Trong bài học này chúng ta sẽ làm quen với một công cụ rất quen thuộc trong giới đầu tư và phân tích tài chính đó là Fibonacci. Vậy thì Fibonacci là gì và dãy số Fibonacci có thể ứng dụng gì vào trong thực tế giao dịch chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này. Fibonacci Retracement và Fibonacci Extension
Trước hết phải nói rằng Fibonacci là một chủ đề rất rộng và còn nhiều khía cạnh có thể áp dụng không chỉ trong giao dịch tài chính mà còn trong nhiều ứng dụng khác của đời sống.
Trong phạm vi bài học này thì chúng ta chỉ làm quen với Fibonacci quen thuộc và cơ bản nhất đó là Fibonacci retracement (tức dùng cho sóng điều chỉnh) và Fibonacci extension (tức là dùng cho sóng theo xu hướng)
Giới thiệu về Fibonacci – Fibonacci là gì?
Dãy số Fibinacci chính là một dãy số có quy luật và được phát hiện bởi nhà toán học người Ý có tên là Fibonacci. Phát hiện này được công bố vào năm 1202 trong cuốn sách có tên là Liber Abacci.
Trong cuốn sách đó trình bày phát minh qua 2 bài toán nghe rất lạ tai đó là bài toán về con thỏ và bài toán về các cụ tổ của con ong đực.
Bài toán con thỏ áp dụng tính toán sự sinh sản ra số con thỏ từ một cặp thỏ đầu tiên và theo thời gian thì số thỏ tồn tại là bao nhiêu. Tương tự với bài toán về các con ong đực. Để biết thêm chi tiết về các bài toán này thì các bạn có thể tìm hiểu bài viết tại đây.
Tóm lại đó là nó có một quy luật tăng dần trong dãy số như sau: 0, 1, 1, 2, 3, 5, 8, 13, 21, 34, 55, 89, 144, 233, 377,…
Dãy số này các bạn có thể thấy nó theo quy luật đó là một số bất kỳ sẽ bằng hai số trước đó cộng lại với nhau, chẳng hạn như 34 = 21 + 13, 144 = 89 + 55…
Và đó chỉ là một phần của sự đặc biệt, điều đặc biệt ở đây đó là:
- Nếu bạn lấy một con số bất kỳ chia cho con số liền ngay sau thì chúng ta sẽ có một tỷ lệ cố định không thay đổi đó là 0.618 ví dụ như 55/89 = 0.618, (dĩ nhiên là chúng ta không thể lấy các con số đầu dãy để áp dụng cho các quy tắc này mà phải là các con số càng về sau nó càng chính xác với quy luật đó)
- Nếu bạn lấy một số mà chia cho con số thứ hai sau nó thì chúng ta sẽ được một tỷ lệ cố định là 0.382, ví dụ như 89 / 233 = 0.382
- Ngoài ra cón một số tỷ lệ khác nữa mà chúng ta sẽ lần lượt đề cập trong phần trình bày bên dưới.
Để các bạn có thể hình dung được những quy luật đặc biệt của dãy số Fibonacci thì chúng ta có thể xem hình ảnh về phác đồ số Fibonacci như sau:
Mô hình thể hiện sự luỹ tiến của các con số rất có quy luật mà nó có thể là những hình dạng của nhiều loại hình vật chất trong tự nhiên
Nhiều khi chúng ta đọc báo chí mà nói về tiêu chuẩn cái gì đó và đưa ra tỷ lệ vàng thì hầu hết là nó tính toán dựa trên các con số của dãy số Fibonacci.
Các con số tỷ lệ được phát hiện từ dãy số Fibonacci là quy chuẩn trong nhiều lĩnh vực của đời sống chẳng hạn như là thiết kế nội thất, ngành kiến trúc, mỹ thuật, hay thâm chí là những bản vẽ của các nhân vật hoạt hình.
Và giờ đây nó còn được áp dụng trong việc phân tích biểu đồ giá của thế giới tài chính và nó không hề bất hợp lý một chút nào cả. Biểu đồ giá được hình thành với các sóng lên xuống theo quy luật tự nhiên thì nó cũng có thể có một tỷ lệ nào đó.
Tóm lại thì dãy số Fibonacci là một dãy số tự nhiên mà trong đó nó có nhiều điều thú vị thể hiện thông qua mối quan hệ của các con số với nhau trong dãy, có rất nhiều mối quan hệ chẳng chịt với nhau chứ không chỉ là mối quan hệ giữa hai hay ba con số nhất định, điều đó làm cho dãy số Fibonacci thực sự trở nên huyền bí và thú vị.
Bây giờ chúng ta sẽ đi vào cụ thể với hai loại Fibonacci áp dụng vào phân tích kỹ thuật mà chúng ta đã nêu ở đầu tiên.
Tìm hiểu về Fibonacci Retracement
Fibonacci retracement chúng ta hiểu là các ngưỡng mà giá có thể hồi về trước khi đảo chiều quay trở lại xu hướng chính của nó.
Chúng ta khi theo dõi biểu đồ giá thì đều biết là nó không bao giờ đi lên thẳng tắp hay giảm xuống một mạch mà luôn có sự dao động lên xuống.
Trong con sóng tăng lớn thì trong đó vẫn có những sóng giảm nhỏ và ngược lại trong các con sóng giảm lớn thì vẫn có những con sóng tăng nhỏ.
Chúng ta có công nhận rằng khi quan sát tổng thể thì chúng ta vẫn cảm nhận được rằng giá đi lên đi xuống dù không theo quy luật nào nhưng lại như có quy luật.
Và điều đó thể hiện ở việc các con sóng nhỏ có thể hồi về một ngưỡng nào đó theo quy luật tỷ lệ của con số trong dãy Fibonacci. Đó chính là nguyên nhân của việc hình thành lên công cụ Fibonacci retracement.
Để cho dễ hình dung thì các bạn hãy theo dõi hình ảnh mô phỏng dưới đây
Khi chúng ta đang xác định được một con sóng tăng cụ thể nào đó với đỉnh và đay rõ ràng, cùng với đó là đang có một con sóng hồi bắt đầu.
Lúc này ta sẽ tự hỏi rằng liệu con sóng hồi về này sẽ có thể đi đến đâu rồi quay đầu trở lại xu hướng tăng. Đó là lúc ta nghĩ đến công cụ Fibonacci retracement.
Ở đây chiều cao của con sóng tăng sẽ là 100% trong đó tính từ đỉnh sẽ là 0% và đến đáy của con sóng tăng sẽ là 100%.
Khi đó các con số tỷ lệ của Fibonacci sẽ có thể cho ta những mức mà khả năng sóng hồi có thể quay về rồi mới đảo chiều.
Khi đã có các ngưỡng này thì nó đóng vai trò như một ngưỡng hỗ trợ hoặc kháng cự để nếu như có xuất hiện các mô hình giá theo Price Action hợp lý ở những vị trí này thì chúng ta có thể quyết định vào lệnh.
Như vậy cụ thể thì với Fibonacci Retracement sẽ có những ngưỡng là bao nhiêu. Dưới đây sẽ là các ngưỡng Fibonacci Retracement quan trọng mà các bạn cần chú ý để theo dõi thị trường:
- 0.236 hay là ngưỡng 23,6%
- 0.382 hay là ngưỡng 38,2%
- 0.618 hay là ngưỡng 61,8%
- 0.764 hay là ngưỡng 76,4%
- Ngoài ra ngưỡng 50% cũng là một ngưỡng cản quan trọng dù nó không phải là một con số từ dãy số Fibonacci.
Vậy thì ta quay lại với ví dụ trên, bây giờ ta sẽ vẽ cụ thể ra các ngưỡng Fibonacci quan trọng:
Như vậy khi đã hình thành một con sóng tăng (hoặc sóng giảm) mà ta có thể định hình được những mốc Fibonacci giá có thể hồi về.
Thông thường thì các ngưỡng 50% và 61,8% là những ngưỡng được hồi về nhiều nhất và cũng là hiệu quả nhất, trong khi ngưỡng hồi về 23,6% thì có vẻ như còn hơi non và nhiều trường hợp hồi về đã có dấu hiệu bật trở lại nhưng không mạnh và cuối cùng lại tiếp tục hồi về sâu hơn để test các ngưỡng cao hơn, kết quả là khiến cho lệnh trước đó bị thua lỗ.
Sau đây là một ví dụ về Fibonacci Retracement
Ở ví dụ trên chúng ta đã xác định được con sóng giảm với điểm đầu và điểm cuối tương đối rõ ràng. Chúng ta thấy giá đã 2 lần test về ngưỡng 38,2% nhưng sau đó giá chỉ giảm nhẹ rồi tiếp tục tăng trong một con sóng hồi về.
Chỉ khi test đến ngưỡng 50% thì nó mới thật sự là ngưỡng kháng cự hiệu quả và giá đã giảm mạnh ở vị trí này. Với việc xuất hiện mẫu hình bao trùm giảm Bearish Engulfing thì đây là một tín hiệu đáng tin cậy để chúng ta vào lệnh.
Tìm hiểu về Fibonacci Extension
Khác với các ngưỡng Fibonacci Retracement là để tính toán các ngưỡng giá điều chỉnh thì các ngưỡng của Fibonacci Extension lại là những vị trí tiềm năng mà giá có thể đi đến thuận theo xu hướng, tức là nó sẽ đi vượt xa so với con sóng trước đó.
Thế nhưng chúng ta cần hiểu rằng đó là lý thuyết và không phải lúc nào chúng ta cũng biết được sóng nào là sóng hồi và sóng nào là sóng theo xu hướng chính. Ví dụ như đôi khi chúng ta tính toán và đo lường về con sóng sắp tới và cho rằng đó là con sóng theo xu hướng.
Nhưng cũng có thể thị trường đã đảo chiều và con sóng sắp tới thay vì theo xu hướng chính thì nó lại là một sóng điều chỉnh và có thể nó chỉ đi đến ngưỡng 50% hay 61,8% gì đó rồi quay đầu. Vậy nên chúng ta phải hết sức linh hoạt trong vấn đề này.
Sau đây là hình ảnh mô phỏng về ngưỡng Fibonacci Extension
Như vậy nếu như bạn kỳ vọng rằng con sóng sắp tới sẽ là sóng chính thì ta có thể dự đoán đến các ngưỡng 138,2% hoặc là 161,8%.
Có những chia sẻ nói rằng các ngưỡng Fibonacci Extension là bao gồm cả những ngưỡng của Fibonacci Retracement. Nhưng theo mình thì đã gọi là Extension thì chỉ nên là các ngưỡng từ 100% trở lên. Cụ thể là các ngưỡng 100%, 138,2%, 161,8%, 200%, …
Trong thực tế thì Fibonacci Extension rất ít khi sử dụng và khó sử dụng bởi vì nếu giả sử như ví dụ mô phỏng ở trên thì tức là giá đang đi theo xu hướng chính là giảm, như vậy giả sử nếu như ở ngưỡng 161,8% xuất hiện một mô hình giá đẹp mà chúng ta vào lệnh ở đây thì cũng có nghĩa chúng ta đang giao dịch ngược xu hướng và chụp dao rơi. Điều này không hề khuyến khích trong giao dịch tài chính.
Sau đây là một ví dụ về ngưỡng Fibonacci Extension trong thực tế
Chúng ta hãy để ý ví dụ trên đó là có sự đảo chiều ở ngưỡng 161,8% nhưng giả sử chúng ta vào lệnh mua ở đây thì gần như rất khó để có lợi nhuận và khả năng thua lỗ cao.
Vì thường ta vào lệnh sẽ kỳ vọng nhận được 2 lần lợi nhuận. Trong trường hợp trên khi xuất hiện cây nến tăng trong mẫu hình Piercing Pattern, ta đặt một lệnh chờ mua ở trên giá cao nhất và Stop loss ở vị trí giá thấp nhất của cây nến tăng hoặc tốt nhất là dưới giá thấp nhất của cây nến giảm vì đó là điểm đáy của con sóng.
Và ta thấy rằng giá không thể tăng quá hai lần so với khoáng Stop loss và kết quả là ta chưa kịp Take Profit thì thị trường đã quay về xu hướng chính là giảm mạnh.
Đó là lý do Học Price Action khuyên các bạn không nên giao dịch với Fibonacci Extension mà chỉ tìm hiểu để mang tính tham khảo củng cố thêm kiến thức.
Người ta thường dùng Fibonacci Extension cho mục đích là chốt lời thì tốt hơn, nhưng thực tế để chốt lời được như kỳ vọng theo ngưỡng Fibonacci Extension là rất khó và phù hợp cho những ai đầu tư dài hạn hơn, Khi đó chúng ta thường ăn với tỷ lệ rất cao so với khoảng dừng lỗ.
Lời kết về Fibonacci là gì?
Như vậy là chúng ta đã tìm hiểu qua kiến thức về Fibonacci với hai loại hình quen thuộc là Fibonacci Retracement và Fibonacci Extension. Nhưng phổ biến và khuyến khích sử dụng vẫn là Fibonacci Retracement.
Ngoài 2 dạng Fibonacci quen thuộc này thì chúng ta còn có các kiểu Fibonacci khác nữa như là:
- Fibonacci fan (Fibonacci hình quạt)
- Fibonacci arcs (Fibonacci hình cung)
- Fibonacci time zone, tức là các ngưỡng thời gian trong tương lại có khả năng giá đến đó sẽ đảo chiều.
Tuy nhiên thực chất chúng ta chỉ cần nắm một kiến thức cơ bản nhất về Fibonacci đó là Retracement là đủ rồi và không cần biết quá nhiều công cụ sẽ khiến chúng ta thiếu đi sự tập trung.