Cho người mới

Bollinger Band là gì? Tìm hiểu về công cụ Dải Bollinger

Ví dụ về chỉ báo bollinger band là gì

Nếu bạn là một người mới bước chân vào thị trường giao dịch thì có lẽ một trong những khái niệm hay từ ngữ đầu tiên bạn bắt gặp là Bollinger Band bên cạnh rất nhiều những khái niệm cần biết. Vậy thì Bollinger Band là gì và cách hình thành nó như thế nào? Sử dụng Bollinger Band ra sao? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong bài học này.

Bollinger Band là gì?

Bollinger Band là một công cụ chỉ báo kỹ thuật phổ biến do John Bollinger phát minh và sáng tạo ra để nhằm mục đích thoe dõi các tín hiệu quá bán hoặc quá mua.

Bollinger Band được cấu tạo từ một đường Simple Moving Average (SMA) cùng với đó là hai dải biên ở trên và dưới cùng được hình thành từ sự biến đổi của đường SMA chính giữa. 3 đường này cấu tạo thành một công cụ Bollinger Band có hai dải biên ở bên ngoài và bao lấy biểu đồ giá.

Dưới đây là hinh ảnh ví dụ về chỉ báo Bolliinger Band:

Ví dụ về chỉ báo bollinger band là gì

Nhìn vào hình ảnh ở trên chúng ta sẽ thấy một điều đặc biệt đó là biểu đồ giá dù tăng hay giảm thế nào thì nó cũng bám sát vào các dải biên ở trên vào dưới chứ không thoát ra ngoài.

Điều đó lý giải cho công dụng của dải Bollinger Band là một chỉ báo để xác định việc quá mua hoặc quá bán của thị trường một cách chính xác.

Thêm một đặc điểm nữa ở Bollinger Band đó là khi giá biến động mạnh thì dải Bollinger Band sẽ có xu hướng giãn rộng hai biên ra còn khi thị trường sideway và giằng co không xu hướng thì hai dải biên của Bollinger Band sẽ được thu hẹp lại.

Cách tính toán Bollinger Band – Công thức tính Bollinger Band

Công cụ cơ bản và là nguyên liệu để tạo ra Bollinger Band chính là đường SMA. Nếu các bạn chưa tìm hiểu về đường Moving Average là gì thì hãy tham khảo các bài học trước.

Đầu tiên thì khi ta sử dụng công cụ chỉ báo Bollinger Band ta sẽ phải lựa chọn chu kỳ của Bollinger Band, và cũng có thể nói chính là chọn chu kỳ cho đường SMA.

Dưới đây là hình ảnh về các tuỳ chọn khi sử dụng Bollinger Band trong phần mềm giao dịch MT4 hoặc MT5

bảng tuỳ chỉnh công cụ chỉ báo bollinger band

Trong đó các thông số mà chúng ta có thể điều chỉnh đó là:

  • Period: Chính là số phiên tính cho đường SMA
  • Deviations: Là độ lệch chuẩn của hai dải biên so với đường SMA ở chính giữa.
  • Apply to: Là giá dùng để tính đường SMA
  • Style: Chọn cách biểu thị của đường bollinger band.

Khi đã có đường SMA rồi thì nhiệm vụ tiếp theo là phải tính ra được dải biên trên và dải biên dưới của Bollinger Band. Công thức tính cụ thể với dải biên trên và dải biên dưới như sau:

BB Up         = MA(P,nmσ[P,n]

BB Down    MA(P,n− mσ[P,n]

Trong đó các ký hệu cụ thể là:

  • MA là đường Moving Average
  • P là Price tức là giá mà bạn chọn để tính cho đường MA, với dải Bollinger Band thì nó có nhiều mức giá để tính hơn là đường MA bình thường. Cụ thể bạn có thể chọn giá đóng cửa (Close), giá mở cửa (Open), Giá cao nhất (High), giá thấp nhất (Low), Median Price (là giá trung bình của giá cao nhất và thấp nhất), Typical Price (là trung bình giá của High, Low và Close), Weighted Price tức là giá trung bình của High, Low và hai lần giá Close)
  • n là số chu kỳ phiên mà bạn lựa chọn, chuẩn nhất là 20
  • m là độ lệch chuẩn của đường MA, chính là phần Deviations mà chúng ta có thể tuỳ chọn trong phần điều chỉnh Bollinger Band
  • σ là phương sai của độ lệnh chuẩn với chu kỳ mà chúng ta đã lựa chọn.

Có thể thấy công thức tính ra dải Bollinger Band cũng khá là phức tạp và có lẽ chúng ta cũng không cần phải nhớ hay nghiên cứu sâu về các công thức toán học phức tạp này làm gì.

Bollinger Band cho bạn thông tin gì?

Vài trò chính của Bollinger Band như chúng ta đã đề cập thì nó có tác dụng làm công cụ dự báo về việc quá mua hay quá bán của thị trường. Khi mà thị trường quá mua tức là đã tăng giá quá cao thì sẽ phải có sự điều chỉnh giảm và ngược lại nếu thị trường có sự quá bán tức là giá đã giảm mạnh thì sẽ phải có bước tăng điều chỉnh.

Thế nhưng đó là lý thuyết còn trong thực tế thì đôi khi giá chạm đến các dải biên lại không phải là tín hiệu dao dịch hiệu quả và có khả năng thắng cao, thậm chí là ngược lại.

Bollinger Band dự báo về xu hướng thị trường

Về công dụng này thì nó cũng cơ bản giống như với công cụ đường Moving Average đó là khi giá ở bên trên đường trung bình và gần với dải biên trên đồng thời đường trung bình có độ dốc lên thì có nghĩa là thị trường đang xu hướng tăng giá.

Ngược lại nếu như giá đang nằm dưới đường trung bình đồng thời sát với dải biên dưới và đường MA có độ dốc đi xuống thì thị trường đang trong một xu hướng giảm.

Nếu như thị trường đang đi ngang với các con sóng lên xuống liên tục thì dải Bollinger Band cũng sẽ đi ngang đồng thời các con sóng liên tục chạm dải trên rồi bật trở lại và cắt quá đường MA sau đó chạm vào dải BB ở phía dưới rồi lại bật lên trở lại.

Cụ thể dưới đây là các vị dụ trong thực tế ở mỗi hoàn cảnh thị trường với công cụ Bollinger Band

phân tích thị trường với dải bollinger

Ở ví dụ trên thì đầu tiên thị trường đang trong một xu hướng đi ngang hay có thể gọi là không xu hướng. Lúc này chúng ta thấy rằng đường trung tâm của bollinger band không có độ dốc quá lớn. Đồng thời có rất nhiều lần giá tăng và giảm chạm ngưỡng dải biên trên và dưới của công cụ bollinger band, điều đó là dấu hiệu trong một thị trường Sideway.

Sau đó đến thời điểm mà thị trường có một loạt các nến giảm sâu và bám sát biên dưới của dải Bollinger Band mà không hề có sự bật tăng trở lại như các vị trí sideway thì chúng ta mới có thể dự báo về một xu hướng giảm sắp tới.

Khi đó chúng ta thấy là đường SMA của Bollinger Band cũng bắt đầu dốc xuống lớn hơn đồng thời hai biên có phần giãn rộng ra hơn so với lúc thị trường còn Sideway.

Một điểm chúng ta thấy khi thị trường có xu hướng giảm ở trên là rất ít hoặc có thể nói là gần như không có cây nến nào ở phía trên đường SMA mà nó tập trung về phía dải dưới của Bollinger Band.

Chúng ta tham khảo thêm một ví dụ về Bollinger Band trong xu hướng tăng giá

sự chuyển đổi từ sóng tăng tành sideway với chỉ báo bollinger band

Ở vị trí sóng hồi số 1 và 2 chúng ta thấy là thị trường đang trong một xu hướng tăng với độ dốc của Bollinger Band  hướng lên trên, đồng thời chỉ có một cây nến rất nhỏ ở vị trí số 2 là nằm dưới đường SMA còn lại gần như không có một cây nến nào nằm phía dưới đường SMA cả.

Trong khi đến các vị trí số 3 đến số 7 là những vị trí mà sóng tăng giảm liên tục trong một thị trường Sideway, thậm chí có những vị trí mà giá chưa chạm đến dải biên thì đã quay đầu rồi và đó cũng là dấu hiệu đáng chú ý với thị trường Sideway.

Sử dụng Bollinger Bounce

Bollinger Bounce đơn giản là sự bật ra từ các dải Bollinger Band, nói cách khác ta có thể coi Bollinger Band như là một công cụ để xem xét các ngưỡng kháng cự và hỗ trợ. Nơi mà giá đến đó sẽ có khả năng phản ứng và đảo chiều cao.

Điều này chúng ta có thể quan sát ngay trên các ví dụ ở phần trên mà Học Price Action đã trình bày. Các kiểu bật trở lại của Bollinger Band thường là có 3 dạng như sau:

  • Kiểu bật qua lại giữa dải trên và dải dưới của Bollinger Band, kiểu này phổ biến trong thị trường Sideway.
  • Kiểu bật qua lại giữa dải trên với đường trung tâm, kiểu này chính là trong một thị trường có xu hướng tăng.
  • Kiểu bật qua lại giữa dải dưới và đường trung tâm, đó là khi trong thị trường có xu hướng giảm.

Chính nhờ vào quy tắc bật trở lại của Bollinger Band như trên mà ta có ý tưởng giao dịch tốt nhất với Bollinger Band là khi giao dịch trong một xu hướng thì chúng ta không nên giao dịch khi giá chạm các dải biên ngoài vì nó đã quá mua hoặc quá bán.

Chúng ta chỉ nên chờ cho giá hồi về đường SMA trung tâm vì như chúng ta học về đường Moving Average thì nó cũng đóng vai trò là ngưỡng kháng cự và hỗ trợ động.

Tuy nhiên các bạn lưu ý cách giao dịch này chỉ hiệu quả trong một xu hướng mạnh và giá đi dứt khoát, không hồi sâu, điều kiện này rất ít khi gặp trong thị trường.

Bollinger Squeeze (dải Bollinger bó chặt)

Để dễ hình dung chúng ta sẽ xem một hình ảnh ví dụ thực tế ở dưới đây:

Ví dụ về chỉ báo bollinger band là gì

Chúng ta thấy rằng có những thời điểm mà dải Bollinger Band bó hẹp và co lại rồi sau đó tiếp tục giãn rộng ra, đặc biệt các điểm bó hẹp này không tồn tại lâu mà chỉ một thời gian ngăn là nó lại mở rộng.

Mà như ta đã biết thì dảo Bollinger Band chỉ giãn rộng ra khi giá bắt đầu biến động mạnh.

Chính điều đó cho ta một ý tưởng trong giao dịch rằng khi dải Bollinger Band bắt đầu bó hẹp lại thì cũng là lúc mà thị trường đang dồn nén để chuẩn bị bùng nổ.

Sau đây là một ví dụ cụ thể về ý tưởng mà chúng ta có thể giao dịch được với bó Bollinger Band.

giao dich voi Bollinger Band squeez

Nhìn vào ví dụ trên chúng ta thấy rằng dải Bollinger Band đang bị bó hẹp lại với rất nhiều nến nhỏ và các nến có đuôi dài thể hiện thị trường không có xu hướng.

Lúc này ta sẽ chờ diễn biến tiếp theo của thị trường để xem giá sẽ đi về đâu, khi ta thấy có một cây nến giảm tương đối lớn rồi tiếp theo sau lại là một nến giảm mạnh nữa có giá đóng cửa ở ngoài dải biên dưới của Bollinger Band.

Lúc này ta có thể phán đoán rằng giá sẽ bắt đầu biến động giảm mạnh để làm giãn biên độ dải Bollinger Band ra. Chúng ta có thể vào lệnh với cây nến giảm thứ hai đó nhưng nó là tương đối mạo hiểm vì giá đã giảm hơi sâu. Tốt nhất là nên chờ giá hồi về gần đường trung tâm rồi tìm kiếm mô hình giá phù hợp để vào lệnh.

Cụ thể là sau đó đã xuất hiện một cây nến Pin bar rất đẹp và ta có thể giao dịch với cây nến pin bar này. Còn nếu như bạn chờ một cây nến tín hiệu giảm thì sau đó lại không thể vào được lệnh vì sau cây nến giảm giá lại giằng co với nhiều cây nến nhỏ rồi sau đó mới giảm mạnh.

Nếu như bạn vào lệnh với Pin bar trong trường hợp này thì quả là thắng rất lớn. Với phong cách giao dịch của mình thì mình sẽ đợi nến tín hiệu và kết quả là không thể vào lệnh khi đặt chờ bán dưới cây nến tín hiệu.

Hoặc nếu có vào lệnh với Pin bar thì mình sẽ đóng lệnh nếu như sau đó xuất hiện nhiều cây nến nhỏ không xu hướng như ở trên.

Lời kết

Trên đây là những kiến thức cơ bản và quan trọng về dải Bollinger Band mà Học Price Action muốn chia sẻ đến các bạn. Đây là một công cụ vô cùng hữu ích cho bạn trong việc phân tích và giao dịch.

Thế nhưng bạn cũng phải lưu ý đó là rất khó để có thể giao dịch với chỉ Bollinger Band mà không có phân tích về Price Action, bạn không thể nào chỉ dựa vào tín hiệu quá mua hay quá bán của Bollinger Band mà dao dịch vì có thể sẽ gặp phải rất nhiều tín hiệu giả.