Khi nghiên cứu về phân tích kỹ thuật thì các bạn không thể bỏ qua được lý thuyết Dow bởi vì có thể bình thường chúng ta không ap dụng trực tiếp những gì từ lý thuyết Dow nhưng nó lại là nền tảng để xây dựng hệ thống phân tích kỹ thuật rất đa dạng trong ngày hôm nay. Trong bài viết hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu về lý thuyết Dow là gì và các nguyên lý trong Dow theory.
Lý thuyết Dow là gì?
Lý thuyết Dow là một học thuyết về tài chính và kinh tế vĩ mô chứ nó không đơn thuần là một lý thuyết hướng dẫn chúng ta cách giao dịch.
Lý thuyết Dow được phát triển bởi nhà kinh tế học Charles Henry Dow và lý thuyết Dow cũng được đặt tên theo tên của ông.
Charles Henry Dow cũng là người cùng với Edward Jones và Charles Bergstresser sáng lập lên Dow Jones & Company, Inc và tạo ra chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones và năm 1986.
Có thể nói là Charles Dow là người góp công vô cùng lớn cho nền tài chính Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.
Lý thuyết Dow được hình thành thông qua hệ thống lại nhiều bài luận của Charles Henry Dow trên tờ nhật báo Phố Wall về các tin tức kinh tế và thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, lý thuyết Dow hoàn thiện ngày hôm nay không phải đến từ Charles Dow bởi vì năm 1902 thì Charles Dow mất và khi đó lý thuyết Dow vẫn còn dang dở gây nhiều tiếc nuối cho giới đầu tư và những người đam mê tài chính.
Sau đó, một trong những người theo dõi và nghiên cứu rất sâu những bài luận của Charles Dow đó là William P. Hamilton đã kế thừa nền tảng lý luận sẵn có để hoàn thiện và cho ra đời lý thuyết Dow hoàn thiện hơn.
Cụ thể William P. Hamilton đã công bố nghiên cứu của mình về lý thuyết Dow thông qua cuốn sách “The Stock Market Barometer” xuất bản vào năm 1922.
Sau này còn có một số tác phẩn điển hình về lý thuyết Dow nữa và trong đó phải kể đến:
- Robert Rhea với cuốn sách “The Dow Theory” xuất bản vào năm 1932.
- E. George Schaefer với cuốn sách “How I Helped More Than 10,000 Investors To Profit In Stocks” xuất bản vào năm 1960.
- Richard Russell với cuốn sách “The Dow Theory Today” xuất bản vào năm 1961.
Về cơ bản thì Dow cho rằng tổng thể thị trường chứng khoán có thể phản ánh được bộ mặt của nền kinh tế đất nước, và dựa trên sự đánh giá tổng thể thị trường người ta cũng có thể phần nào dự đoán được xu hướng thị trường sắp tới của các cổ phiếu riêng lẻ.
Đó là lý do mà ông tạo ra chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones, tại sao lại là chỉ số công nghiệp mà không phải là nông nghiệp hay dịch vụ? Vì giai đoạn đó toàn thế giới đang trong giai đoạn phát triển công nghiệp bùng nổ và các ngành công nghiệp đống vai trò chủ đạo đối với nền kinh tế.
6 nguyên lý cơ bản của lý thuyết Dow (Dow theory)
Lý thuyết Dow khi nghiên cứu sâu thì sẽ có rất nhiều vấn đề được trình bày nhưng về cơ bản với những người giao dịch tài chính như chúng ta chỉ cần quan tâm đến các nguyên lý cơ bản của lý thuyết Dow. Cụ thể có 6 nguyên lý cơ bản như sau:
1. Thị trường là câu trả lời cho tất cả
Tất cả mọi thứ như tin tức, các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội, tâm lý đám đông, cả những câu phát biểu, các dự báo… nó diễn ra như nào thì trên biểu đồ giá phản ánh tất cả, cụ thể đó là thị trường chứng khoán.
Có những thứ rất khó hiểu chẳng hạn như đôi khi thông tin tốt nhưng đám đông lại đi ngược lại so với quy luật vốn có, và đó là vấn đề về tâm lý đám đông, kết quả được thể hiện ở trên biểu đồ giá.
Việc nghiên cứu những thông tin, tin tức nhỏ lẻ sẽ không bao giờ có thể dự đoán đúng được kết quả và diễn biến của thị trường trong tương lai.
Chính vì điều đó mà phân tích kỹ thuật dựa trên những gì mà biểu đồ giá đã diễn ra lại là một cách nắm bắt thị trường tốt nhất mặc dù chúng ta không biết quá nhiều thông tin.
2. Thị trường phân chia làm 3 cấp độ
Nguyên lý thứ hai này nói về tổng quan xu hướng và cách thức hoạt động của một thị trường. Thông thường nó sẽ được chia thành 3 cấp độ cụ thể như sau:
- Cấp độ 1: Đó chính là những xu hướng thị trường chính và nó được tính là xu hướng kéo dài theo năm.
- Cấp độ 2: Chính là những con sóng thứ cấp, là những con sóng không theo xu hướng chính của cấp độ 1 mà là những con sóng ngược lại hay chúng ta gọi là sóng điều chỉnh. Thời gian tồn tại của những con sóng này được tính bằng vài tuần cho đến khoảng 3 tháng
- Cấp độ 3: Ở cấp độ này là những con sóng rất nhỏ và được gọi là sóng nhiễu. Thời gian diễn ra những con sóng này thường là vài ngày cho đến dưới 3 tuần.
3. Ba giai đoạn của một xu hướng chính
Nguyên lý thứ ba này chia sẻ về quá trình diễn biến của một xu hướng chính sẽ như thế nào và nó giống như một cuộc chạy nước rút 100m vậy. Cụ thể nó sẽ có 3 giai đoạn chính như sau:
- Giai đoạn tích luỹ.
- Giai đoạn tăng tốc hoặc bùng nổ.
- Giai đoạn thoái trào.
Giai đoạn tích luỹ là giai đoạn mà xu hướng mới hình thành và giá cũng chưa có sự biến động lớn, giống như khi chúng ta xuất phát thì tốc độ chưa nhanh và chúng ta đang nỗ lực để đạt được vận tốc tối đa.
Giai đoạn tăng tốc chính là quãng giữa đường và sau khi đã trải qua giai đoạn tích luỹ thì giá bắt đầu có những sự biến động mạnh hơn, tăng hoặc giảm một cách dứt khoát. Giống như chạy 100m thì quãng đường giữa cũng chính là quãng đường mà chúng ta đạt vận tốc tối đa.
Giai đoạn thoái trào là thời kỳ mà giá bắt đầu chững lại và có sự biến động ít hơn, lúc này bên cạnh những con sóng lớn thì có nhiều thời điểm diễn ra vùng giá Sideway, giá không còn nhiều sự tăng giảm đột biến như trước nữa. Giống như chạy 100m thì khi gần về đích cũng là lúc chân đã mỏi và sức đã cạn nên vận tốc sẽ bị giảm xuống.
4. Các chỉ số phải xác nhận lẫn nhau
Nguyên lý này ý nói rằng khi chúng ta xác định một xu hướng có đảo chiều hay chưa thì cần có sự xác nhận cũng như là đồng nhất về tín hiệu của các chỉ số trung bình với nhau.
Chẳng hạn như chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones xác nhận một xu hướng tăng nhưng các chỉ số khác vẫn còn trong một xu hướng giảm thì điều đó chứng tỏ chưa chắc chắn về một sự đảo chiều xu hướng.
Chẳng hạn Charles Dow thường sử dụng hai chỉ số là:
- Dow Jones Industrial Average (DJIA): Chỉ số công nghiệp
- Dow Jones Transportation Average (DJTA): Chỉ số vận tải
Trong khi chỉ số công nghiệp thì có xu hướng tăng nhưng chỉ số ngành vận tải lại đang chịu những ảnh hưởng tiêu cực như là vấn đề năng lượng, vấn đề địa chỉnh trị…. thì chắc chắn chỉ số công nghiệp cũng không thể duy trì bền vũng được và từ đó suy rộng ra là xu hướng phát triển của nền kinh tế cũng là chưa rõ ràng.
Chỉ khi nào các chỉ số này có sự đồng bộ và nhất quán với nhau thì chúng ta mới có cơ sở vững chắc hơn về một xu hướng thị trường và nền kinh tế.
5. Khối lượng giao dịch phải phù hợp với xu hướng
Về tổng quan thì khối lượng giao dịch phải có sự nhất quán với xu hướng thị trường. Cụ thể đó là:
- Khối lượng giao dịch sẽ tăng khi giá đi theo xu hướng chính
- Khối lượng giao dịch giảm khi giá đi ngược lại với xu hướng chính.
Nhưng nếu như khối lượng giao dịch không nhất quán với xu hướng thị trường thì sao? Khi đó:
- Khối lượng theo xu hướng chính mà suy giảm thì có nghĩa là xu hướng đã bị suy yếu.
- Khối lượng mà tăng lên trong một nhịp sóng điều chỉnh thì đó có thể là dấu hiệu bắt đầu hình thành một xu hướng mới.
6. Xu hướng vẫn tiếp tục cho đến khi có sự đảo chiều rõ ràng
Nhiều khi chúng ta hay có sự nhầm lẫn giữa sự đảo chiều của con sóng điều chỉnh với sự đảo chiều xu hướng thật sự. Tuy nhiên để nhận biết được đâu là sự đảo chiều thật sự thì không phải là điều dễ dàng.
Mà nếu như để mọi thứ cho đến khi rõ ràng quá rồi thì cơ hội giao dịch cũng đã trôi qua, cho nên việc dự đoán xu hướng luôn là việc gắn liền với giao dịch, còn nếu xu hướng đã quá rõ ràng thì nó lại không còn là cơ hội giao dịch tốt nữa.
Trong phần hướng dẫn xác định xu hướng thị trường sử dụng các điểm chốt cũng là một trong những phương pháp hữu ích để bạn có thể nhận định sớm được khả năng đảo chiều xu hướng thị trường. Các bạn hãy nghiên cứu thêm tại đây.
Những mặt hạn chế của lý thuyết Dow
Lý thuyết Dow là một trong những học thuyết quan trọng ảnh hưởng đến phân tích kỹ thuật của chúng ta ngày nay nhưng không có nghĩa nó không có những mặt hạn chế.
Chúng ta cũng nên hiểu rằng không có gì là hoàn hảo cả và ở đây những hạn chế như là một điều tất yếu mà không phải là những người xây dựng lên học thuyết này không biết mà nó tồn tại như một quy luật vốn có của nó.
Chúng ta nhìn vào những mặt hạn chế để từ đó có thể vận dụng nó một cách linh hoạt và chính xác hơn.
Không phù hợp với người giao dịch và đầu cơ ngắn hạn
Thực tế trong bài viết này chúng ta chỉ mang tính tham khảo về lý thuyết Dow chứ nó không hẳn là giúp ích chúng ta nhiều trong công việc giao dịch.
Giả sử như với nguyên lý 3 cấp độ của xu hướng thị trường thì khi giao dịch ngắn hạn giống như lướt sóng Scalping hoặc là Day trading thì cấp độ thị trường mà chúng ta quan tâm là cấp độ thứ 3 tức là những sóng được coi là nhiễu nhưng lại phù hợp với phong cách giao dịch đó hơn là những con sóng lớn ở cấp độ 1 hay cấp độ 2.
Hay là việc xác định xu hướng thị trường dựa vào khối lượng giao dịch đương nhiên là rất hợp lý nhưng việc áp dụng vào trong giao dịch là tương đối khó vì nó không có sự nhất quán rõ ràng để chúng ta có thể nhận định được tương quan giữa biểu đồ giá và khối lượng giao dịch.
Việc xác định xu hướng thị trường là khá mơ hồ
Việc xác định xu hướng thị trường là vấn đề rất quan trọng để tiến hành đầu tư và giao dịch tài chính, với lý thuyết Dow thì việc xác định xu hướng thị trường phải có sự xác nhận đảo chiều rõ ràng thì quả là rất khó trong thực tiễn.
Trong một số bài viết thì Học Price Action đã phân tách sự xác định xu hướng ra thành xu hướng giao dịch và xu hướng thị trường là hai thứ mà có thể giống nhau nhưng cũng có thể khác nhau.
Xu hướng giao dịch chính là xu hướng phù hợp để chúng ta giao dịch với một lệnh mà nó cho chúng ta một mức lợi nhuận kỳ vọng nào đó, còn xu hướng thị trường thì lại là một khái niệm rất rộng, nó có thể có nhiều xu hướng ở cấp độ năm, tháng hay tuần….
Mặc dù trong khi phân tích bình thường chúng ta vẫn nói là xác định xu hướng để giao dịch thuận xu hướng nhưng đúng hơn có lẽ phải nói là xu hướng giao dịch và vào lệnh thuận theo xu hướng giao dịch. Những điều này có lẽ chỉ có ở Học Price Action chia sẻ đến các bạn mà thôi.
Lời kết
Trên đây là bài chia sẻ về lý thuyết Dow mà Học Price Action muốn gửi đến bạn đọc, đây là lý thuyết đặt nền móng cho sự phát triển của trường phái phân tích kỹ thuật ngày nay.
Thêm vào đó chúng ta cũng được biết đến về 6 nguyên lý nền tảng của lý thuyết Dow từ đó phần nào hình thành được tư duy trong phân tích và giao dịch tài chính.