Kiến thức

GAP là gì? Các loại Gap & ý nghĩa của nó trong giao dịch

GAP là gì

Trong phân tích biểu đồ nến chúng ta sẽ thường xuyên nghe đến khái niệm Gap hay khoảng nhảy Gap, vậy thì Gap là gì? Và ý nghĩa của Gap trong giao dịch là như thế nào chúng ta hãy cùng Học Price Action tìm hiểu trong bài viết này.

GAP là gì?

Gap là một thuật ngữ phổ biến trong thị trường tài chính để chỉ một khoảng giá ở trên biểu đồ mà không có sự diễn biến hành động giá ở nơi đó.

Khoảng hình thành là do giá đóng cửa của cây nến trước cách xa mức giá mở cửa của cây nến sau.

Thông thường trong thị trường Forex thì cây nến sau sẽ có giá mở cửa ngang với mức giá đóng cửa của cây nến trước, đó là hành động giá diễn ra xuyên suốt mà không có một khoảng trống nào. Và đó là do cây nến này đóng cửa thì lập tức có cây nến khác mở cửa.

Nhưng nếu giữa thời gian đóng cửa của cây nến trước và mở cửa của cây nến sau không phải là ngay lập tức mà có khoảng trống lớn về thời gian thì thường nó cũng sẽ tạo ra khoảng trống về giá hay ta gọi là Gap.

Trong thị trường Forex sẽ ít gặp trường hợp nhảy Gap và chủ yếu là xảy ra giữa cây nến của ngày thứ 6 tuần trước với ngày thứ 2 tuần sau. Cũng có thể gặp các khoảng Gap giữa những ngày trong tuần nếu như bạn quan sát trên các khung thời gian rất nhỏ như là M1, M5 chẳng hạn.

Cụ thể về khoảng Gap như hình ví dụ minh họa dưới đây:

GAP là gì

HÌnh trên là ví dụ về khoảng nhảy Gap trên khung thời gian H1 của một cặp tiền tệ trong thị trường Forex, đây chính là khoảng Gap tạo ra giữa hai ngày nghỉ cuối tuần của thị trường.

Thêm một ví dụ về thị trường chứng khoán

khoảng nhảy Gap trong thị trường chứng khoán

Hình trên là biểu đồ của cổ phiếu công ty Coca Cola, vì thị trường chứng khoán có đặc thù là không hoạt động một cách liên tục 24/24 như là thị trường Forex cho nên khoảng nhảy Gap là rất phổ biến và diễn ra một cách thường xuyên giữa các cây nến với nhau.

Khoảng Gap thường xảy ra khi nào?

Ngoài các khoảng Gap xảy ra vào những ngày cuối tuần như đã nói ở trên thì Gap còn có thể xảy ra ở thời điểm mà thị trường có những tin tức kinh tế chính trị quan trọng làm cho giá biến động rất nhanh.

Các khoảng Gap này thường xảy ra đối với những khung thời gian nhỏ như là M5, M15…., những lúc như vậy thì sự chuyển giao giữa các nến trong tích tắc cũng đã có thể là một sự biến động lớn về giá và làm cho nó tạo ra một khoảng Gap.

Các loại Gap trong thị trường

Gap chỉ đơn giản đó là khoảng nhảy về giá tạo ra các khoảng trống nhưng theo các hoàn cảnh khác nhau thì nó sẽ cho ra một dạng Gap khác. Sau đây sẽ là các dạng Gap thường gặp trong thị trường:

Common GAP

Là dạng nhảy Gap thông thường như trường hợp Gap tạo ra giữa hai ngày nghỉ cuối tuần trong thị trường Forex chẳng hạn.

Những khoảng Gap này thường là không quá lớn và thường nó cũng có xu hướng được lấp đầy khoảng Gap trong vài cây nến.

Breakout GAP

Là dạng nhảy Gap mạnh mẽ tạo ra một khoảng trống lớn để phá vỡ ngưỡng kháng cự hoặc hỗ trợ nào đó. Đồng thời nó có thể hình thành lên xu hướng mới của thị trường,

Dạng Gap này thường gặp do thị trường chịu sự tác động lớn của một tin tức hay sự kiện lớn nào đó khiến cho thị trường bứt phá hoặc có thể đảo ngược lại xu hướng hiện tại.

Gap phá vỡ ngưỡng kháng cự và hỗ trợ

Ví dụ ở hình trên chúng ta có thể thấy là khoảng Gap đã nhảy vọt lên trên ngưỡng kháng cự, sau đó giá có hồi nhẹ về để test lại ngưỡng kháng cự này rồi tiếp tục xu hướng tăng, khoảng Gap vẫn chưa được lấp đầy trở lại.

Exhaustion GAP

Exhaustion GAP là kiểu nhảy Gap mà nó nhảy đến đúng vị trí của ngưỡng hỗ trợ và kháng cự nên bị cản lại mà không thể vượt qua, giống như bạn nhảy lên mà bị đụng phải trần nhà vậy,

Chính vì gặp phải các ngưỡng cản đó mà ngay sau khi nhảy Gap lên thì nó lập tức đảo chiều quay trở lại.

Continuation GAP

Continuation GAP hay còn gọi là Gap tiễn diễn là kiểu Gap diễn ở ở đáy của một con sóng điều chỉnh và ở đây giá đã nhảy Gap quay về xu hướng chính tiếp diễn của nó.

Cách giao dịch với vùng giá nhảy Gap

Có một điều chúng ta cần lưu ý rằng khoảng giá nhảy Gap như một lỗ hổng trên biểu đồ mà sau khi nhảy Gap thì giá thường có xu hướng quay về lấp đầy khoảng trống chưa có hành động giá đó.

Lúc này thì khoảng Gap được coi như là ngưỡng hỗ trợ và kháng cự khi giá quay về lấp đầy vùng này thì thường là sẽ có xu hướng đảo chiều.

Hình dưới đây là một ví dụ:

cách giao dịch với vùng Gap

Như vậy ý tưởng giao dịch với khoảng Gap ở đây chính là chúng ta chờ cho giá hồi về vùng Gap và tìm kiếm cơ hội giao dịch.

Bạn cũng lưu ý nếu là trường hợp Exhaustion GAP thì chúng ta không thể áp dụng được kiểu giao dịch này vì đó đơn giản là kiểu nhảy Gap đảo chiều. Nhưng thực tế chúng ta cũng không thể chắc chắn hết rằng đó là dạng nhảy Gap gì khi thị trường chưa diễn ra xong.

Còn đối với 3 trường hợp Gap còn lại thì chúng ta hoàn toàn có thể giao dịch với Gap như là ngưỡng hỗ trợ và kháng cự.

Cơ hội giao dịch sẽ đến khi mà biểu đồ giá xuất hiện những mô hình nến theo Price Action, nó có thể là các mô hình nến cơ bản như là Bullish Engulfing, Bearish Engulfing, Dark cloud cover,…. hoặc là các setup giao dịch trong chương trình Price Action nâng cao như là Phá vỡ giằng co thất bại, Tăng dần, giảm dần, vùng lo lắng, vùng sức ép

Lời kết

Trên đây là các kiến thức liên quan đến Gap là gì? Những loại Gap thường gặp cũng như là cách giao dịch với khoảng nhảy Gap một cách khoa học. Chúc các bạn thành công !