Cho người mới

Bull Market là gì? và Bear Market là gì?

bull-and-bear-market-2 copy

Đối với dân trader thì có lẽ không thể nào không biết đến các khái niệm Bull Market hay Bear Market, nhưng với người mới thì nó vẫn là những khái niệm lạ lẫm mà chúng ta cần trang bị kiến thức cơ bản giúp am hiểu hơn về thị trường. Bài viết này chúng ta sẽ cùng Học Price Action tìm hiểu về Bull Market và Bear Market là gì nhé.

Bull Market là gì?

Bull Market hay còn gọi là “thị trường Bò” và trong tài chính thì bò là hình ảnh đại diện cho thị trường có xu hướng tăng giá.

Một thị trường được coi là xu hướng tăng phải là một thị trường tồn tại trong một thời gian tương đối dài so với tương quan biểu đồ giá ở khung thời gian đó.

Bull Market được thể hiện bởi một dãy rất nhiều các nến chứ không chỉ là vài cây nến tăng. Thậm chí nó còn phải có các sóng tăng là các sóng chính và sóng xuống là các sóng điều chỉnh nữa thì mới là một thị trường tăng chứ không chỉ là một con sóng tăng mạnh đơn thuần.

thị trường bò và thị trường gấu

Bear Market là gì?

Bear Market là thị trường gấu và gấu chính là biểu tượng cho thị trường giảm điểm trong tài chính, với thị trường tài chính thì luôn là sự đối đầu giữa bò và gấu hay là giữa bên bán và bên mua.

Và giống như Bull market thì Bear Market cũng phải tồn tại trong một thời gian đủ dài so với khung thời gian chúng ta đang xem xét, nó phải bao gồm các sóng chính là sóng giảm và sóng điều chỉnh là sóng tăng thì nó mới là một thị trường Gấu đích thực chứ không chỉ đơn thuần là một con sóng giảm.

Tại sao là là Bull và Bear?

Chắc chắn các bạn sẽ thắc mắc rằng tại sao lại dùng thuật ngữ nghe có vẻ chẳng liên quan gì đến tài chính cả đó là con bò và con gấu.

Thực chất thì ngôn ngữ Anh có ý nghĩa ám chỉ về hình ảnh rất nhiều và ở đây nó thể hiện bởi phong cách tấn công của các con vật này.

Con bò khi tấn công đối phương thì nó sẽ có xu hướng là cắm đầu xuống dưới giơ hai cái sừng lên và húc từ dưới lên trên. Trong khi đó con gấu thì lại có xu hướng tấn công bằng giáng đòn vuốt móng vào đối phương từ trên xuống.

Phạm vi của thuật ngữ Bull Market và Bear Market

Thực chất thì Bull Market và Bear Market không chỉ đơn thuần là dùng trong thị trường tài chính khi nói đến xu hướng tăng giảm của một tài sản tài chính nhất định mà phạm vi của nó còn rộng hơn thế rất nhiều.

Nó có thể là biểu thị cho xu hướng của thị trường bất động sản, xu hướng phát triển của một ngành nghề nào đó là cả tổng thể sự phát triển của nền kinh tế một đất nước hoặc cả thế giới.

Ngoài ra cũng cần nói thêm rằng thị trường bò hay gấu cũng là một khái niệm tương đối, nó phụ thuộc vào thời gian mà chúng ta xem xét, chẳng hạn một con sóng điều chỉnh của xu hướng tăng (Thị trường bò) trên D1 cũng có thể là một xu hướng giảm (Thị trường gấu) ở H1 hay M15….

Cấu trúc của thị trường Bò và thị trường Gấu

Thực chất thì cấu trúc của một xu hướng thị trường Bò hay Gấu là khá giống với quy tắc sóng Elliott

mo hinh cac song Elliott là gì

Chúng ta đã học về cấu tạo của sóng Elliott rồi và những con sóng thuộc xu hướng thị trường đó là các con sóng 1, 2, 3, 4, 5 và các con sóng trong xu hướng điều chỉnh đó là a, b, c.

Và ở đây chúng ta sẽ không nói đến các sóng a, b, c của lý thuyết sóng Elliott làm gì mà hãy tập trung vào các sóng 1, 2 , 3, 4, 5.

Các sóng 1, 2, 3, 4, 5 ví dụ trên đó là ví dụ về một xu hướng tăng tức là thị trường Bò Bull Market. và nó sẽ có những giai đoạn  như sau:

  • Sóng số 1 là giai đoạn bắt đầu của thị trường Bò, đây là giai đoạn bắt đầu xu hướng tăng khi nó mới chuyển giao từ thị trường Gấu, đây là giai đoạn tích luỹ và thường thì sóng tăng chưa thật sự mạnh và rõ rệt.
    Đôi khi chúng ta còn không biết được nó đã chuyển từ Gấu sang Bò thật hay chưa hay nó chỉ là một sóng điều chỉnh tăng của thị trường Gấu mà thôi. Để phán đoán được thì đôi khi nó còn phụ thuộc vào kinh nghiệm và sự may mắn.
  • Sóng số 2 là sóng điều chỉnh đầu tiên và nếu ở khung thời gian nhỏ hơn thì nó lại có thể là cả một thị trường gấu. Đây như là giai đoạn nghỉ ngơi ở chặng đường đầu tiên. Khi hình thành con sóng 2 này thì chúng ta sẽ có những cơ sở rõ ràng hơn về thị trường liệu đã thực sự hình thành lên Bull Market hay chưa.
    Nếu như sóng giảm số 2 này yếu ớt và có các cây nến giảm không quá vượt trội thì tín hiệu khả năng cao là chúng đã hình thành lên thị trường Bò.
  • Sống số 3 chính là sóng mạnh mẽ nhất sau giai đoạn đầu tích luỹ, giống như con bò khi nó xác định được mục tiêu tấn công thì cần phải lấy đà và hướng đến mục tiêu, đó chính là sóng 1 và 2, sau đó thì nó bắt đầu tăng tốc để dồn lực tấn công vào mục tiêu đó chính là con sóng thứ 3.
  • Sau đó đến con sóng thứ 4 và 5 đó là giai đoạn thoái lui hay là bước vào thời kỳ quá độ của một xu hướng thị trường.

Trong thực tế thì chúng ta thường không xác định rõ được các con sóng như ở trên, thậm chí một xu hướng có rất nhiều các con sóng 1, 2 , 3, 4, 5 nối tiếp nhau như vậy cho nên không bao giờ chúng ta có thể phán đoán các con sóng 1, 2 , 3, 4, 5 để giao dịch được cả.

bull-market thị trường bò hay xu hướng tăng của thị trường

Hình trên đây là một ví dụ về xu hướng tăng có thể nói là rất dài và nó tồn tại đến hàng tháng trời. Trong đó nó có rất nhiều lớp sóng 1, 2, 3, 4, 5 chồng lên nhau.

bear-market thị trường gấu hay xu hướng giảm của thị trường

Còn hình trên là một thị trường gấu Bear Market, chúng ta có thể thấy là trong xu hướng giảm trên có những sóng tăng dù là sóng điều chỉnh nhưng nó lại tăng một cách dứt khoát và mạnh mẽ, dù sao thì các sóng giảm mạnh cũng chiếm đa số hơn. Cho nên không có gì là tuyệt đối trong thị trường tài chính này cả.

Bull Market và Bear Market – Bạn kiếm tiền được trong thị trường nào?

Với tài chính truyền thống thì chúng ta chỉ kiếm được tiền trong thị trường Bull Market mà thôi, cụ thể như là thị trường giao ngay (Spot Market).

Chẳng hạn với Bitcoin hoặc là bạn ra tiệm vàng để mua vàng tích trữ thì bạn sẽ chỉ có lời khi mà BTC và vàng tăng giá, tức là phải có Bull Market thì mới giúp bạn có lời còn Bear market sẽ khiến cho bạn thua lỗ.

Tuy nhiên, với các công cụ tài chính hiện đại và cụ thể ở đây là những hình thức chứng khoán phái sinh như là CFD, Options, Future… thì bất kể thị trường nào, Bull hay Bear thì bạn cũng có thể kiếm được tiền.

Thị trường phái sinh là thị trường tạo ra từ thị trường chính thống và ở đó chúng ta đang đặt cược trên sụ biến động của thị trường, vì vậy chúng ta cược vào xu hướng giá sắp tới là Bear Market mà chúng ta đúng thì chúng ta sẽ kiếm được tiền. Đó chính là điều mà chúng ta giao dịch Forex dạng CFD có thể làm được.

Xem thêm: Sàn giao dịch CFD ICMarket – trade FX, Crypto, Vàng, Cổ phiếu

Những cách gọi khác từ Bull và Bear market

Chúng ta gọi là thị trường Bull hoặc là thị trường Bear và trong việc phân tích giao dịch thì cũng có rất nhiều những khái niệm mà chúng ta cần gán nó với thị trường tăng hoặc thị trường giảm.

Khi đó người ta sẽ gọi ngắn gọn những cái gì gắn liền với xu hướng tăng đó là Bullish và những gì gắn với xu hướng giảm thì sẽ gọi là Bearish.

Chẳng hạn như là một mô hình nến làm tín hiệu đảo chiều từ xu hướng giảm thành xu hướng tăng thì ta sẽ gắn với từ Bullish, ngược lại nếu như mô hình nến là tín hiệu đảo chiều từ xu hướng tăng thành xu hướng giảm thì sẽ gắn liền với từ Bearish.

Ví dụ: Bullish Engulfing, Bearish Engulfing…

Lời kết

Trên đây là những chia sẻ của Học Price Action về khái niệm Bull Market là gì và Bear Market là gì. Nó rất đơn giản và sau này khi có một khái niệm nào đó gắn liền với Bull hay Bear thì các bạn sẽ hiểu ngay được nó nói cái gì.