Kiến thức

Indicator là gì? Tìm hiểu Leading Indicator và Lagging Indicator

indicator là gì? Tín hiệu chỉ báo chậm lagging indicator

Bất kỳ ai đã đến với thị trường tài chính thì chắc chắn là phải biết đến Indicator hay tiếng Việt gọi là chỉ báo kỹ thuật. Vậy nếu ai là người mới thì biết đến thị trường tài chính nói chung và thị trường Forex nói riêng thì bài này chúng ta sẽ cùng giải đáp Indicator là gì? Có các loại Indicator nào và những chỉ báo quan trọng mà chúng ta nên ứng dụng trong giao dịch.

Indicator là gì?

Indicator hay chỉ báo kỹ thuật là những công cụ được số hoá bởi những công thức tính toán nhất định với nguyên liệu là các dữ kiện về giá trong quá khứ để qua đó chúng ta có cơ sở đến nhận định về giá trong tương lai.

Vì trong tài chính thì giá trong quá khứ sẽ có xu hướng lặp lại trong tương lai, đó là lý do vì sao chúng ta có các mô hình nến và mô hình giá vì nó luôn luôn lặp đi lặp lại.

Chỉ báo kỹ thuật tính toán dựa vào các dữ kiện quá khứ sẽ cho chúng ta những tín hiệu để qua đó nhận định và dự đoán được hướng đi của giá trong thời gian sắp tới.

Ngoài ra thì Indicator không chỉ có vậy, nó còn có thể cho các tín hiệu khá chính xác để chúng ta có thể vào lệnh giao dịch.

Có bao nhiêu chỉ báo Indicator?

Có thể nói là có vô số các loại Indicator khác nhau, ngoài hàng chục các Indicator có sẵn mặc định trong phần mềm MT4, MT5 hay các nến tảng giao dịch khác thì chúng ta còn có rất nhiều những Indicator mà người khác sáng tạo ra, chúng ta có thể tải về và cài đặt vào phần mềm giao dịch của mình.

Phân nhóm các indicator

Về cơ bản thì các Indicator có thể chia làm 2 nhóm đó là:

  • Leading indicator: Là nhóm các chỉ báo nhanh
  • Lagging indicator: Là nhóm các chỉ báo chậm

Sau đây chúng ta sẽ đi vào đặc điểm cụ thể của từng nhóm chỉ báo.

Leading indicator (Chỉ báo nhanh)

Chỉ báo nhanh như cái tên gọi của nó thì có nghĩa là chỉ báo này sẽ cho ra những dự đoán đi trước hành động giá, giống như nhà tiên tri vậy, nhưng ở đây chủ yếu là nó dựa trên những gì mà lịch sử thường xuyên xảy ra.

Một số chỉ báo nhanh quen thuộc như là công cụ Fibonacci, ngưỡng Pivot Point, hay những chỉ báo cho tín hiệu quá mua, quá bán và phân kỳ hội tụ như là RSI, Stochastic….

Dưới đây là hình ảnh mô phỏng về tín hiệu chỉ báo nhanh so với biểu đồ giá:

chỉ báo nhanh leading indicator là gì?

Thông thường thì các công cụ chỉ báo nhanh Leading Indicator sẽ hoạt động rất hiệu quả trong thị trường có xu hướng rõ ràng, các tín hiệu cho ra bởi các chỉ báo nhanh sẽ càng chính xác khi ta giao dịch thuận theo xu hướng thị trường hiện tại.

Ưu điểm của chỉ báo nhanh: Vì nó cho tín hiệu sớm cho nên chúng ta có thể vào lệnh sớm để đón đầu xu hướng thị trường và từ đó có thể mang lại nhiều lợi nhuận hơn.

Nhược điểm của chỉ báo nhanh: Chính từ ưu điểm trên nó lại kéo theo một nhược điểm đó là các tín hiệu chỉ báo sớm thường là tín hiệu giả, có tỷ lệ chính xác thấp hơn so với các tín hiệu của chỉ báo trễ.

Lagging indicator (Chỉ báo chậm)

Ngược lại với chỉ báo nhanh thì chúng ta có chỉ báo chậm hay còn gọi là Lagging Indicator, đây là các chỉ báo cho chúng ta tín hiệu trễ hơn so với hướng đi của giá, chẳng hạn như giá tăng được một thời gian rồi thì chỉ báo mới cho tín hiệu.

Có lẽ chúng ta thắc mắc rằng nếu cho tín hiệu chậm như thế thì sử dụng nó có ý nghĩa gì chứ? Thông thường các chỉ báo chậm này không đơn thuần chỉ là cho tín hiệu vào lệnh mà nó còn đóng nhiều vai trò khác như là ngưỡng hỗ trợ, kháng cự hoặc là các tín hiệu giao cắt….

Những chỉ báo chậm quen thuộc mà chúng ta hay sử dụng như là đường trung bình Moving Average, Bollinger Band, Parabolic SAR, MACD

Dưới đây là hình ảnh mô phỏng về tín hiệu của chỉ báo chậm so với biểu đồ giá:

indicator là gì? Tín hiệu chỉ báo chậm lagging indicator

Ưu điểm của chỉ báo chậm: Với các tín hiệu của chỉ báo chậm thì chắc chắn là có độ chính xác cao và đáng tin cậy hơn so với các tín hiệu từ chỉ báo nhanh.

Nhược điểm của chỉ báo chậm: Cũng chính từ ưu điểm trên thì nó kéo theo nhược điểm đó là chỉ báo chậm làm chúng ta lỡ mất cơ hội vào lệnh sớm, đôi khi xuất hiện tín hiệu của chỉ báo chậm về sự tăng giá thì biểu đồ giá lại bắt đầu giảm giá sau quá trình đã tăng giá trước đó.

Các chỉ báo quen thuộc thường được sử dụng

Sau đây thì Học Price Action xin chia sẻ về một số công cụ chỉ báo thường được sử dụng nhất trong phân tích kỹ thuật cũng như là các hệ thống giao dịch.

Với phương pháp giao dịch theo Price Action thì ngoài sử dụng thuần là phân tích nến thì chúng ta cũng nên kết hợp với một hoặc nhiều tín hiệu chỉ báo nào đó mà chúng ta yêu thích để gia tăng độ tin cậy cho tín hiệu giao dịch đó.

Chúng ta thấy trong phần mềm MT4 và MT5 có phân chia các chỉ báo thành những nhóm riêng biệt như là Trend (xu hướng), Oscillator (Dao động), Volumes (Khối lượng) và nhóm chỉ báo Bill Williams nhưng nhóm chỉ báo này chúng ta ít sử dụng đến.

Ngoài việc phân ra chỉ báo nhanh và chỉ báo chậm như ở trên thì Học Price Action sẽ phân chia các chỉ báo thành 4 nhóm theo công năng của nó đó là:

  • Nhóm chỉ báo xu hướng (Trend)
  • Nhóm chỉ báo dao động (Oscillator)
  • Nhóm chỉ báo khối lượng (Volumes)
  • Nhóm chỉ báo động lượng (Momentum)

Sau đây chúng ta sẽ đi đến các chỉ báo cụ thể cho từng nhóm này nhé.

Nhóm chỉ báo xu hướng (Trend)

Đối với các chỉ báo xu hướng thì chúng ta sẽ có các Indicator chính như sau:

Chỉ báo đường trung bình – Moving Average – MA

Đây là một chỉ báo cơ bản nhất và hầu hết mọi người ai cũng sử dụng, công cụ đường trung bình này cũng chính là cơ sở để hình thành lên rất nhiều các chỉ báo khác.

Sau đây là hình ảnh ví dụ về chỉ báo đường trung bình Moving Average:

chỉ báo moving average

Đường trung bình sẽ chủ yếu có các công dụng như sau:

  • Dự đoán xu hướng dựa vào độ dốc của đường MA, nếu như nó đi ngang và giá cắt lên xuống đường MA một cách liên tục thì có nghĩa là thị trường trong trạng thái Sideway, nếu như đường trung bình dốc lên và giá ở trên đường MA thì có nghĩa là thị trường trong xu hướng tăng, nếu như MA dốc xuống và giá ở dưới đường MA thì có nghĩa là xu hướng thị trường giảm.
  • Đường trung bình MA còn sử dụng để làm ngưỡng hỗ trợ và kháng cự động, đặc biệt là trong một thị trường có xu hướng thì các con sóng hồi thường là về chạm vào đường MA và sau đó quay về xu hướng chính.
  • TÍn hiệu giao cắt của các đường MA với nhau cũng là một trong những thông tin giá trị để có thể đánh giá xu hướng, người ta thường dùng các đường MA với chu kỳ ngắn hạn và dài hạn để làm tín hiệu giao cắt.

Đường trung bình Moving Average có 3 dạng chính mà chúng ta thường sử dụng đó là:

  • SMA (Simple Moving Average): Đường trung bình đơn giản
  • EMA (Exponential Moving Average): Đường trung bình hàm mũ
  • WMA (Weighted Moving Average): Đường trung bình trọng số

Trong đó thì 2 dạng đường trung bình SMA và EMA là được sử dụng phổ biến nhất.

Xem thêm: Moving Average là gì? Tìm hiểu về đường trung bình động

Chỉ báo ADX (average directional movement index)

Chỉ báo ADX là một trong những chỉ báo cho ta nhiều loại tín hiệu nhất. Về cơ bản thì chỉ báo ADX có thể giúp bạn đo lường sức mạnh của một xu hướng thị trường.

Công cụ chỉ báo ADX sẽ có 2 thành phần chính đó là:

  • Đường ADX là đường thể hiện sức mạnh của xu hướng, nó dao động từ mức 0 cho đến 100 và khi ở mức càng cao thì có nghĩa là xu hướng thị trường càng mạnh. Thông thường thì hiếm khi ADX đến ngưỡng cao gần 100 mà chúng ta sử dụng ngưỡng 25 để đánh giá độ mạnh của xu hướng, nếu trên 25 thì có nghĩa là thị trường có xu hướng còn dưới 25 thì thị trường đi ngang.
  • Đường +DI và đường -DI: Đây là hai đường đại diện cho xu hướng nào chiếm ưu thế, trong đó nếu đường +DI ở trên thì là xu hướng thị trường đang tăng, còn lại nếu đường -DI cắt lên trên đường +DI thì có nghĩa là xu hướng thị trường giảm.

Sau đây là hình ảnh ví dụ về chỉ báo ADX

chỉ báo ADX

Chú thích về chỉ báo:

  • Đường màu xanh dương là đường ADX
  • Đương màu xanh là đường +DI
  • Đường màu đỏ là đường -DI

Xem thêm: Chỉ báo ADX là gì? Tìm hiểu về Average Directional Index

Chỉ báo Parabolic SAR

Parabolic SAR là một chỉ báo trễ mà Học Price Action rất yêu thích và sẽ có những chiến thuật hay về chỉ báo này các bạn hãy theo dõi nhé.

Chỉ báo Parabolic SAR là một chỉ báo rất đặc biệt và cũng khá đơn giản khi nó chỉ có các chấm màu ở trên hoặc dưới những cây nến trong biểu đồ giá.

Chấm Parabolic SAR khi ở trên cây nến thì có nghĩa là nó đang biểu thị xu hướng thị trường giảm còn nếu chấm Parabolic SAR ở dưới biểu đồ nến thì tức là thị trường đang trong xu hướng tăng.

Các bạn nhớ là nó sẽ hơi ngược nhé, nhiều bạn hay nhầm rằng chấm ở trên là xu hướng tăng, chấm ở dưới là xu hướng giảm, như vậy là sai nhé.

Dưới đây là hình ảnh ví dụ về chỉ báo Parabolic SAR trong thực tế:

chỉ báo parabolic SAR

Xem thêm: Parabolic SAR là gì? cách sử dụng chỉ báo Parabolic SAR

Chỉ báo Ichimoku Kinko Hyo

Ichimoku hay còn gọi cái tên đầy đủ là Ichimoku Kinko Hyo, theo tiếng Việt chúng ta hay gọi là dải mây Ichimoku.

Đây là một chỉ báo có thể nói là rối mắt nhất trong các chỉ báo. Tuy nhiên không vì thế mà nó vô ích, thậm chí ngược lại nó cho ta rất nhiều thông tin để hỗ trợ cho việc phân tích kỹ thuật và vào lệnh.

Sau đây là hình ảnh thực tế về chỉ báo Ichimoku:

Chỉ báo Ichimoku

Các công dụng chính của chỉ báo Ichimoku như sau:

  • Chỉ báo Ichimoku có rất nhiều ngưỡng hỗ trợ và kháng cự tiềm năng khác nhau được tạo ra bởi các thành phần cấu tạo của chỉ báo này.
  • Xác định được xu hướng thị trường nhờ biểu đồ giá cắt lên hoặc xuống dải mây Ichimoku. Nếu giá trở trên dải mây thì có nghĩa là xu hướng tăng, nếu cắt xuống dưới dải mây thì là xu hướng thị trường giảm.
  • Chỉ báo Ichimoku có sự kết hợp toàn diện của cả tín hiệu trễ và tín hiệu sớm.

Xem thêm: Ichimoku là gì? Tìm hiểu về chỉ báo Ichimoku Kinko Hyo

Nhóm các chỉ báo dao động (Oscillator)

Các chỉ báo dao động là vô cùng hữu ích trong việc phân tích kỹ thuật và có mặt trong rất nhiều các hệ thống chiến thuật giao dịch. Sẽ ít gặp những chiến thuật giao dịch nào lại không có mặt của một chỉ báo dao động.

Sau đây là những chỉ báo dao động phổ biến nhất mà chúng ta thường sử dụng:

Chỉ báo MACD

MACD là viết tắt của cụm từ Moving Average Convergence/Divergence tức là đường trung bình hội tụ và phân kỳ. Chỉ báo này cũng có thể cung cấp cho chúng ta rất nhiều thông tin hữu ích phục vụ cho công việc giao dịch.

Dưới đây là hình ảnh ví dụ về chỉ báo MACD trong thực tế:

chỉ báo MACD

Giá trị mà chỉ báo MACD có thể mang lại đó là:

  • Cho tín hiệu phân kỳ và hội tụ để từ đó xác định xu hướng sắp tới có thể là tiếp diễn hoặc là đảo chiều.
  • Đo lường sức mạnh của thị trường thông qua độ dày của dải băng MACD, nếu như các thanh MACD càng cao thì có nghĩa là thị trường biến động càng mạnh, còn nếu như thanh MACD mà  ngắn và gần với đường chính giữa thì thị trường gần như đi ngang.
  • Sự giao cắt của đường tín hiệu với dải MACD cũng là một tín hiệu cho thấy những dự báo về xu hướng thị trường.

Xem thêm: MACD là gì? Cách giao dịch cơ bản với MACD

Chỉ báo RSI (Relative Strength Index)

Chỉ báo sức mạnh tương đối RSI là chỉ báo dao động được sử dụng rất nhiều bởi các trader vì tính đơn giản nhưng hiệu quả của nó. Đặc biệt những ai thích giao dịch với tín hiệu phân kỳ và hội tụ thì RSI là một công cụ lý tưởng nhất.

Sau đây là hình ảnh ví dụ về chỉ báo RSI trong thực tế:

chỉ báo RSI

RSI có vùng giao động từ 0 cho đến 100, trong đó thường sử dụng các ngưỡng là 30 và 70 để đánh giá sự quá mua và quá bán của thị trường.

Nếu như đường RSI vào ngưỡng từ 30 trở xuống thì có nghĩa là giá đã vào khu vực quá bán hoặc có thể coi là giá đã giảm xuống thấp và chúng ta xem xét mua lên.

Nếu như RSI vào ngưỡng từ 70 trở lên thì khi đó giá đã vào vùng quá mua, tức là giá đã tăng cao và chúng ta có thể xem xét tìm kiếm cơ hội để bán xuống.

Ngoài ra có một số trường hợp chúng ta có thể sử dụng ngưỡng 50 của chỉ báo RSI để dự đoán về xu hướng của thị trường đang tăng (RSI trên ngưỡng 50) hay là đang giảm (RSI dưới ngưỡng 50).

Xem thêm: Chỉ báo RSI là gì? Tìm hiểu công cụ Relative Strength Index

Chỉ báo Stochastic Oscillator 

Chỉ báo Stochastic cũng là chỉ báo mà chúng thường sử dụng để cho tín hiệu vùng quá mua và quá bán, chỉ báo Stochastic còn có thể cho tín hiệu phân kỳ và hội tụ để chúng ta giao dịch với các vùng đảo chiều hoặc tiếp diễn.

Khác với RSI chỉ có 1 đường duy nhất thì chỉ báo Stochastic có hai đường đó là đường chính (main line) và đường tin hiệu (Signal line).

Đường chính nếu như ở trên đường tín hiệu thì là thị trường xu hướng tăng còn nếu dưới đường tín hiệu thì thị trường trong xu hướng giảm.

chỉ báo Stochastic

Theo mặc định thì chỉ báo Stochastic sẽ không sử dụng ngưỡng 30 70 để dự đoán vùng giá quá mua quá bán mà sẽ sử dụng ngưỡng 20 và 80.

Nếu như các đường Stochastic xuống vùng 20 trở xuống thì có nghĩa là thị trường trong trạng thái quá bán còn nếu như nó đi lên trên ngưỡng 80 thì thị trường trong vùng quá mua.

Ngoài ra sẽ có một số chiến thuật sử dụng tín hiệu ở ngưỡng 40 và 60 của chỉ báo để làm tín hiệu cho thị trường trong trạng thái cân bằng.

Xem thêm: Chỉ báo Stochastic là gì? Hướng dẫn sử dụng Stochastic hiệu quả

Nhóm chỉ báo về khối lượng giao dịch (Volume)

Ngoài công cụ chỉ báo Volumes để thể hiện sự tăng hoặc giảm khối lượng giao dịch giữa các phiên thì nó còn có một số chỉ báo được tính toán với các công thức phức tạp từ giá trị khối lượng đó để đưa ra những tín hiệu đa dạng hơn cho người phân tích giao dịch.

Chỉ báo MFI (Money Flow Index)

Chỉ báo MFI hay còn gọi là chỉ báo về dòng tiền. Đây là chỉ báo để đo lường về sự tương quan giữa khối lượng giao dịch với độ biến động của giá trên biểu đồ nến.

chỉ báo MFI

Chúng ta thấy là thường thì các cây nến lớn sẽ có khối lượng giao dịch lớn và nến bé sẽ có khối lượng giao dịch nhỏ nhưng không phải lúc nào cũng như vậy mà có những trường hợp cây nến có độ biến động nhỏ hơn lại có thể có khối lượng lớn hơn.

Chính vì vậy mà chỉ báo Money Flow Index phục vụ đo lường sự tương quan này.

Về cơ bản thì chỉ báo này khá giống với chỉ báo RSI nhưng với RSI thì nó chỉ có biến số là giá mà thôi.

MFI cũng có các ngưỡng 20 và 80 để đánh giá vùng quá mua và quá bán

Xem thêm: MFI là gì? Cách sử dụng chỉ báo Money Flow Index indicator

Chỉ báo OBV (On Balance Volume)

OBV là chỉ báo khối lượng cân bằng, đây cũng là chỉ báo có sự quan hệ chặt chẽ giữa giá và khối lượng giao dịch.

OBV là một chỉ báo có tính luỹ kế, khi giá tăng thì khối lượng sẽ được cộng thêm vào chỉ số OBV trước đó và giá giảm thì khối lượng sẽ được trừ đi trong chỉ số OBV trước đó.

chỉ báo OBV

Chúng ta cũng có thể sử dụng chỉ báo OBV để lấy tín hiệu phân kỳ và hội tụ để giao dịch khá là hiệu quả.

Xem thêm: OBV là gì? Cách sử dụng chỉ báo OBV (On Balance Volume)

Chỉ báo A/D (Accumulation Distribution)

Chỉ báo A/D – Accumulation Distribution có nghĩa là phân phối và tích luỹ, về cơ bản thì nó cũng như một chỉ báo dao động lên xuống theo nhịp của thị trường nhưng nó hoạt động không chỉ dựa vào giá mà còn có khối lượng giao dịch.

chỉ báo A/D

Trạng thái tích luỹ diễn ra khi giá đóng cửa của cây nến sau cao hơn giá đóng cửa của cây nến trước. Ngược lại trạng thái phân phối diễn ra khi giá đóng cửa của cây nến sau thấp hơn giá đóng cửa của cây nến trước.

A/D như một công cụ để dự báo sự luân chuyển dòng tiền trong thị trường. Chỉ báo A/D có nhiều nét tương đồng với chỉ báo OBV.

Xem thêm: Accumulation Distribution là gì? Tìm hiểu về chỉ báo A/D

Nhóm chỉ báo động lượng (Momentum)

Chỉ báo động lượng hay là chỉ báo đo lường sự biến động của thị trường sẽ có các chỉ báo quen thuộc mà chúng ta thường dùng như sau:

Chỉ báo Bollinger Band

Chỉ báo Bollinger Band được xây dựng trên cơ sở là đường SMA nhưng ngoài mục đích là dự đoán xu huóng thị trường thì nó cũng có thể đo đường độ biến động của giá nhờ hai dải biên của Bollinger Band.

Chỉ báo Bollinger Band thực chất cũng có thể xếp vào chỉ báo dự đoán về xu hướng thị trường. Khi giá ở phía dải băng trên thì có nghĩa thị trường trong xu hướng tăng còn nếu ở nửa dưới của dải băng Bollinger Band thì thị trường trong xu hướng giảm.

chỉ báo Bollinger Band

Ở khía cạnh đo lường sự biến động của giá với chỉ báo Bollinger Band thì chúng ta dựa vào độ rộng của hai dải biên.

Nếu như hai dải biên bóp hẹp lại thì có nghĩa là thị trường ít có sự biến động lớn về giá, đa phần là các cây nến nhỏ, còn khi thị trường có sự biến động như tăng giá hoặc giảm giá thì dải biên Bollinger Band sẽ giãn rộng ra.

Chỉ báo Bollinger Band cũng có rất nhiều tín hiệu giao dịch hiệu quả và để biết chi tiết hơn thì các bạn hãy đọc bài viết chia sẻ chuyên sâu về chỉ báo Bollinger Band.

Xem thêm: Bollinger Band là gì? Tìm hiểu về công cụ Dải Bollinger

Chỉ báo ATR (Average True Range)

Chỉ báo ATR là một chỉ báo chuyên về đo lường độ biến động của giá, khi mà giá tăng mạnh hoặc giảm mạnh tức là độ biến động giá cao thì chỉ báo này sẽ có hướng đi lên, còn nếu chỉ báo này đi xuống hoặc duy trì ở mức thấp có nghĩa là thị trường đi ngang và không rõ ràng xu hướng.

chỉ báo ATR

Xem thêm: Chỉ báo ATR là gì? Cách sử dụng Average True Range indicator

Lời kết

Trên đây là phần trình bày rất chi tiết của Học Price Action về Indicator là gì? phân loại các indicator và làm quen với một số chỉ báo kỹ thuật quen thuộc mà chúng ta thường sử dụng vào trong việc hỗ trợ phân tích và giao dịch.