Chiến thuật

Phân kỳ RSI và kiến thức chung về giao dịch phân kỳ

phân kỳ RSI

RSI là một chỉ báo phổ biến nhất được người ta sử dụng trong giao dịch phân kỳ RSI. Phân kỳ RSI mang lại sự đơn giản, dễ quan sát, dễ giao dịch.

Chỉ báo RSI mặc định là chu kỳ 14 được sử dụng rất tốt cho những người giao dịch dài hạn (Swing trader). Ngược lại, nếu áp dụng vào giao dịch ngắn hạn thì có vẻ không phù hợp lắm vì nó không cho được nhiều tín hiệu quá mua và quá bán trong thời gian ngắn để giao dịch.

Và đương nhiên muốn tín hiệu nhạy và xuất hiện nhiều hơn thì họ sẽ giảm chu kỳ của RSI xuống cho phù hợp với giao dịch ngắn hạn. Một nhược điểm của việc giảm chu kỳ đi là sẽ làm cho độ tin cậy của tín hiệu.

Khi giảm chu kỳ của RSI xuống thì để giao dịch tốt ta cần phải sử dụng thêm nhiều điều kiện khác để lệnh vào được chất lượng hơn. Chẳng hạn như trong chiến thuật RSI 2 mà tôi giới thiệu ở bài trước có rất nhiều điều kiện cho một giao dịch tốt được đưa ra.

Tương tự như chiến thuật RSI 2. Nếu bạn sử dụng RSI 14 mà giao dịch ngắn hạn thì để khắc phục các vấn đề như trên, chúng ta sẽ kèm theo thêm các yếu tố nhằm gia tăng chất lượng set up giao dịch.

Ở bài viết này tôi sẽ giới thiệu đến với các bạn công cụ mà nó nằm chính trong RSI luôn, đó chính là sự phân kỳ. Và tôi thường sử dụng RSI chu kỳ 6 để giao dịch phân kỳ vì nó có độ biến động cao hơn RSI 14 và thể hiện rõ tín hiệu hơn.

Các bạn vẫn có thể sử dụng RSI 14 mặc định nhưng sẽ phải quan sát kỹ hơn để phát hiện ra tín hiệu phân kỳ.

Sự phân kỳ

Sự phân kỳ được chia ra làm hai loại là: Phân kỳ kín và phân kỳ thường.

Phân kỳ thường (hay phân kỳ đảo chiều)

 Sự phân kỳ này của RSI sẽ là tín hiệu báo trước về khả năng đảo chiều, các bạn có thể kiểm tra trên biểu đồ thực tế có thể thấy gần như hầu hết các điểm đảo chiều thị trường đều xảy ra sự phân kỳ thường. Sau đây sẽ là ví dụ cho các bạn hiểu rõ hơn.

giao dịch theo chiến lược divergence

Hình 1: Sự phân kỳ RSI thường dẫn đến đảo chiều từ tăng thành giảm

Ở hình trên, đường thẳng màu xanh lá cây đánh dấu đỉnh sau cao hơn đỉnh trước. Trong khi, ở tín hiệu RSI thì cho đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước với đường đánh dấu màu đỏ. Như vậy, có thể thấy sức mua đã giảm đi mặc dù thị trường vẫn tạo thêm đỉnh mới, báo hiệu một khả năng đảo chiều thị trường.

giao dịch với phân kỳ RSI

Hình 2: Sự phân kỳ RSI thường dẫn đến đảo chiều từ giảm thành tăng

Ngược lại với hình 1 thì ở đây, trong khi biểu đổ tạo đáy thấp hơn thì RSI lại tạo đáy cao hơn, báo hiệu lực bán đã suy giảm và khả năng xảy ra đảo chiều thị trường.

Phân kỳ kín (Phân kỳ tiếp diễn)

Bản thân tôi khuyến khích các bạn giao dịch với dạng phân kỳ này, bởi nó giúp bạn giao dịch thuận xu hướng, như thế sẽ an toàn hơn rất nhiều, thay vì cố gắng ăn đậm với cú đảo chiều thị trường mà nó thường là cho tín hiệu giả.

giao dịch theo chiến lược divergence

Hình 3: Sự phân kỳ kín làm cú hồi giảm quay về xu hướng chính

Như các bạn thấy thì khi đang trong xu hướng tăng và thị trường tạo cú hồi giảm điều chỉnh, nếu như cần tìm một nơi thị trường đảo chiều về xu hướng chính để giao dịch thì việc chờ tín hiệu phân kỳ của RSI là rất hợp lý.

Trong khi thị trường hình thành đáy cao hơn thì RSI cho đáy thấp hơn. Như vậy, có thể thấy rằng dù là ở vị trí giá cao hơn nhưng thị trường có sức bán mạnh hơn trước, sức bán này vẫn không đủ đẩy giá xuống thấp hơn đáy trước và khi RSI vào vùng quá bán thì ta có cơ hội mua vào.

giao dịch theo chiến lược divergence

Hình 4: RSI phân kỳ thường làm cú hồi tăng quay về giảm

Vâng, ngược lại với trường hợp ở hình 3 thì trong hình 4 này, thị trường tạo đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước nhưng RSI cho đỉnh sau cao hơn đỉnh trước.

Như vậy, dù có lực mua mạnh nhưng giá không thể vượt lên trên đỉnh trước và đây là cơ hội để bán xuống khi mà có dấu hiệu bên mua đang yếu thế.

Tổng hợp các tình huống phân kỳ

Phân kỳ RSI

Hình 5: Tập hợp 4 tình huống phân kỳ RSI

Hình trên là tập hợp tất cả các tình huống phân kỳ mà ta đã được học để cho các bạn dễ nhận biết được sự khác biệt giữa chúng.

Sẽ có nhiều người mới học về phân kỳ sẽ rối và nhầm lẫn giữa các trường hợp. Vì vậy, qua hình trên các bạn sẽ phân biệt và so sánh được sự khác nhau giữa chúng. Phân kỳ thứ nhất và thứ ba là phân kỳ kín, hai trường hợp còn lại là phân kỳ thường.

Vấn đề trong giao dịch phân kỳ RSI

Khi nhìn lại những biểu đồ giá trong quá khứ chúng ta thấy tín hiệu RSI phân kỳ rất hiệu quả, phần lớn các trường hợp đảo chiều đều có sự phân kỳ của RSI. Tuy nhiên, việc giao dịch thực tế thì lại khác. Vì sao như thế? Các bạn hãy xem ví dụ sau:

Phân kỳ RSI

Hình 6: Xuất hiện phân kỳ nhưng ckhông phải thời điểm tốt để giao dịch

Như hình trên, ta giả sử thị trường đang tới đường thẳng đứt đoạn, khi kết thúc nến giảm ngay đường đứt đoạn này thì thị trường đã xuất hiện phân kỳ thường, báo hiệu một khả năng đảo chiều, nhưng nếu vào lệnh ở đây thì khi thị trường diễn biến sau đó.

Các bạn cũng thấy là ta chịu thua lỗ hoặc âm nặng nếu vào lệnh tực tiếp sau khi có sự phân kỳ. Vì vậy, đúng là phân kỳ luôn đi kèm theo tiềm năng đảo chiều lớn nhưng không chắc rằng khi có tín hiệu thì thị trường sẽ đảo chiều ngay. Đó là khó khăn điển hình khi giao dịch phân kỳ.

Hãy xem tiếp các phân kỳ sau 

giao dịch theo chiến lược divergence

Hình 7: Tiếp tục các trường hợp phân kỳ nhưng nếu vào lệnh là sai thời điểm

Các bạn thấy là tiếp tục sau đó là hai tình huống phân kỳ nhưng vào lệnh thì có thể coi là sau thời điểm vì bạn có thể bị hít stop loss hoặc nếu ai đánh không stop loss thì sẽ phải chịu âm, mà đánh không có stop loss chắc chắn bạn sẽ cháy tài khoản trong một này không xa.

Chỉ có trường hợp cuối cùng được tôi đánh dấu phân kỳ màu xanh lam là tình huống đảo chiều thật sự của thị trường. Tuy nhiên, mọi chuyện cũng không dễ như vậy. Ta thường vào lệnh mua dựa trên cây nến tăng và bán dựa trên cây nến giảm theo đúng phong cách giao dịch với price action.

Ở trường hợp phân kỳ đảo chiều thực sự ở trên, nếu ta vào lệnh bằng cách chờ ở trên cây nến tăng (nằm giữa hai nến giảm) thì cũng bị hít stop loss ngay sau đó.

Đến cây nến spinning top dù có thân nến tăng nhưng là rất nhỏ và hai đầu đều có bóng nến rất dài nên cũng không thể vào lệnh với cây nến này. Trong khi, cây nến tăng sau đó nếu đặt thì cũng không khớp lệnh. Vả lại, cây nến này có biên độ lớn nên khoảng dừng lỗ cũng cao theo.

Đúc kết lại, ở trường hợp trên dù có sự phân kỳ và cuối cùng thị trường cũng đảo chiều nhưng hầu hết các lệnh giao dịch của chúng ta đều coi là thất bại hoặc không thể vào lệnh.

Vậy, để giao dịch tốt hơn thì cần phải có những set up phù hợp, những mẫu hình nến tạo cơ hội vào lệnh tốt thì mới giao dịch.

Các bạn nên nhớ, không phải lúc nào xuất hiện phân kỳ là cũng giao dịch, không phải cơ hội nào cũng tốt như nhau nên phải biết lựa chọn tình huống giao dịch cho phù hợp.

Sau đây sẽ là hướng dẫn mua, bán với sự phân kỳ của RSI 6

Lệnh mua, bán với phân kỳ RSI 6

Để vào lệnh mua ta xem xét các tiêu chuẩn như sau:

  1. Xuất hiện sự phân kỳ RSI
  2. Hình thành set up giao dịch với các mẫu hình nến cơ bản nhưng là dạng mạnh như: Bullish engulfing, morning star. Và tốt nhất là các mẫu hình nến đặc biệt mạnh như: Pin bar, nến xu hướng thất bại, giảm dần, tăng dần, opposite failure, vùng sức ép… Những dạng mẫu hình này là cơ sở cho ta vị trí vào lệnh đồng thời xác định được khoảng dừng lỗ cụ thể nhằm bảo toàn vốn nếu như thị trường đi ngược. Nến tín hiệu là nến tăng
  3. Nên giao dịch phân kỳ kín hơn là phân kỳ thường vì giao dịch phân kỳ kín thuận theo xu hướng còn phân kỳ thường là ngược xu hướng.

Để vào lệnh bán ta xem xét các tiêu chuẩn ngược lại:

  1. Xuất hiện sự phân kỳ RSI
  2. Hình thành set up giao dịch với các mẫu hình nến cơ bản như: Bearish engulfing, evening star. Và tốt nhất là các mẫu hình nến đặc biệt mạnh như: Pin bar, nến xu hướng thất bại, giảm dần, tăng dần, opposite failure, vùng sức ép… Nến tín hiệu là nến giảm
  3. Khuyến khích giao dịch phân kỳ kín.
phân kỳ RSI

Hình 8: Các trường hợp mua bán với phân kỳ RSI

  1. Phân kỳ này không có dạng mẫu hình nào phù hợp nên không giao dịch. đây là phân kỳ thường.
  2. Vị trí cuối cùng xuất hiện dạng nến bullish engulfing, có thể vào lệnh mua với cây nến tăng. trường hợp này phân kỳ thường.
  3. Xuất hiện cây nến pin bar đẹp ngay vị trí hỗ trợ quan trọng. Cơ hội tốt để giao dịch. Đây là trường hợp phân kỳ thường
  4. Phân kỳ kín, giao dịch với nến tăng trong bullish engulfing hoặc là cú hồi yếu.
  5. Phân kỳ thường và giao dịch với mẫu hình giảm dần tăng.

Trên đây là toàn bộ các kiến thức về phân kỳ của RSI, nó cũng tương tự như sự phân kỳ của các chỉ báo dao động khác như MACD, Stochastic.

Bên cạnh kiến thức phân kỳ còn là hướng dẫn chi tiết về cách giao dịch với RSI 6. Hy vọng bài viết này sẽ đem lại cho bạn nhiều kỹ năng hơn về giao dịch để áp dụng tìm kiếm lợi nhuận cho mình.

Xem thêm: Chiến thuật RSI 2 chu kỳ – Hệ thống giao dịch hay, đơn giản

6 thoughts on “Phân kỳ RSI và kiến thức chung về giao dịch phân kỳ

  1. Khách viết:

    Hi Anh
    Cảm ơn Anh vì đã chia sẽ rất nhiều kiến thức giá trị
    Anh cho e hỏi cách đánh RSI 6 phù hợp với khung giờ nào nhất Anh

    1. IvT viết:

      phù hợp nhiều khung thời gian nha bạn

      1. khac ha viết:

        em vẫn mơ màng về phan ki thương và kín . anh có tài liệu cụ thể giúp em với ạ. em cam ơn

  2. hồ việt viết:

    xin cảm ơn Anh đã chia sẽ kiến thức!

    1. hồ việt viết:

      dạ vâng.em đang thực hiện giao dịch theo phương pháp này trên sàn IQ option.Nhưng mà chưa biết vận dụng như thế nào cho hiệu quả nhất.khung thời gian em sử dùng 15s,thời gian vào lệnh là 30s.em xin chân thành cảm ơn anh đã chia sẽ.

  3. dtchung viết:

    Cảm ơn tác giả

Comments are closed.