Ở trong bài viết trước chúng ta đã tìm hiểu về Bull Trap là gì rồi và tiếp theo trong bài này chúng ta sẽ cùng Học Price Action tìm hiểu sâu về Bear Trap là gì? Cùng với đó là cách nhận diện đâu là một bẫy giảm giá và từ đó biết cách để phòng tránh những đòn bẫy Bear Trap nhé.
Bear Trap là gì?
Bear Trap tức theo tiếng Việt sẽ gọi là bẫy giảm giá. Bear Trap xảy ra trong một thị trường có xu hướng tăng, sau đó thì xuất hiện một con sóng giảm mạnh mà thông thường với nhiều người sẽ nghĩ rằng thị trường đã chuyển xu hướng thành giảm, nhưng sau đó nó lại bất ngờ đảo chiều hoàn toàn quay về xu hướng chính là tăng giá.
Trong bất kỳ thị trường nào thì Bear trap luôn luôn tồn tại rất nhiều, mọi lúc và mọi khung thời gian. Chúng ta có thể để ý trên biểu đồ rất nhiều vị trí có những cây nến bóng nến dưới rất dài đó là sự giảm giá mạnh rồi sau đó lại đột ngột quay đầu tăng.
Hoặc là nhiều tình huống hình thành một vài cây nến giảm mạnh rồi sau đó bất chợt quay đầu tăng mạnh giống như một chiếc xe chạy nhầm đường và quay lại chạy thật nhanh về con đường trước đó.
Các dạng quen thuộc của Bear Trap
Những cú Bear Trap sẽ có hai dạng điển hình như sau:
Dạng thứ nhất đó là nó sẽ xuất hiện các cây nến giảm mạnh liên tiếp rồi sau đó lại là liên tiếp các cây nến tăng liên tiếp mà không hề có bất kỳ một khoảng dừng để thị trường Sideway nào cả.
Sau đây là một ví dụ:
Các vị trí được đánh số 1 ở trên hình chính là kiểu Bear Trap thứ nhất, đó là nó có những cây nến giảm mạnh liên tiếp rồi sau đó lại là một điều hoàn toàn trái ngược khi thị trường hình thành các cây nến tăng liên tiếp. Giống như một mũi dao sắc nhọn vậy.
Dạng thứ hai đó là kiểu mà Học Price Action đã đánh dấu số 2 ở hình trên đó là kiểu Bear Trap chỉ có một cây nến với đuôi nến dưới cực kỳ dài.
Kiểu Bear Trap này thường xảy ra do có tin tức kinh tế, chính trị hay những sự kiện quan trọng được công bố và làm cho thị trường biến động dữ dội.
Thực tế thì dạng này nó cũng chính là dạng thứ nhất khi chúng ta quay xuống những khung thời gian nhỏ hơn. Ở trên là khung thời gian H1 và chúng ta sẽ xem ở khung thời gian M5 thì cây nến số 2 sẽ như thế nào nhé.
Chúng ta có thể thấy nó cũng chính là dạng thứ nhất với các cây nến giảm mạnh liên tiếp có kích thước lớn rồi sau đó lại là các cây nến tăng manh liên tiếp.
Bear Trap xảy ra từ đâu?
Bẫy giảm giá được hình thành từ một số nguyên nhân như sau:
Cá mập thao túng thị trường:
Điều này thường gặp trong thị trường chứng khoán với các cổ phiếu của những công ty, còn trong thị trường Forex thì điều này là rất khó xảy ra vì nó là một thị trường có quy mô quá lớn.
Khi có các thông tin quan trọng:
Các thông tin kinh tế, chính trị, xã hội…. luôn có ảnh hưởng mạnh đến thị trường tài chính.
Có nhiều khi theo như những gì mà tin tức đưa ra thì giá phải tăng nhưng thị trường lại không nghĩ như vậy và cứ thế giá giảm rất mạnh, sau đó đến một ngưỡng hỗ trợ nào đó thì giá đột ngột đảo chiều tăng đúng như theo những gì tin tức đưa ra vì đó là thông tin có lợi.
Hay thậm chí ngược lại, khi tin tức ra thì việc giá giảm là đúng theo quy luật vì đó là một tin tức xấu, nhưng khi giảm đến một ngưỡng hỗ trợ quan trọng thì giá lại quay đầu tăng trở lại theo xu hướng trước đó mặc cho tin tức là xấu.
Dù thế nào đi nữa thì cũng nhờ những tin tức và sự kiện đó mà nó khiến cho thị trường biến động mạnh để hình thành lên Bear Trap.
Chốt lời và Tâm lý đám đông:
Đôi khi đến một mức tăng giá nào đó thì những người đang giữ vị thế Long có thể đồng loạt nghĩ rằng giá đã quá cao và tiến hành chốt lời. Khi giá đã quá cao rồi thì chắc chắn là không còn nhiều người nhảy vào mua lên nữa.
Lúc này đồng nghĩa nó sẽ hình thành lên các lệnh bán của những người chốt lời lệnh mua, chưa kể sẽ có một bộ phận người nhảy vào bán xuống vì cho rằng giá quá cao và khả năng sẽ đảo chiều xu hướng hoặc đơn thuần là bắt con sóng điều chỉnh giảm.
Những điều trên làm cho giá giảm mạnh đến một ngưỡng hỗ trợ quan trọng thì sẽ lại tiếp tục xảy ra hai việc ngược lại ở trên đó là:
- Những người giao dịch ngược xu hướng bắt đầu chốt lời vì nhận thấy giá đã về ngưỡng hỗ trợ.
- Một bộ phận người mới tham gia vào sẽ mua lên vì thấy rằng giá đã giảm về mức hợp lý để mua vào cũng như là có ngưỡng hỗ trợ mạnh.
Khi đó thì nhừng người mà cho rằng xu hướng giảm hình thành và tiếp tục bán xuống sẽ bị dính bẫy Bear Trap vì sau đó giá lại tăng mạnh trở lại xu hướng chính.
Cách nhận biết một Bear Trap – Bẫy giảm giá
Để bạn có thể tránh được các bẫy giảm giá thì sau đây Học Price Action xin chia sẻ một vài đặc điểm về Bear Trap cũng như là một số cách nhằm hỗ trợ nhận biết được bẫy giảm giá:
Bear Trap thường xuất hiện ở ngưỡng hỗ trợ
Như đã nói ở trên thì Bear Trap có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên một xu hướng tăng những thường những điểm Trap sẽ diễn ra ở vị trí ngưỡng hỗ trợ vì đây là những vùng giá nhạy cảm.
Tại các ngưỡng cản hỗ trợ này sẽ có nhiều sự đấu tranh giữa bên mua và bán nhưng cuối cùng là bên mua giành chiến thắng bởi đang có lợi thế của một xu hướng thị trường tăng giá.
Tuy nhiên ngưỡng hỗ trợ mới chỉ là một phần nhỏ để xác định một đòn bẫy giảm giá vì cũng nhiều con sóng điều chỉnh giảm về ngưỡng hỗ trợ rồi mới quay về xu hướng chính. Chúng ta cùng đến với những dấu hiệu bên dưới đây để tăng cường khả năng nhận diện những cú Bear Trap.
Sau đây là một hình ảnh ví dụ cho các bạn thấy được điều đó:
Trong bài viết chia sẻ kiến thức về khoảng GAP thì chúng ta đã biết được rằng khi Gap được hình thành thì nó sẽ tạo ra một khoảng trống về giá và ở đó chính là một ngưỡng hỗ trợ và kháng cự tiềm năng trong tương lai.
Và ở ví dụ trên đã chứng mình cho chúng ta thấy điều đó. Đã có đến 3 cú Bear Trap diễn ra ở ngưỡng hỗ trợ tạo ra bởi khoảng GAP này một cách rất rõ ràng.
Dựa vào kích thước cây nến
Chúng ta sẽ thường thấy là cây nến giảm trong một cú Bear Trap dù là nến ngược xu hướng nhưng lại thường là có kích thước lớn hơn rất nhiều so với các cây nến trước đó, thậm chí là so với cả các cây nến thuận xu hướng là nến tăng cũng lớn hơn rất nhiều.
Điều này sẽ dễ khiến cho nhiều trader non tay theo cảm xúc mà lao vào bán xuống vì cho rằng giá có thể đã chuyển sang xu hướng giảm vì cây nến giảm là rất lớn.
Cuối cùng họ lại đau đớn nhận ra một điều là mình đã bị mắc bẫy.
Để thấy rõ được đặc điểm về kích thước cây nến của Bear Trap thì các bạn có thể xem lại ví dụ ở phần trên. Chúng ta thấy các cây nến giảm lại lớn vượt trội hơn rất nhiều so với các cây nến tăng. Đây đích thực là đặc điểm của những cú lừa.
Dựa vào tín hiệu phân kỳ hội tụ
Đây là một phương pháp nhận diện những cú Bear Trap hay là cả Bull trap mà chúng ta không sử dụng trực tiếp từ biểu đồ nến mà lại sử dụng tín hiệu của công cụ chỉ báo.
Nhưng chỉ báo có thể cho tín hiệu phân kỳ hội tụ rất tốt như là RSI, Stochastic….
Tuy nhiên khi có tín hiệu phân kỳ hội tụ thì chúng ta vẫn chưa hẳn kết luận trên biểu đồ giá có cú Bear Trap hay không mà chúng ta vẫn nến dựa vào thêm các yếu tố đã nêu ở trên. Vì nhiều tín hiệu phân kỳ hội tụ cũng báo hiệu sự kết thúc của các con sóng điều chỉnh thông thường.
Sau đây là một ví dụ cụ thể cho thấy điều này:
Trong khi giá tạo ra một đáy cao hơn thì chỉ báo RSI chu kỳ 6 lại cho đáy thấp hơn so với đáy RSI tương ứng của đáy trước đó.
Như vậy khi theo dõi biểu đồ giá để giao dịch mà đến lúc nó đã hình thành lên những cây nến giảm mạnh liên tiếp ở trên rồi sau đó hình thành lên cây nến tăng thì chúng ta rất có cơ sở về khả năng cao hình thành một cú Bear Trap và có thể giao dịch với cây nến tăng này.
Ngoài ra thì nó cũng có yếu tố bổ trợ đó là ngưỡng hỗ trợ của các đỉnh trước mà nó đã bị giá vượt qua, đồng thời cây nến giảm cũng có kích thước tương đối lớn so với những cây nến trước đó.
Lời kết
Trên đây Học Price Action đã chia sẻ chi tiết đến bạn đọc về Bear Trap là gì, bên cạnh đó chúng ta biết được các dạng bẫy giảm giá, cách nhận biết sớm và phòng tránh cũng như là có thể giao dịch được với các cú Bear Trap một cách hiệu quả.