Các mô hình giá trong phân tích kỹ thuật thường sử dụng những cái tên hình tượng rất hay và trong đó không thể không kể đến mô hình cốc và tay cầm hay còn gọi là Cup and Handle. Trong bài viết này Học Price Action sẽ cùng các bạn tìm hiểu về mô hình giá cốc tay cầm này với đặc điểm cấu tạo cũng như là cách giao dịch sao cho hiệu quả.
Mô hình cốc và tay cầm – Cup and Handle là gì?
Mô hình giá cốc và tay cầm được phát hiện và công bố bởi nhà đầu tư lừng danh người Mỹ là William J.O’Neil vào năm 1988. Với cái tên gọi của nó thì phần nào chúng ta cũng đã hình dung được mô hình giá này có hình dạng như thế nào.
Mô hình Cup and Handle là một mô hình giá tiếp diễn xu hướng và sau đây là hình ảnh mô phỏng về mô hình cốc và tay cầm:
Cụ thể thì mô hình cốc và tay cầm sẽ gồm có hai đường cong trong đó phần cốc là đường cong lớn và phần tay cầm là đường cong nhỏ hơn đồng thời nằm về phía bên phải của cốc.
Đối với mô hình cốc và tay cầm trong xu hướng giảm thì sẽ gọi là mô hình cốc & tay cầm ngược.
Về tương quan thời gian hình thành thì phần cốc sẽ thường chiếm tối thiểu là 3 lần so với thời gian hình thành phần tay cầm. Về thời gian tối đa thì không có quy định cụ thể và nó có thể gấp đến hàng chục lần, chẳng hạn phần cốc có thể hình thành trong thời gian là vài tháng nhưng phần tay cầm có thể trong 1-2 tuần.
Theo lý thuyết mà William J. O’Neil đưa ra tính thời gian ở khung ngày thì quá trình hình thành cốc và tay cầm như sau:
- Phần cốc sẽ được hình thành trong thời gian từ 3 cho đến 6 tháng. Độ cao của phần cốc này có thể chiếm từ 12 cho đến 33% độ cao của một xu hướng giá.
- Phần tay cầm được hình thành trong thời gian từ 1 tuần cho đến 4 tuần. Độ cao của phần tay cầm sẽ không được vượt quá 50% so với độ cao của phần cốc.
Thường thì mô hình cốc và tay cầm sẽ xuất hiện ở giai đoạn mà xu hướng đi được 30%, tuy nhiên chúng ta chỉ có thể biết được 30% của xu hướng là ở đâu khi mà nó đã hoàn thành xu hướng, cho nên với thị trường đang diễn ra thì sẽ không thể biết ở đâu là 30% cả.
Sau đây sẽ là một ví dụ thực tế về mô hình Cup and Handle để các bạn dễ hình dung:
Trong thực tế thì chúng ta không cần tuyệt đối hoá biểu đồ giá phải cong theo đúng như hình chúng ta mô phỏng, chẳng hạn phần tay cầm đôi khi có thể là phần lá cờ của mô hình lá cờ mà chúng ta đã được học.
Thêm một ví dụ về mô hình Cup and Handle ngược ở trong xu hướng giảm:
Ví dụ ở trên cũng là một mô hình cốc và tay cầm rất đẹp và chuẩn. Nhưng trong thực tế đôi khi các bạn không nhận ra mô hình vì các bạn quá rập khuôn theo hình ảnh cái cốc và tay cầm thật. Việc xác định mô hình giá cần phải có sự linh hoạt vì thị trường là muôn màu muôn vẻ.
Đường miệng cốc đóng vai trò hỗ trợ và kháng cự
Trong cấu tạo của mô hình Cup and Handle thì có một phần rất quan trọng mà chúng ta không thể bỏ qua đó là đường miệng cốc hay chính là đường ngang được tạo ra bởi các đỉnh (hoặc đáy) của cốc cùng với tay cầm.
Đường ngang này có sự phản ứng của rất nhiều đỉnh đáy trong quá trình tạo ra mô hình Cốc & Tay cầm cho nên nó đóng vai trò là ngưỡng hỗ trợ và kháng cự rất mạnh.
Đường miệng cốc này cũng là cơ sở để nhận định giá phá vỡ mô hình cốc tay cầm hay chưa và cũng rất quan trọng trong việc giao dịch với mô hình cốc & tay cầm.
Hình trên là đường miệng cốc với mô hình cốc tay cầm thuận và nó sẽ đóng vai trò là ngưỡng kháng cự khi giá chưa vượt được lên. Nếu giá vượt qua ngưỡng này thì có nghĩa mô hình cốc và tay cầm đã bị phá vỡ và khi này nó trở thành ngưỡng hỗ trợ rất mạnh, thường thì sẽ có nhiều đáy được hình thành khi giá hồi về ngưỡng này.
Đối với mô hình cốc & tay cầm ngược thì đường miệng cốc sẽ đóng vai trò là ngưỡng hỗ trợ khi giá chưa phá vỡ được xuống dưới, nếu giá phá vỡ xuống dưới thành công thì có nghĩa là mô hình cốc và tay cầm kết thúc và khi này đường miệng cốc sẽ trở thành ngưỡng kháng cự rất tiềm năng.
Hướng dẫn giao dịch với mô hình Cup and Handle
Việc giao dịch với mô hình giá cốc & tay cầm cũng dựa trên sự phá vỡ và hồi về ngưỡng kháng cự hỗ trợ quan trọng của mô hình đó chính là đường miệng cốc.
Giao dịch với sự phá vỡ mô hình Cup and Handle
Đối với cách giao dịch với sự phá vỡ mô hình thì chúng ta sẽ có hai cách vào lệnh như sau:
- Đặt một lệnh chờ mua ở trên đường miệng cốc với mô hình thuận và chờ bạn dưới miệng cốc với mô hình ngược.
- Chờ xuất hiện cây nến phá vỡ đường miệng cốc một cách rõ ràng. Cụ thể đó là một cây nến tăng mạnh phá vỡ đường miệng cốc trong mô hình thuận và một cây nến giảm mạnh phá vỡ đường miệng cốc trong mô hình ngược.
Giao dịch phá vỡ với Cup and Handle tăng | Giao dịch phá vỡ với Cup and Handle giảm |
![]() |
![]() |
Đối với cách giao dịch thứ nhất thì Học Price Action không khuyến khích các bạn sử dụng vì đó là cách đặt lệnh một cách mò mẫm và bị động.
Thực chất thì cách đặt lệnh này là cách mà chúng ta đoán rằng mô hình Cup and Handle sẽ diễn ra chứ mô hình giá chưa hoàn toàn hình thành, chỉ khi có sự phá vỡ đường miệng cốc thì chúng ta mới chắc chắn có mô hình Cốc & tay cầm.
Đồng thời cách này cũng rất dễ mắc những bẫy phá vỡ giả (False breakout) và thậm chí có thể thua lỗ đậm nếu như giá hồi về sâu trước khi có thể phá vỡ được miệng cốc. Đồng thời nó cũng không có được một điểm dừng lỗ rõ ràng và khoa học để chúng ta có thể quản lý vốn chặt chẽ.
Với cách thứ hai thì sẽ an toàn hơn vì chúng ta có được một cây nến tín hiệu phá vỡ để dựa vào đó có thể có điểm vào lệnh tốt và cả điểm dừng lỗ rõ ràng.
Đối với mô hình cốc tay cầm thuận thì chúng ta sẽ đặt một lệnh chờ mua ở trên cây nến phá vỡ đường miệng cốc hoặc nếu bóng nến trên không có hay quá ngắn thì có thể vào một lệnh mua trực tiếp. Điểm dừng lỗ ở vị trí dưới cây nến.
Ngược lại với mô hình nghịch thì chúng ta đặt một lệnh chờ bán ở dưới cây nến phá vỡ hoặc vào lệnh bán trực tiếp nếu như bóng nến dưới quá ngắn hoặc là không có. ĐIểm dừng lỗ đặt ở trên cây nến.
Ví dụ giao dịch trong thực tế sẽ được Học Price Action trình bày ở bên dưới.
Giao dịch với cú hồi về đường miệng cốc
Chúng ta biết đặc điểm sau khi phá vỡ kháng cự hay hỗ trợ đó là giá sẽ thường hồi về test lại các ngưỡng cản mới bị phá vỡ rồi sau đó mới đảo chiều tiếp tục tăng hoặc giảm theo xu hướng trước đó.
Thông thường các cú hồi về và đảo chiều sẽ cho chúng ta một mô hình nến với tín hiệu vào lệnh rất đẹp và chúng ta hãy tận dụng đặc điểm đó để có thể vào lệnh.
Giao dịch với cú hồi về miệng cốc Cup and Handle tăng | Giao dịch với cú hồi về miệng cốc Cup and Handle giảm |
![]() |
![]() |
Đây có thể nói là cách giao dịch an toàn và hiệu quả nhất vì khi đó sự phá vỡ đã gần như là chắc chắn và rõ ràng, đồng thời việc giao dịch cũng sẽ có điểm vào lệnh đẹp và mức dừng lỗ một cách khoa học.
Ví dụ thực tế về giao dịch với mô hình cốc & tay cầm
Chúng ta sẽ quan sát lại chính hai ví dụ thực tế mà Học Price Action đã chia sẻ ở phần đầu để xem cách giao dịch với mô hình cốc tay cầm như thế nào nhé.
Trường hợp cốc & tay cầm tăng
Với trường hợp mô hình cốc và tay cầm trong xu hướng tăng này thì có thể thấy nếu bạn giao dịch theo cả ba cách đều có thể thắng lớn.
1/ Đặt lệnh chờ mua
Nếu như bạn đặt sẵn một lệnh chờ mua ở trên đường miệng cốc thì khi giá chạm đến rồi khớp lệnh thì nó cũng không có sự phá vỡ giả và hồi về sâu mà tiếp tục tăng giá mạnh lên.
Thường thì theo cách giao dịch này bạn sẽ đặt lệnh dừng lỗ ở dưới đáy của phần tay cầm. Sau khi lệnh đã được khớp thì bạn hãy xem xét dời Stop loss về mức phù hợp để giảm bớt thua lỗ nếu như giá đi ngược lại. Chẳng hạn như khi kết thúc cây nến phá vỡ rõ ràng thì bạn sẽ dời stop loss về dưới cây nến này.
2/ Giao dịch với cây nến phá vỡ rõ ràng
Với cách giao dịch này thì bạn sẽ phải vào lệnh muộn hơn nhưng đổi lại sẽ có sự chắc chắn và an toàn hơn.
Khi chúng ta thấy có cây nến phá vỡ lên trên đường miệng cốc một cách rõ ràng và là một cây nến tăng mạnh thì chúng ta sẽ đặt lệnh chờ mua ở trên đỉnh của cây nến này. Điểm dừng lỗ ở dưới cây nến.
Nhưng có thể thấy là cây nến tín hiệu phá vỡ và chúng ta vào lệnh này có kích thước tương đối lớn, nếu đặt tỷ lệ Reward:Risk cố định là 2:1 thì sẽ rất lâu để có thể chạm đến mức Take Profit.
Chúng ta có thể giảm tỷ lệ chốt lời xuống là 1.5:1 hoặc bạn có thể áp dụng chiến lược đi theo lệnh để tăng khối lượng (Scaling In), tức là có thể vào thêm lệnh nếu như giá đi theo hướng thuận lợi. Đồng thời dời stop loss về ngưỡng hợp lý. Làm như vậy thì chúng ta có thể gia tăng được lợi nhuận.
3/ Giao dịch với cú hồi về đường miệng cốc
Với cách giao dịch với cú hồi về thì chúng ta thấy có 3 điểm thể hiện sự hồi về của giá. Nếu như hồi về chính xác ngưỡng giá của đường miệng cốc thì chỉ có vị trí số 3 là chuẩn nhất và chúng ta có thể vào lệnh với mô hình nến Bullish Engulfing (bao trùm tăng).
Tuy nhiên khi mà giá chưa diễn ra thì chúng ta không thể biết trước được, thực tế ngưỡng kháng cự hỗ trợ nó là một khoảng giá chứ không phải là một mức giá chính xác nào cả.
Nếu chúng ta tuyệt đối hoá rằng giá phải về chính xác ngưỡng giá của đường miệng cốc thì đôi khi sẽ bỏ lỡ cơ hội giao dịch tốt. Vậy nên ở điểm số 1 hay số 2 chúng ta vẫn có thể vào lệnh được.
Ở điểm số 1 chúng ta có thể vào lệnh với mô hình bao trùm tăng, hoặc điểm số 2 đó là mô hình nến giảm dần kết hợp bao trùm tăng.
Tất cả các vị trí số 1,2 và 3 chúng ta vào lệnh mua trực tiếp bởi vì các cây nến tín hiệu đều không có bóng nến trên hoặc là bóng nến rất nhỏ. Điểm dừng lỗ chúng ta đặt dưới các cây nến tín hiệu này. Nếu chúng ta đặt Target lợi nhuận là 2:1 hoặc 3:1 thì tất cả các lệnh đều thắng, thật tuyệt vời phải không nào.
Trường hợp cốc & tay cầm giảm
Đối với ví dụ về trường hợp Cốc & Tay cầm ngược trong xu hướng giảm ở trên cũng là một ví dụ rất hay để cho chúng ta thấy ưu nhược điểm của từng cách giao dịch.
1/ Đặt lệnh chờ mua
Với cách giao dịch này Học Price Action không khuyến khích vì nó có nhiều rủi ro và trong trường hợp trên cho chúng ta thấy điều đó.
Sau khi có một cây nến giảm rất mạnh phá vỡ xuống dưới đường miệng cốc thì nó lại không tiếp tục giảm sâu mà trở thành một điểm False Breakout (phá vỡ giả) khi giá quay đầu tăng lên.
Giá tăng vượt qua đỉnh của phần tay cầm và như vậy nếu như chúng ta đặt một lệnh chờ bán một cách bị động ở ngưỡng miệng cốc và Stop loss ở trên đỉnh của tay cầm thì chúng ta sẽ bị thua trong lệnh này một cách nhanh chóng.
2/ Giao dịch với cây nến phá vỡ rõ ràng
Đối với trường hợp này thì chúng ta rất may mắn khi mà xuất hiện cây nến giảm mạnh phá vỡ đường miệng cốc chúng ta sẽ đặt một lệnh chờ bán ở dưới cây nến này.
Nhưng cây nến sau đó đã không có một chút sự đi xuống nào mà tăng một mạch cho đến khi kết thúc cây nến và tạo thành một cây nến opening bullish marubozu.
Vì vậy mà lệnh chờ bán ở dưới của chúng ta không được khớp lệnh và đây là trường hợp rất may mắn, nhưng các bạn nến nhớ chỉ ít trường hợp chúng ta có thể may mắn như vậy mà thôi.
Giả sử nếu nó giảm một chút xuống dưới rồi mới quay đầu tăng thì lệnh sẽ được khớp và kết quả là thua lỗ.
Đó là lý do mà giao dịch với sự phá vỡ luôn là cách giao dịch thiếu sự chắc chắn và an toàn nhất.
Nếu bạn vẫn muốn giao dịch theo cách này thì sau đó giá tiếp tục có cây nến giảm mạnh phá vỡ xuống dưới, vì nó đã có một lần phá vỡ giả rồi cho nên thần thứ hai này khả năng phá vỡ thành công sẽ chắc chắn hơn.
Kết quả là chúng ta thành công với lệnh này.
3/ Giao dịch với cú hồi về đường miệng cốc
Với cách giao dịch bằng cú hồi về đường miệng cốc trong trường hợp này là rất đẹp khi mà nó hình thành lên mô hình nến tăng dần và chúng ta có thể vào lệnh với cây nến tín hiệu giảm.
Vì bóng nến dưới rất nhỏ nên chúng ta có thể vào một lệnh bán trực tiếp sau khi cây nến kết thúc, điểm dừng lỗ đặt ở trên cây nến này. Kết quả sau đó cho chúng ta thấy đây là một lệnh giao dịch rất tuyệt vời.
Như vậy có thể nói chờ đợi là hạnh phúc và thành quả chúng ta nhận được là rất xứng đáng phải không các bạn, càng về sau thì lệnh giao dịch càng hiệu quả và an toàn hơn.
Trong việc giao dịch có rất nhiều cơ hội cho nên không việc gì chúng ta phải nóng vội hoặc ham vào lệnh sớm để có nhiều lợi nhuận cả.
Lời kết
Như vậy là các bạn đã cùng với Học Price Action đi qua các kiến thức rất chi tiết về mô hình giá cốc và tay cầm. Các bạn đã nắm được cấu tạo và quy chuẩn để hình thành lên một mô hình cốc & tay cầm. Đồng thời biết được những cách để giao dịch hiệu quả với mô hình giá Cup and Handle pattern.