản gần nhất hoặc là di chuyển về ở trên cây nến phá vỡ đường neckline một cách rõ ràng.

Khi mà chúng ta điều chỉnh stop loss rổi thì có thể xem xét vào thêm khối lượng cho vừa đủ với quy tắc quản lý vốn ví trước đó chúng ta sử dụng khối lượng nhỏ với khoảng dừng lỗ lớn, vấn đề này các bạn hãy linh hoạt áp dụng theo quy tắc giao dịch của mình.

Giao dịch phá vỡ mô hình Double Top theo cách chủ động

Chủ động ở đây có nghĩa là chúng ta sẽ chờ có một cây nến phá vỡ đường neckline một cách rõ ràng và cho khả năng phá vỡ thành công cao và dựa vào đặc điểm của cây nến phá vỡ có thể giao dịch được thì chúng ta mới vào lệnh.

Các bạn chú ý đến khái niệm phá vỡ rõ ràng là một khái niệm bao quát và rộng hơn so với khái niệm phá vỡ thành công. Thông thường chúng ta sẽ quy ước sự phá vỡ thành công mô hình giá hai đỉnh theo 1 trong 3 tiêu chí từ thấp đến cao như sau:

  • Hình thành cây nến có giá đóng cửa ở dưới đường Neckliine
  • Hình thành cây nến có thân nằm dưới đường Neckline
  • Hình thành cây nến mà toàn bộ nằm dưới đường Neckline

Tuy nhiên để xác định về một sự phá vỡ rõ ràng không phải là dựav ào tiêu chí nào ở trên.

Thậm chí một cây nến có giá đóng cửa ở dưới đường Neckline cũng có thể coi là sự phá vỡ rõ ràng khi đó là một cây nến giảm mạnh và có giá đóng cửa ở mức tương đối xa so đường neckline.

Nhưng có thể một cây nến nằm hoàn toàn dưới đường Neckline cũng chưa chắc đã được coi là sự phá vỡ rõ ràng nếu như nó chỉ đơn giản là một cây nến nhỏ như là Spinning top hay Doji.

Vậy ở đây chúng ta cần dựa vào đặc điểm của cây nến phá vỡ và sự cảm nhận đánh giá của bản thân chứ không có quy tắc nào cụ thể về sự “rõ ràng“.

Sau đây là một ví dụ về cách giao dịch phá vỡ chủ động với mô hình Double Top

giao-dich-pha-vo-chu-dong-double-top

Ví dụ ở trên thì sau khi xuất hiện một cây nến giảm mạnh và đóng cửa xuống dưới đường Neckline một khoảng tương đối xa và đây là một cây nến có kích thước lý tưởng để chúng ta vào lệnh.

Vì bóng nến dưới quá nhỏ nên thay vì đặt lệnh chờ bán chúng ta sẽ vào một lệnh bán trực tiếp ngay sau khi cây nến đóng cửa, điểm dừng lỗ đặt ở trên cây nến này.

Nếu trường hợp trên mà cây nến này có giá đóng cửa dù đã ở dưới neckline nhưng lại quá gần đường neckline thì đó vẵn chưa coi là một sự phá vỡ rõ ràng vì rất nhiều trường hợp như vậy là sự phá vỡ giả.

Với cách giao dịch này chúng ta sẽ làm chủ được tình hình phá vỡ ngưỡng hỗ trợ của mô hình, giảm thiểu được rủi ro đến từ sự phá vỡ giả mặc dù vẫn không chắc chắn 100% sẽ là sự phá vỡ thành công khi có cây nến phá vỡ rõ ràng.

Chúng ta cũng có được điểm dừng lỗ khoa học, ngoài ra dựa theo cây nến phá vỡ chúng ta cũng còn có thể quyết định được có nên giao dịch hay không.

Vì nếu như cây nến phá vỡ dù rõ ràng nhưng lại có kích thước quá lớn và giảm xuống quá sâu so với đường Neckliine thì đó cũng không phải là cơ hội giao dịch tốt. Vì nó đã giảm quá sâu thì sau đó giá có thể hồi về chứ không tiếp tục giảm được nữa.

Để giải thích cho điều này chúng ta hãy xem lại ví dụ mà Học Price Action đã sử dụng ở phần giao dịch phá vỡ bị động:

giao-dich-voi-pha-vo-khong thanh-cong

Ở trường hợp trên thì cây nến phá vỡ đã đảm bảo được là một tín hiệu phá vỡ rõ ràng, nhưng đây lại là cây nến quá lớn và cũng trong hoàn cảnh là đáy giữa hai đỉnh quá thấp nên thành ra cây nến phá vỡ này cũng đã giảm xuống mức giá thấp.

Cho nên trong tình huống này chúng ta nên xem xét không giao dịch với cây nến phá vỡ quá lớn này dù cho đó là một sự phá vỡ rõ ràng.

Giao dịch với cú hồi về đường Neckline

Cách giao dịch thứ hai này cũng là cách chung mà chúng ta thường dùng để giao dịch với sự phá vỡ các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự.

Như chúng ta đã biết thì rất nhiều trường hợp sau khi giá phá vỡ ngưỡng hỗ trợ và kháng cự thì nó sẽ quay lại test ngưỡng hỗ trợ kháng cự đó rồi mới đảo chiều đi theo hướng chính.

Trong trường hợp mô hình hai đỉnh này thì đường cổ neckline đóng vai trò là ngưỡng hỗ trợ và khi nó bị phá vỡ để xác nhận sự hình thành mô hình hai đỉnh thì nó trở thành ngưỡng kháng cự tiềm năng để sau đó giá hồi về test lại.

Tận dụng đặc điểm đó cho nên chúng ta sẽ tìm kiếm cơ hội giao dịch khi giá quay về test lại ngưỡng giá này. Đây là cách giao dịch theo phong cách Price Action mà chúng ta theo đuổi và khả năng thành công cao hơn mà còn đảm bảo an toàn, có mức dừng lỗ khoa học.

Sau đây là một ví dụ về cách giao dịch này:

giao dịch với mô hình hai đỉnh

Với ví dụ trên thì sau khi giá giảm sâu xuống dưới đường cổ thì đã quay về test lại đồng thời xuất hiện một mô hình giá rất đẹp đó là giảm dần tăng, cùng với đó thì cây nến tín hiệu giảm cũng rất chuẩn chỉnh.

Chúng ta đặt một lệnh chờ bán ở dưới cây nến tín hiệu, nhưng trong trường hợp này bóng nến dưới của cây nến rất nhỏ cho nên chúng ta có thể vào một lệnh trực tiếp sau khi cây nến đóng cửa.

Điểm dừng lỗ chúng ta đặt ở trên cây nến tín hiệu này, như thế là chúng ta có được một lệnh giao dịch với khoảng dừng lỗ rất đẹp và có mọi ưu điểm hơn so với cách giao dịch đầu tiên.

Sau đó chúng ta cũng thấy là đã thành công và có lợi nhuận với lệnh Sell này.

Lời kết

Trên đây Học Price Action đã trình bày chi tiết cho các bạn về mô hình 2 đỉnh là gì cũng như cấu tạo chuẩn giúp mô hình Double Top này có hiệu quả.

Bên cạnh đó chúng ta cũng nắm được 2 cách giao dịch với mô hình hai đỉnh, hy vọng là các bạn đã có được những kiến thức bổ ích và thêm một công cụ giao dịch hiệu quả với thị trường tài chính nói chung và Forex nói riêng.