Ở bài học trước thì chúng ta đã học một số khái niệm liên quan đến giao dịch ký quỹ và các vấn đề có liên quan. Trong bài học này chúng ta sẽ tìm hiểu một vấn đề nữa liên quan đến Margin đó là Margin Call là gì hay còn gọi là Gọi Margin.
Ngưỡng Margin call là gì?
Khi chúng ta bắt đầu mở một lệnh giao dịch hay còn gọi là một vị thế giao dịch nào đó thì có nghĩa là chúng ta cần phải có một số tiền trích ra từ số dư trong tài khoản để có thể giao dịch và đặt lệnh.
Mà khi đã mở lệnh thì nó sẽ bắt đầu hiển thị số tiền lời hoặc lỗ. Và giả sử nếu trường hợp thị trường không đi theo như ý bạn muốn mà ngược lại thì bạn sẽ phải chịu một khoản lỗ.
Và chắc chắn số dư tài khoản của bạn là hữu hạn chứ không phải là cái túi không đáy. Khi mà một lệnh hay một nhóm lệnh bị âm thì kéo theo là số dư thực tế sẽ không còn như số dư ban đầu nữa.
Và đến một mức nào đó số dư trong tài khoản không thể gồng gánh được khoản lỗ thì các vị thế hay các lệnh sẽ lần lượt bị đóng để đảm bảo được số tiền ký quỹ, cái này gọi là Stop Out Level mà chúng ta sẽ tìm hiểu ở bài học sau.
Ngưỡng mà sàn giao dịch cảnh báo bạn về tình trạng lỗ trong tài khoản đó chính là ngưỡng Margin call hay ngưỡng gọi ký quỹ.
Như vậy có thể nói ngưỡng Margin call là ngưỡng mà khi số dư thực giảm đến ngưỡng này thì chúng ta cần phải nạp thêm số dư cho tài khoản còn nếu không thì có thể một số vị thế sẽ lần lượt bị đóng lại để có thể đủ điều kiện duy trì những lệnh khác.
Ngưỡng Margin Call là bao nhiêu?
Sẽ không có một ngưỡng margin call nào cụ thể cả mà nó dựa vào số tiền mà bạn đã sử dụng để ký quỹ, tức là Margin.
Khi mà số Equity giảm xuống bằng hoặc thấp hơn số tiền Margin thì có nghĩa là tài khoản đã chạm ngưỡng Margin Call và khi đó thì bạn sẽ nhận được cảnh báo từ sàn giao dịch để có cách giải quyết sao cho đảm bảo cho số tiền đã ký quỹ là thấp hơn số Equity.
Như vậy đồng nghĩa với việc đó là khi Margin Level bằng 100% đó chính là ngưỡng Margin Call bởi vì như bài học trước chúng ta đã biết cách tính Margin Level như sau:
Margin Level = Equity / Margin x 100%
Nếu chưa rõ các con số và khái niệm thì bạn có thể đọc lại bài học trước: Margin là gì? Balance là gì? Equity là gì? Free margin và Margin level là gì?
Chuyện gì diễn ra khi chạm Margin Call level?
Ngày xưa khi mà công nghệ internet chưa phát triển hiện đại như ngày nay thì khi tài khoản chuẩn bị đến ngưỡng Margin call thì bạn có thể nhận được cuộc gọi đến từ các nhân viên sàn giao dịch, thường ở đây là sàn giao dịch chứng khoán.
Còn với ngày nay, nhờ có nhiều công cụ truyền thông tin như là ứng dụng hoặc Email nên bạn sẽ nhận được thông báo cảnh báo qua những công cụ đó, điển hình nhất là Email.
Sau khi thông báo mà bạn không kịp thời nạp tiền vào để tiếp tục có số dư ký quỹ thì bạn có thể sẽ bị đóng lại các lệnh giao dịch.
Phân biệt Margin Call và Margin Call Level
Thực ra nhiều người còn đang nhầm lẫn giữa hai khái niệm này. Chúng ta cần hiểu Margin Call giống như là một dạng thông báo đến cho người giao dịch nhanh chóng nạp thêm tiền vào ký quỹ nhằm đảm bảo cho các vị thế đang mở được tồn tại và duy trì như mong muốn của bạn trước khi các lệnh đó có thể bị đóng bởi sàn giao dịch.
Trong khi Margin Call Level là ngưỡng mà các chế tài của Margin call sẽ được thực hiện, tức là chỉ khi người chủ tài khoản không nạp thêm tiền mà chạm ngưỡng giới hạn đó thì các tác vụ của Margin call sẽ diễn ra.
Cụ thể thì Margin Call Level là một ngưỡng cụ thể còn Margin Call sẽ là các hành động cụ thể của sàn cũng như là bạn cần thực hiện theo yêu cầu.
Cái này để phân biệt rõ ràng các khái niệm còn thực chất thì bình thường chúng ta nói đơn giản là Margin Call thì tất cả đều hiểu vấn đề rồi.
Ví dụ thực tế về Margin Call
Ở sàn IC Market sẽ có Margin Call Level là 100%
Giả sử số dư tài khoản của bạn ban đầu trước khi mở các lệnh giao dịch là 1000$. Bạn mở một lệnh Sell cặp tiền EUR/USD với khối lượng là 0.1 Lot, tức là số tiền bạn cần phải có để thực hiện lệnh giao dịch này là 10.000 USD.
Rõ ràng bạn không thể mua với số dư tài khoản hiện có và cần phải sử dụng đòn bẩy, ở đây ví dụ đòn bẩy là 100:1, khi đó bạn cần có số tiền ký quỹ là 10.000 / 100 = 100$
Vậy Margin = 100$
Biểu đồ dưới đây sẽ thể hiện một cách trực quan về trạng thái tài khoản của bạn khi vào lệnh trên:
Ở hình trên chúng ta thấy các thông số cụ thể của tài khoản hiện có là như sau:
- Used Margin: Tức là margin sử dụng khi vào lệnh là 100$.
- Free Margin: Tức là margin chưa sử dụng là 900$
- Equity: Tức là số dư thực hiện có là 1000$ vi lúc này lệnh mới được đặt nên chưa có lãi lỗ được thể hiện
- Balance: Là số dư ban đầu của tài khoản trước khi vào lệnh
- Số lãi/lỗ: Chưa có vì lúc này mới đặt lệnh nên giá chưa biến động
Nhưng thật không may là sau khi bạn bán cặp tiền này thì nó lại tăng mạnh liên tục và khiến cho bạn bị âm nặng, bạn vẫn tiếc nuối mà không chịu cắt lỗ giao dịch này với hy vọng nó sẽ sớm quay đầu giảm đi xuống.
Nhưng kết quả diễn biến thực tế lại càng tồi tệ cho bạn
Lúc này thì số lỗ của lệnh đã chạm đến 900$ và số dư Equity cũng giảm xuống còn 100$. Như vậy là số Equity bằng 100% so với số tiền ký quỹ. Đồng nghĩa là bạn đã chạm đến ngưỡng Margin Call.
Thường khi gần đến ngưỡng này thì bạn sẽ nhận được cảnh báo từ sàn giao dịch, chẳng hạn như đến ngưỡng 90% thì sàn sẽ thông báo để chúng ta biết và nếu muốn giữ lệnh thì cần tiếp tục nạp thêm số dư cho tài khoản của mình.
Khi này nếu như giá có thể quay đầu giảm theo như ý của bạn muốn thì là rất tốt, khi đó bạn sẽ không cần phải làm hành động gì nữa và tài khoản cũng không bị chạm ngưỡng Margin Call level. Tức là Equity sẽ trở lại lớn hơn so với Used Margin.
Còn nếu không thì những gì có thể làm ở bạn đó là:
- Bạn cần nạp thêm tiền để gia tăng Equity nhằm duy trì tiếp tục lệnh đang được mở.
- Đóng lệnh giao dịch của bạn
Lời kết Margin call là gì
Trên đây là những chia sẻ chi tiết của Học Price Action về Margin call là gì cũng như cách tính toán cụ thể ngưỡng Margin call khi bạn bước vào giao dịch thực tế.
Tốt nhất là trong giao dịch đừng bao giờ để gặp phải tình huống Margin call vì khi nó xảy đến thì gần như bạn rất khó xoay chuyển tình thế và cũng có thể coi là bị cháy tài khoản.
Khi giao dịch ta luôn nên có mức cắt lỗ phù hợp mà phương pháp Price Action sẽ cho ta những mức cắt lỗ theo nến rất hợp lý để bảo toàn số vốn của mình.