Drawdown là một thuật ngữ rất quan trọng trong quản lý vốn mà bạn cần biết, vậy thì Drawdown là gì? cũng như là cách tính toán nó cụ thể ra sao chúng ta hãy cùng Học Price Action tìm hiểu trong bài viết này nhé.
Drawdown là gì?
Drawdown hiểu theo nghĩa tiếng Việt thì nôm na là “sụt tiền”, tức là thể hiên mức độ suy giảm vốn lớn nhất của số tiền trong tài khoản đầu tư, tính tù đỉnh vốn xuống đến đáy vốn.
Như vậy thì công thức tính Drawdown là vô cùng đơn giản đó là:
Drawdown = ( vốn cao nhất – vốn thấp nhất) / vốn cao nhất
Drawdown sẽ hiển thị dưới dạng % so với số vốn cao nhất. Ngoài ra, quá trình giao dịch số dư tài khoản của bạn có thể tăng giảm liên tục. Vì thế mức đáy vốn phải là sau đỉnh vốn chứ không thể nào là trước đỉnh vốn được.
Cụ thể như hình mô phỏng sau đây:
Một điều các bạn cần lưu ý ở đây đó là số dư tài khoản của chúng ta sẽ có hai giá trị đó là:
- Balance: Là số dư tĩnh, tức là số dư của tài khoản lúc đầu khi chưa có lệnh nào được mở.
- Equity: Là số dư động, tức là số dư của tài khoản sẽ biến động liên tục khi mà bạn đang có lệnh được mở. Hoặc khi không có lệnh mở thì Equity cũng chính là Balance.
Vậy câu hỏi đó là chúng ta tính Drawdown là dựa trên con số nào, câu trả lời đó là cả hai, tuy nhiên mức đỉnh vốn cao nhất phải luôn dựa vào số Balance chứ không thể dựa vào biến động tạm thời Equity.
Ví dụ, giả sử bạn có bạn có số dư ban đầu là 5000$, sau đó bạn mở một số lệnh giao dịch và sau đó lệnh đi đúng hướng và số equity của bạn tăng lên 5200$ chẳng hạn, nhưng sau đó giá lại đảo chiều đi ngược lại khiến bạn giảm số Equity có lúc thấp nhất là 4500$ chẳng hạn.
Thị khi này chúng ta tính Drawdown sẽ lấy (5000 – 4500)/5000 x 100% = 10% chứ không phải là lấy con số 5200$ của mức cao nhất mà Equity đạt được.
Trừ phi nếu như bạn đóng lệnh khi mà số Equity đạt 5200$ và lúc này Balance chính là 5200$ rồi sau đó bạn giao dịch tiếp và có lúc bị âm lệnh và số Equity giảm xuống còn 4500$ thì lúc đó chúng ta sẽ tính Drawdown bằng công thức: (5200 4500) / 5200 x 100% = 13,46 %
Chúng ta lưu ý con số 4500$ ở đây có thể là số Equity nhưng cũng có thể là số Balance nếu như nó giảm đến mức thấp nhất này và chúng ta tiến hành đóng lệnh lại.
Vậy là các bạn đã hiểu rõ được cách tính Drawdown rồi phải không nào.
Quay trở về với hình ảnh ví dụ ở trên thì chúng ta sẽ có 2 mức Drawdown:
- Mức thứ nhất đó là số dư tài khoản Balance tăng lên 6000$ rồi sau đó có lúc giảm xuống $5700, ta sẽ có mức Drawdown là (6000 – 5700) / 6000 x 100% = 5%
- Mức Drawdown thứ hai đó là khi tài khoản tăng lên 7000$ rồi giảm xuống 5500$. Ta sẽ có thể tính Drawdown là (7000 – 5500) / 7000 x 100% = 21.43%
Chúng ta theo dõi thêm một ví dụ nữa sau đây:
Ở trường hợp ví dụ này chúng ta sẽ có 3 vị trí tính Drawdown cụ thể như sau:
Vị trí đầu tiên từ số vốn ban đầu là $5000 mà ta giao dịch và số dư Equity bị giảm xuống còn $3500, như vậy có nghĩa là ta bị âm so với ban đầu là $1500.
Suy ra số Drawdown = 1500 / 5000 x100 = 30%
Vị trí thứ hai là tài khoản có đỉnh số dư mới là $5700 và quá trình mở lệnh giao dịch có thời điểm giảm xuống còn $5300, như vậy có nghĩa là ta bị âm so với ban đầu là $5700 – $5300 = $400.
Suy ra số Drawdown = 400 / 5700 x100 = 7%
Vị trí thứ ba là nơi mà tài khoản có số dư đến $7000 và giao dịch có lúc bị giảm Equity xuống còn $5400. Như vậy có nghĩa là ta bị âm so với ban đầu là $7000 – $5400 = $1600.
Suy ra số Drawdown = 1600 / 7000 x100 = 22.86%
Có các dạng Drawdown nào?
Drawdown cũng sẽ được phân chia ra làm nhiều loại khác nhau như sau:
Maximum Drawdown (Max DD)
Đây là con số mà chúng ta thường quan tâm nhất khi nhắc đến Drawdown, nó thể hiện con số Drawdown lớn nhất trong toàn bộ lịch sử quá trình đầu tư của tài khoản.
Như hai ví dụ đã nêu ở trên thì con số 21.43% trong ví dụ đầu và 30% trong ví dụ thứ hai cũng chính là Maximum Drawdown vì nó là số tỷ lệ Drawdown lớn nhất.
Con số Maximum Drawdown sẽ phản ánh được mức độ rủi ro mà chiến thuật giao dịch của người chủ tài khoản đem lại. Nếu người giao dịch có chiến lược quản lý vốn chặt chẽ thì sẽ không để mức Maximum Drawdown quá lớn.
Absolute Drawdown
Đây là con số Drawdown được thể hiện bằng số tiền cụ thể và nó luôn lấy mốc là số tiền vốn ban đầu mà không tính các biến động số dư tăng hoặc giảm sau này.
Absolute Drawdown cũng khá giống với Maximum Drawdown đó là nó thể hiện được số tiền thua lỗ lớn nhất nhưng có điểm khác đó là nó so với số vốn ban đầu.
Con số Absolute Drawdown sẽ thay đổi nếu như tài khoản tạo ra một đáy Drawdown mới thấp hơn đáy Drawdown cũ.
Ví dụ như tài khoản của bạn ban đầu có vốn là $5000, bạn giao dịch và có lợi nhuận lên $6500, nhưng sau đó có thời điểm mà tài khoản có Equity giảm xuống mức $4000 chẳng hạn, thì lúc đó con số Absolute Drawdown là 1000$.
Thời gian sau đó có lúc Equity rơi xuống mức $3500 chẳng hạn thì lúc này con số Absolute Drawdown sẽ là $1500.
Như vậy Absolute Drawdown luôn so với số vốn ban đầu của tài khoản chứ không so các mức biến động về số dư sau này.
Relative Drawdown
Relative Drawdown là tỷ lệ % của giá trị Maximum Drawdown nhưng tính bằng số tiền cụ thể so với số tiền ở thời điểm mà tài khoản có Equity cao nhất.
Hay nói cụ thể hơn là tỷ lệ giữa equity low so với equity high.
Chắc các bạn vẫn chưa hình dung được, sau đây sẽ là một ví dụ cụ thể:
- Tải khoản ban đầu của bạn nạp vào là $1000, sau đó bạn giao dịch và có thời điểm số Equity tăng lên mức là $1050
- Nhưng sau đó bạn chưa kịp chốt lời thì giá lại đảo ngược lại khiến lệnh bị âm và số Equity giảm sâu nhất là về mức $900 chẳng hạn. Vậy suy ra mức Maximum Drawdown theo số tiền đó là $1000 – $900 = 100$
- Khi này chúng ta sẽ có con sô Relative Drawdown là: $100 / $1050 x100% = 9.52%
Ý nghĩa của giá trị Drawdown trong giao dịch là gì?
Drawdown là một giá trị mà chúng ta đều phải quan tâm dù bạn có giao dịch trong bất kỳ thị trường tài chính nào, hoặc thậm chí nó còn là chỉ số trong hoạt động kinh doanh thông thường cần người ta phải xem xét.
Khi chúng ta copy một hệ thống giao dịch của ai đó trên MQL5.com chẳng hạn thì chúng ta cũng không thể nào không chú ý đến con số Drawdown để xem chiến lược giao dịch của người đó có an toàn không.
Dù tín hiệu giao dịch đó có thể có lợi nhuận khá đều đặn nhưng tỷ lệ Drawdown quá lớn thì cũng rất rủi ro cho nhà đầu tư.
Nếu như một người giao dịch có đặt Stop loss cụ thể cho mỗi lệnh giao dịch là 1% vốn chẳng hạn thì thông thường giá trị Drawdown của tài khoản sẽ rất thấp, giả sử để có tỷ lệ Drawdown là 10% thì có nghĩa chúng ta phải để thua đến 10 lệnh liên tiếp.
Còn đối với những tài khoản giao dịch có số Drawdown quá lớn thì thông thường đến 99% là giao dịch không có stop loss cụ thể mà để thả nổi, điều này là vô cùng nguy hiểm trong giao dịch.
Tỷ lệ Drawdown bao nhiêu là phù hợp?
Chắc chắn rằng không ai có thể đạt được Drawdown bằng 0% cả, tức là không thể nào trong việc giao dịch mà bạn không có trạng thái bị âm vốn cả dù đó có là một thiên tài đi chăng nữa.
Vậy thì tỷ lệ Drawdown cần duy trì ở mức bao nhiêu là hợp lý? Đây là câu hỏi không có con số cụ thể và rõ ràng, nó theo cảm nhận của mỗi người.
Chẳng hạn đối với Học Price Action thì con số Maximum Drawdown không nên quá 15% và càng thấp thì càng tốt, còn đối với một số người thì có thể con số chấp nhận được là 30%.
Nhưng nếu Drawdown lên đến 50% thì đối với bất cứ ai cũng là một con số quá tồi tệ và rủi ro.
Những lưu ý để kiểm soát Drawdown trong giao dịch
Để kiểm soát tốt tỷ lệ Drawdown trong việc giao dịch thì chúng ta cần phải chú ý đến những việc như sau:
Tính toán rõ ràng khoảng dừng lỗ và khối lượng giao dịch khi vào lệnh
Chúng ta khi giao dịch đã có sẵn chiến lược quản lý vốn như là rủi ro bao nhiêu trong một lệnh, vào tối đa bao nhiêu lệnh cùng lúc…
Điều cần chú ý ở đây là vấn đề số vốn rủi ro trong một lệnh chúng ta cần làm chặt để có thể kiểm soát tốt được tỷ lệ Drawdown.
Ví dụ như bạn quy định tỷ lệ rủi ro cho mỗi lệnh giao dịch là 1% vốn, nếu bạn có tài khoản là $10,000 thì có nghĩa là số vốn chấp nhận rủi ro sẽ là $100.
Khi đó chúng ta vào lệnh thì phải tính toán được khoảng dừng lỗ là bao nhiêu Pip, dựa trên số Pip đó chúng ta sẽ tính toán xem là vào khối lượng bao nhiêu thì khi giá chạm đến Stop loss chúng ta sẽ mất 1% vốn hay cụ thể là thua lỗ $100.
Các bạn có thể sử dụng công cụ tính toán khối lượng vào lệnh của Học Price Action tại đây.
Phải biết làm chủ cảm xúc và dừng lại đúng lúc khi thua lỗ
Chẳng hạn khi bạn bị thua lỗ vài lệnh liên tiếp thì thường chúng ta có tâm lý hoang mang muốn gỡ lại vốn, như thế có thể rơi vào trạng thái phục thù thị trường và vào nhiều lệnh hơn, giao dịch một cách loạn xạ.
Khi đó chúng ta sẽ dễ mất kiểm soát và thậm chí là giao dịch không có stop loss và vào rất nhiều lệnh.
Những lúc bị thua lỗ như thế chúng ta cần phải biết dừng lại để bản thân thêm tỉnh táo và thoải mái hơn.
Lời kết
Trên đây là toàn bộ những chia sẻ của Học Price Action liên quan đến khái niệm Drawdown là gì và cách tính toán cũng như làm sao để quản lý tỷ lệ Drawdown một cách an toàn và hiệu quả.